Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ở Vienna, người dân mặc chỉnh tề cả khi đi đổ rác

Người Việt ở Vienna nói người dân "không buồn khi mất, không tự hào khi đạt" danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới, dù thủ đô của Áo "hoàn toàn xứng đáng" với cái mác này.

thanh pho dang song nhat the gioi anh 1

Sau 9 năm sinh sống tại Vienna, anh Lê Đức Hùng chia sẻ thủ đô của Áo hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới.

“Chất lượng cuộc sống ổn định về mọi mặt, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội rất tốt. Qua những người bạn tôi từng tiếp xúc, từ người bản địa đến người nhập cư, hầu hết đều thể hiện một tình cảm đặc biệt với Vienna”, anh Hùng nói với Zing.

Tuy nhiên, anh Hùng chia sẻ người dân Vienna thường không đề cập đến danh hiệu này, “bởi với họ, thành phố mang lại một cuộc sống tốt đẹp theo cách rất tự nhiên”.

Chị Liên Nguyễn, từng sống ở Vienna 6 năm, cũng có trải nghiệm tương tự. “Hầu như những người tôi quen đều không quan tâm tới danh hiệu này. Vì khi chất lượng cuộc sống được đảm bảo, việc có danh hiệu hay không với họ cũng không quan trọng”.

“Chủ yếu chỉ có du học sinh hoặc người nước ngoài hay xem các bài báo và chia sẻ lại, chứ những người dân bản địa tôi quen không đề cập nhiều tới vấn đề này. Họ coi đó là chuyện đương nhiên, không tự hào khi có được và cũng không buồn nếu mất đi”, chị chia sẻ.

Theo báo cáo công bố cuối tháng 6 của Economist Intelligence Unit (EIU), thủ đô Vienna của Áo đã trở lại vị trí thành phố đáng sống nhất thế giới. Vienna từng trượt xuống vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng vào đầu năm 2021, khi các viện bảo tàng và nhà hàng đóng cửa.

“Kể từ đó, thành phố dần lấy lại ngôi đầu, vị trí mà nó nắm giữ trong năm 2018 và 2019", báo cáo cho biết. "Sự ổn định và cơ sở hạ tầng tốt là nét hấp dẫn chính của thành phố đối với người dân, cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt và nhiều cơ hội cho văn hóa và giải trí".

Ăn mặc gọn gàng kể cả khi đi đổ rác

Anh Lê Đức Hùng cho biết trong giao tiếp hàng ngày, người Áo có xu hướng lịch sự, trang trọng và có phần dè dặt.

“Tại nơi công cộng, có cảm giác người dân rất lạnh lùng, mọi người làm việc của mình và không ai để ý đến ai. Đôi khi, tôi còn bắt gặp cái nhìn chằm chằm vô cảm từ phía đối diện”, anh cho hay, nói thêm nếu đi cùng trẻ em hoặc thú cưng, người đối diện dễ nở nụ cười hoặc chào xã giao.

Tuy nhiên, anh Hùng nói nếu mở lời bắt chuyện “để phá đi lớp băng với người lạ, ngay lập tức tôi sẽ nhận lại thái độ niềm nở và hiếu khách đến kỳ lạ”.

Đây cũng là ấn tượng ban đầu của chị Liên Nguyễn về người Áo.

“Ban đầu người Áo khá lạnh lùng, giống với tính cách người Đức. Nhưng tôi thấy người Áo thì có phần thân thiện hơn một chút, đặc biệt người ở thủ đô thì tính cách thân thiện hơn hẳn”, chị nói. “Trong suốt thời gian sống ở đây, bạn bè của tôi chủ yếu là người Vienna, nên cái nhìn của tôi về tính cách họ là hòa đồng và tốt bụng”.

Chị Liên nhớ lại kỷ niệm khi bị mất ví tiền tại Vienna. “Lúc đó, tôi rất hoang mang và đã bật khóc. Cảnh sát đã giúp tôi báo ngân hàng để tạm khóa hết tài khoản. Sau khi rời đồn cảnh sát, tôi chứng kiến cảnh họ đứng quây ở mọi cửa ngõ để kiểm tra. Họ thực sự làm việc rất nghiêm túc”, chị kể.

Anh Hùng cho biết cư dân Vienna có phong cách sống chậm, nhưng cũng rất đúng giờ và coi trọng những chi tiết nhỏ.

“Các cuộc gặp mặt luôn được hẹn trước, phương tiện công cộng chính xác đến từng phút, giá cả trong siêu thị tính toán từng cent. Ở Áo, người ta lập kế hoạch cho cả thời gian rảnh rỗi nằm ghế sofa”, anh nói, cho biết người Áo ăn mặc gọn gàng ngay cả khi xuống nhà đổ rác.

Sống và làm việc 9 năm tại Vienna, anh Hùng nhận thấy người dân thường thư giãn trong công việc. Anh cho hay ít ai cảm thấy áp lực, “hoặc là họ không thể hiện ra”.

