Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ở nhà giãn cách, hội chị em học làm từ bún sườn đến bánh Trung thu

Có thời gian ở nhà nhiều hơn, không ít người tranh thủ nâng cao khả năng bếp núc, xem đây là cách giết thời gian, chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như giải tỏa căng thẳng do dịch.

Ngày 15/9, bé Bảo Bảo (Hà Nội) hạnh phúc đón sinh nhật lên 3 bên gia đình. Ngoài kẹo, hoa quả, nổi bật trên bàn tiệc là chiếc bánh sinh nhật do mẹ bé, chị Mai Lan, tự tay làm.

Đây là thành quả chị tự học, rút kinh nghiệm trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Dù chưa ưng ý 100%, bà mẹ sinh năm 1985 hạnh phúc và phần nào tự hào khi từ người hiếm khi vào bếp giờ có thể tự tin làm nhiều món ngon cho cả gia đình.

“Ở nhà mày mò, tôi cảm thấy thời gian trôi qua không còn vô nghĩa, buồn chán và khám phá được năng lực mới của bản thân, rèn luyện cả tính kiên nhẫn nữa. Tự làm bánh trái, tôi cũng có thể gia giảm thành phần, nguyên liệu theo ý thích, thấy vui lắm”, chị Lan nói với Zing.

Niềm vui mới

Kinh doanh lĩnh vực spa nên khoảng 4 tháng nay, khi dịch bệnh tái bùng phát, công việc của chị Lan gần như bị tê liệt hoàn toàn. Lướt mạng xã hội thấy nhiều loại bánh dễ thương, đẹp mắt, chị nảy ra ý định thử sức dù trước đó chưa từng làm qua bánh trái.

“Ban đầu, vì nhà không có lò nướng, chỉ sẵn chiếc nồi chiên không dầu nên tôi chọn một số loại dễ làm trước. Không ngờ thành quả vượt sự mong đợi, gửi tặng bạn bè ăn thử đều nhận lại lời khen, tôi có động lực thử sức nhiều món khó hơn. Thậm chí, có thời điểm tôi mê mẩn, háo hức đến nỗi buổi tối vừa làm xong một mẻ, đêm lại xem đủ loại công thức khác đến quên ngủ”.

Dịp Trung thu vừa qua, nhân hạn chế ra ngoài mua sắm để đảm bảo giãn cách, chị Lan quyết định tự làm loại bánh truyền thống để sử dụng và tặng người thân, bạn bè.

Đợt đầu làm mẻ 50 cái, vì nồi chiên không dầu nhỏ, chị phải nướng thành 10 mẻ, hì hụi đến 3h sáng mới hoàn thành. Sau đó, bà mẹ trẻ tậu lò nướng để thỏa sức sáng tạo, làm hàng trăm chiếc bánh trong mùa Trung thu.

“Nhờ làm bánh, tinh thần tôi cũng thoải mái, lạc quan hơn trong đại dịch. Đến khi được kinh doanh trở lại, tôi vẫn sẽ cố gắng duy trì sở thích này, biết đâu có thể giúp gia đình khỏi phải ra tiệm bánh thường xuyên nữa”, chị hóm hỉnh.

Học cách chăm sóc bản thân

Đi làm tại văn phòng trở lại từ 22/9 đến nay, Bùi Thư (26 tuổi, nhân viên văn phòng) không còn phải lo lắng giờ cơm trưa sẽ gọi ship món gì như trước mà thường tự chuẩn bị hộp cơm đem theo từ nhà.

Suốt thời gian “work from home” vừa rồi, Thư tranh thủ nâng cao khả năng nấu nướng qua những clip hướng dẫn đơn giản trên mạng xã hội. Từ bún sườn, cơm tấm đến bánh mì, pizza, cô gái 26 tuổi hiện có thể tự tin làm tốt.

“Trước đây tôi cũng thích nấu nướng nhưng không thử sức được nhiều vì công việc bận rộn. Vừa rồi các quán ăn không mở cửa, tôi tranh thủ học thêm nhiều món để phục vụ bản thân và cô em gái sống cùng”.

Còn đối với Quỳnh Anh (26 tuổi), thời gian ở nhà giãn cách giúp cô học cách yêu và chăm lo sức khỏe bản thân hơn qua những món ăn lành mạnh.

Vì muốn giảm cân, Quỳnh Anh hạn chế ăn nhiều tinh bột và đồ ngọt, béo. Song vì vẫn thích nhiều loại bánh trái, đồ ăn vặt, cô tìm cách thay đổi các nguyên liệu để phù hợp với chế độ ăn, ví dụ như dùng bột yến mạch, bột nguyên cám, mật ong, để vẫn ngon mà đảm bảo không có nhiều calo.

Tham khảo những công thức gốc từ blogger, kênh nấu ăn trên mạng, Quỳnh Anh thường tự điều chỉnh thêm thành phần, gia giảm theo khẩu vị.

“Đúng là những gì tự làm thì sẽ ưng ý nhất. Nhờ quãng thời gian ở nhà mày mò, thay vì sợ hay chán những món ăn giảm cân, tôi học được cách biến chúng trở nên hấp dẫn hơn. Thậm chí, tôi còn 'dụ' được gia đình bắt đầu sử dụng các nguyên liệu, cách nấu nướng tốt cho sức khỏe”.

Ở nhà giãn cách, chàng trai tự học nấu ăn, làm bánh

Ngoài thỏa mãn sở thích cá nhân, Duy Tâm coi việc làm bánh ở nhà là cách để tuân thủ các quy định phòng dịch, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm