“Ô nhiễm” có lẽ là từ khóa đã quá quen thuộc với người dân thủ đô theo dõi thời sự trong thời gian qua - ô nhiễm thủy ngân quanh khu vực Hạ Đình, ô nhiễm nước máy của công ty nước sạch Sông Đà, và ô nhiễm không khí ở mức "đáng báo động".
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, điểm đến cho các nhà đầu tư, nhờ chính sách ưu đãi cũng như giá nhân công thấp so với khu vực.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn trên 5% trong hơn một thập kỷ qua, nhờ vào xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ từ giày Nike đến điện thoại Samsung và quần áo H&M.
Tuy nhiên, một số nơi đã phải đánh đổi về môi trường, như Hà Nội - thủ đô sầm uất có 8 triệu dân và 13 khu công nghiệp vừa hứng chịu một số sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo AFP.
Hà Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hàng loạt vụ ô nhiễm
Đầu tiên là vụ cháy công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở phường Hạ Đình làm phát tán thủy ngân trong không khí, buộc chính quyền ra cảnh báo không ăn rau củ quả, thịt cá từ khu vực này.
Sau đó là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khiến Hà Nội có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo dữ liệu của công ty theo dõi chất lượng không khí AirVisual.
Gần đây nhất, đến lượt 1 triệu người ở các quận huyện phía tây, nam thủ đô đang bị ảnh hưởng vì dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà bị đổ trộm vào đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực của họ.
Người dân quận Thanh Xuân phải xếp hàng lấy nước về dùng. Ngày 15/10, thành phố chỉ đạo hỗ trợ nước cho các khu dân cư bị ảnh hưởng. |
Những hộ dân bị ảnh hưởng đã báo về tình trạng nước từ vòi có mùi khét, nhưng phải mất vài ngày, cảnh báo mới được đưa ra khuyến cáo người dân không được uống hay nấu ăn với nước đó.
Sở Y tế cho biết nước bị ô nhiễm có nồng độ styren vượt ngưỡng, một hóa chất công nghiệp mà tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư.
Ba nghi phạm đã bị bắt vì dính líu đến vụ đổ trộm dầu, nhưng một số ý kiến đòi hỏi những hành động quyết liệt hơn từ giới chức trách.
“Chính quyền thiếu minh bạch và chuyên nghiệp, đó là vì sao chúng tôi không tin họ”, nhân viên văn phòng Ngô Kim Ngân nói với AFP. Bà đã phải đưa con đi nơi khác tắm rửa trong đợt ô nhiễm nước này.
Hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông đêm 28/8 ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. |
Lặp lại vấn đề của Bắc Kinh?
Sự bất bình của người dân Hà Nội diễn ra ba năm sau vụ xả thải nghiêm trọng vào năm 2016 làm chết nhiều tấn cá dọc 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh nhận lỗi vì đã xả thải ra biển, nhưng một giám đốc của công ty còn nói rằng Việt Nam sẽ phải lựa chọn giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.
Sản lượng công nghiệp của Việt Nam đã tăng trong suốt thập kỷ qua, và phục vụ cho điều đó là hàng loạt nhà máy điện than mới xây, khiến khí thải nhà kính cũng tăng vọt.
Công nghiệp, phát thải giao thông, đốt phế phẩm nông nghiệp và công trình xây dựng đều góp phần làm kéo giảm chất lượng không khí, và chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở Hà Nội thường xuyên cao hơn trung bình vào các tháng mùa đông, theo dữ liệu của AirVisual.
Một số ý kiến lo ngại Việt Nam có thể đi theo vết xe đổ của các thành phố Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi mà khói bụi mờ mịt khắp bầu trời và khẩu trang phòng bụi đã trở nên quá đỗi bình thường.
“Hà Nội không muốn giống Bắc Kinh. Chúng tôi không muốn là nơi dễ dàng phát thải”, Đỗ Thanh Huyền, chuyên viên từ Dezan Shira & Associates, công ty tư vấn kinh doanh ở Hà Nội, nói với AFP.
Người đi bộ tập thể dục phải đeo khẩu trang sáng 1/10 ở Hồ Tây. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ đi theo vết xe đổ đó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2016, hơn 60.000 người tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan tới ô nhiễm không khí.
Thủ đô của Việt Nam xếp hạng 107 trên 140 trong bảng xếp hạng thành phố đáng sống do bộ phận nghiên cứu của tạp chí Economist tổng hợp, đứng sau các thủ đô khác trong khu vực như Bangkok, Manila và Kuala Lumpur.
Thứ hạng của Hà Nội đang bị đe dọa vì thiếu các hành động về vấn đề môi trường, theo Pamela Qiu, giám đốc phụ trách mạng lưới doanh nghiệp của Economist.
Doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Dezan Shira cảnh báo trong một báo cáo tháng này rằng mức ô nhiễm không khí “báo động” có thể làm các nhà đầu tư và nhà tuyển dụng tiềm năng lựa chọn nơi khác, vì sẽ khó thu hút nhân tài tới một thành phố ô nhiễm.
Chính quyền Hà Nội cũng sẽ ảnh hưởng vì họ đang muốn quảng bá hình ảnh thành phố chào đón các nhà lãnh đạo cũng như khách du lịch quốc tế, với cuộc đua Công thức 1 đầu tiên vào năm 2020.
Đối với một số người, những ngày bầu trời đầy khói bụi, những con sông đầy rác, và nước máy bị ô nhiễm đã đủ để khiến họ không còn nhận ra Hà Nội của mình.
“Hà Nội không còn là Hà Nội của chúng tôi nữa”, Nguyễn Vinh, một cựu chiến binh 65 tuổi sinh ra ở thủ đô, nói với AFP. “Ô nhiễm hết rồi, không khí, nước, tất cả”.