“Trong giờ làm việc, đồng nghiệp có thể uống cafe rồi tán gẫu, hoặc rủ nhau đi ăn trưa. Tuy nhiên, vì tính kỷ luật nên năng suất làm việc của họ rất tốt”, anh nhận định.

Anh cũng cho rằng tuy khác biệt về văn hoá, nhiều người Việt không cảm thấy bị phân biệt đối xử khi sống tại Áo nói chung và tại Vienna nói riêng.

“Tư tưởng bình đẳng giữa con người xuyên suốt từ cuộc sống hàng ngày đến các dịch vụ công hay hệ thống hỗ trợ từ chính phủ”, anh kết luận.

Tận hưởng cuộc sống theo cách riêng

Sau 6 năm sống ở Vienna trước khi chuyển sang Đức, chị Liên hoàn toàn đồng ý với danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới.

thanh pho dang song nhat the gioi anh 4

Chị Liên Nguyên, từng sống ở Vienna 6 năm, trước khi chuyển đến Đức. Ảnh: NVCC.

Theo chia sẻ của chị, phúc lợi hoặc điều kiện sống ở Vienna rất tốt: “Chẳng hạn, trong đợt dịch Covid-19 trước đây, để kích cầu giúp các nhà hàng phát triển, chính phủ phát cho mỗi người dân một phiếu đi ăn nhà hàng”.

Chị Liên cũng cho biết một điểm khác biệt rất tuyệt vời giữa Áo và Đức là phương tiện công cộng. “Khi tôi còn sống ở Áo, mua vé đi lại rất rẻ, chỉ 365 euro/năm. Tính ra một ngày mất một euro mà đi được mọi phương tiện công cộng, từ xe buýt đến tàu điện ngầm. Nhưng khi sang Đức vé này rất đắt, khoảng 80-90 euro/tháng, dù tôi chỉ ở thành phố nhỏ”.

“Phí sinh hoạt ở Vienna khá hợp lý. Tôi đã sống ở Vienna và thành phố Nuremberg (Đức), mỗi bên đều có điểm tốt và hạn chế riêng. Chẳng hạn, ở Vienna, tiền xe và bảo hiểm rẻ, nhưng tiền ăn đắt hơn một chút”, chị nói. “Bên cạnh đó, chất lượng bệnh viện, trường học ở Vienna đều tốt”.

Không chỉ có phúc lợi và cơ sở hạ tầng tốt, người dân ở Vienna cũng có nhiều địa điểm vui chơi và cách tận hưởng cuộc sống riêng.

“Tôi thấy người dân Vienna rất chăm đi bảo tàng, nhà hát. Tôi nhớ khoảng tháng 10 hay tháng 11, khi trời vào đông, thành phố sẽ có một đêm hội bảo tàng, họ sẽ bán một loại vé có thể tham quan tất cả bảo tàng trong một đêm. Tôi thấy rất nhiều người tham gia, cả người già và trẻ nhỏ. Họ vẫn giữ được nếp văn hóa này và không hề bị mai một”, chị Liên nói với Zing.

Trong khi đó, anh Hùng chia sẻ người dân Vienna thích đến nhà hàng và các quán cafe, với ẩm thực đa dạng từ châu Âu đến châu Á. Vào mùa hè, người dân thường xuyên trải thảm ra các công viên, bãi cỏ, bờ sông hoặc bìa rừng để ăn uống và trò chuyện.

Anh cũng chia sẻ người dân Vienna ít khi phải chịu nhiều áp lực trong công việc. “Một trong những điểm làm giảm căng thẳng trong công việc là mức lương đồng đều cho mọi ngành nghề. Những người lao động chân tay luôn nhận được mức lương tốt để trang trải cuộc sống, đồng thời môi trường làm việc cũng được chú trọng”.

Vợ chồng anh Hùng có một bé trai 8 tuổi và một bé gái 4 tuổi. Anh chia sẻ họ luôn nhận được “những chế độ hỗ trợ rất tuyệt vời từ thành phố”.

“Thời kỳ thai sản và chăm sóc con nhỏ lên đến 2 năm. Trong thời gian đó, vợ tôi được trợ cấp toàn bộ sinh hoạt phí. Mọi chi phí khám chữa bệnh cho mẹ và bé cũng đều miễn phí”, anh nói với Zing.

“Chi phí giáo dục từ mẫu giáo đến đại học hoàn toàn miễn phí. Con trai lớn nhà tôi học bán trú còn được trợ cấp bữa trưa và toàn bộ sách vở. Mỗi trẻ em được nhận thêm một khoản trợ cấp hàng tháng từ chính phủ cho đến năm 24 tuổi. Bên cạnh đó, các địa điểm vui chơi, sở thú, bảo tàng, thư viện, tàu xe đều được miễn phí hoặc giảm giá cho trẻ em”, anh cho biết.

thanh pho dang song nhat the gioi anh 5

Thành phố Vienna khi trời vào thu. Ảnh: NVCC.

