"Tôi đã từ chối một cô bé 13 tuổi muốn làm mũi giống Kylie Jenner", Werner Mang - bác sĩ thẩm mỹ có kinh nghiệm 30 năm - nói với SCMP. Những ngày gần đây, việc ông từ chối khách hàng liên tục xảy ra.
Ông Mang cho rằng chính Mark Zuckerberg đã khiến nhiều người có mong muốn thay đổi diện mạo khi tạo ra những bộ lọc hình ảnh trên mạng xã hội.
Từ ảo đến hiện thực
Theo khảo sát của SCMP, nhiều người trẻ hiện không hài lòng với vẻ ngoài của họ sau khi nhìn thấy mình qua các bộ lọc. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Alexander Hilpert gọi đây là xu hướng nguy hiểm và nó đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.
Những người tự chụp nhiều ảnh thường muốn mình trông đẹp hơn. Hàng ngày, Hilpert cũng phải gặp nhiều khách hàng phàn nàn, không hài lòng với ngoại hình của họ.
Nhiều người trẻ muốn phẫu thuật giống hình ảnh của mình qua bộ lọc. Ảnh: Tumgir. |
Ở nhà nhiều do giãn cách xã hội, nhiều người dành phần lớn thời gian để lướt mạng xã hội, chụp hình cho đỡ nhàm chán. Việc này dễ khiến họ muốn trở thành "những hình mẫu đẹp đẽ".
"Điều này chẳng khác gì việc các bạn trẻ xem các điệu nhảy trên ứng dụng và cố gắng bắt chước lại để quay", Hilpert so sánh.
Năm 2020, đại dịch bùng phát, giới trẻ dành nhiều thời gian hơn trên các phương tiện truyền thông xã hội hơn trước đó, theo một nghiên cứu về việc sử dụng mạng của giới trẻ từ các nhà nghiên cứu Đức. Đặc biệt, nghiên cứu cũng cho thấy sự bùng nổ đáng kinh ngạc của nền tảng cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn, nhanh.
Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với những người trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 15. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng số lượng thanh thiếu niên truy cập ứng dụng ít nhất vài lần một tuần trong năm đại dịch đã tăng 19%.
Bất chấp để đẹp hơn
Mang và Hilpert đã thẳng thắn từ chối những người có biểu hiện muốn phẫu thuật để trông giống hình mẫu trong ảnh. Tuy nhiên, hai vị bác sĩ này cho biết họ lo ngại những khách hàng này có thể tìm đến các cơ sở không uy tín, bất chấp rủi ro để có vẻ ngoài ưng ý.
Mang nói: "Một số người thậm chí nhận sửa mũi dù chưa từng thực hiện ca nào trước đó. Bất cứ ai muốn phẫu thuật thẩm mỹ hãy chắc chắn rằng bác sĩ đó có phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hay không".
Trong khi đó, Hilpert cho biết nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác cũng thường muốn kiếm thêm tiền nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở Đức, nhiều người có thể tự gọi mình là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vì chức danh nghề nghiệp không được bảo vệ. "Các học viên thậm chí còn được phép cầm mũi tiêm để làm cho khách hàng muốn cải thiện nếp nhăn", theo Hilpert.
Xu hướng tiêm chất để thu gọn hàm vẫn còn phổ biến. Ảnh: Shutterstock. |
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều người trưởng thành cũng muốn cải thiện vẻ ngoài do ảnh hưởng của việc ngồi họp qua ứng dụng. Họ thấy mình trông khiếm khuyết và muốn sửa vài chỗ trên khuôn mặt. Những ứng dụng chuyên dùng cho các hội nghị và buổi họp thường không tôn vẻ đẹp. Ngược lại, chúng tiết lộ tuổi của họ "không thương tiếc".
Nhiều bác sĩ ở Mỹ cũng xác nhận việc khách hàng muốn trông đẹp hơn vì ứng dụng họp trực tuyến, theo SCMP.
Lee Daniel - bác sĩ ở Oregon, Mỹ - cho biết yếu tố khác khiến mọi người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ là họ đã tiết kiệm được số tiền dùng để mua quần áo đi làm hoặc ăn trưa.
Maurizio Viel - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Dubai, UAE - nói rằng ở Trung Đông, các bác sĩ đã rất ngạc nhiên trước nhu cầu lớn về botox và chất làm đầy. Xu hướng tạo đường viền hàm vẫn còn phổ biến và sẽ bùng nổ trong thời gian tới.