Một điều khiến anh Hùng ấn tượng về Vienna là thành phố đặc biệt chú trọng đến không gian xanh: “Trẻ em luôn có nơi để chạy nhảy, leo trèo và khám phá thiên nhiên. Chúng tôi có thể đạp xe quanh những cung đường đầy cây xanh. Cháu nhỏ nhà tôi thích đi bộ ngắm những thảm cỏ và hoa nở rộ hai bên đường. Đây là khung cảnh hiếm thấy ở những thành phố lớn”.

Về giáo dục, anh Lê Hùng đánh giá chương trình học ở Áo nhẹ hơn nhiều so với Việt Nam: “Con trai lớn của tôi sắp lên lớp 3. Chương trình học rất nhẹ so với Việt Nam, đôi khi còn khiến tôi thấy lo lắng. Cháu được khuyến khích học thêm các môn ngoại khoá và phát triển kỹ năng mềm”.

Khó mua đồ vào buổi tối và chủ nhật

Chị Liên khẳng định trong 6 năm sống tại đây, chị chưa nhận thấy điểm nào không hài lòng ở Vienna, ngoài trải nghiệm bị lừa khi mới sang. “Nhưng đó cũng là từ dân nhập cư chứ không phải người thủ đô. Khi đã sống quen và biết cách bảo vệ đồ đạc, tôi thấy cuộc sống ở đây rất ổn”, chị nói.

Còn với anh Hùng, một trong những điểm gây khó chịu ở Vienna là người dân hút thuốc lá rất nhiều. “Tôi bắt gặp tàn thuốc lá ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, hút thuốc lá bị cấm ở nơi công cộng và đa số mọi người sẽ lịch sự không hút thuốc gần phụ nữ và trẻ em”, anh nói.

Không chỉ vậy, hàng ngày, cửa hàng và dịch vụ đóng cửa từ lúc 19h30 nên muốn tìm mua đồ vào buổi tối là điều gần như không thể. Bên cạnh đó, tất cả cửa hàng và dịch vụ cũng không mở cửa vào chủ nhật.

“Không thể đi chợ vào chủ nhật đôi khi tạo ra một số bất tiện”, anh nói. “Tuy nhiên, cũng vì thế mà chủ nhật tôi chỉ dành thời gian cho gia đình hoặc bạn bè. Đó cũng là một điều tốt”.

Anh cũng chỉ ra một điểm khác là vì nằm sâu trong lục địa, nên các món hải sản của Vienna khá hạn chế và đắt đỏ. “Các món ăn khoái khẩu của người Việt cũng khó mua. Những món rau như rau muống, rau cải hay rau gia vị thường phải tự trồng”, anh cho hay.

Gần đây, do tình trạng lạm phát leo thang, cũng như bao gia đình khác, gia đình anh Hùng phải thắt chặt chi tiêu. Vợ anh Hùng thường xuyên theo dõi các chương trình giảm giá và cân nhắc kế hoạch mua sắm hợp lý.

Trong khi đó, chị Liên cho biết hồi còn sinh sống tại Vienna, trong 6 năm, chị nhận thấy giá cả gần như không thay đổi. “Tuy nhiên, bạn tôi nói hiện giá cả cũng tăng lên khá nhiều”, chị nói.

Tuy nhiên, bão giá cũng không quá ảnh hưởng tới đời sống và công việc của thành phố, anh Hùng cho biết.

Với anh Hùng, cuộc sống ở Vienna vốn bình yên và chậm rãi, nhưng cũng rất sôi động và nhiều màu sắc. Thời gian này Vienna đang bước vào giữa mùa hè nên “năng lượng sống tràn ngập mọi ngóc ngách của thành phố, từ con người tới thiên nhiên”.

“Quanh thành phố khắp nơi đều có cỏ cây hoa lá, bồ câu, chim chóc, côn trùng, đàn vịt dưới hồ, hay sóc, nhím trên cây”, anh miêu tả. Anh kể lại lần đi trên đường bắt gặp người phụ nữ trẻ bắt con bọ cánh cứng và thả vào sâu trong đám cây, tránh xa đường đạp xe.

“Một cử chỉ đẹp với thiên nhiên như vậy cũng khiến tôi thấy vui. Cái cách sống chậm để con người luôn ngắm nhìn và trân trọng môi sinh như thế dường như lan tỏa khắp thành phố”, anh chia sẻ.

Lộ diện thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo đã trở lại vị trí thành phố đáng sống nhất thế giới, theo báo cáo hàng năm của Economist được công bố ngày 23/6.

Thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2021

Đại dịch Covid-19 đã giúp thành phố Auckland, New Zealand vươn lên đẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới, thế chỗ thủ đô Vienna của Áo.

Phương Linh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm