Đi làm 6/7 ngày trong tuần, chủ nhật là ngày duy nhất Đào Phương (25 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Gò Vấp) được nghỉ ngơi. Nhưng hiếm khi Phương được tận hưởng ngày nghỉ một cách trọn vẹn.
“Quá mệt mỏi” là ba từ cô dùng để miêu tả sự ồn ào mà các vị hàng xóm gây ra.
“Bình thường, mình sẽ đánh một giấc dài sau khi ăn trưa xong vì trong tuần thời gian ngủ không có nhiều. Nhưng nhà bên không vậy, hết bữa trưa là họ bật nhạc sến, rồi tới chiều mang loa ra hát karaoke ồn ào cả xóm”, cô ca thán.
Hơn một tháng kể từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, không chỉ riêng Phương mà khá nhiều bạn trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của hàng xóm. Có người dự định chuyển phòng trọ sau mùa dịch. Một số khác góp ý với ban quản lý khu vực để cải thiện tình hình.
Nhiều người mất nơi giải trí vì các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường tại TP.HCM bị buộc phải đóng cửa từ 18h ngày 30/4. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tiếng karaoke bủa vây
Theo Phương, dàn máy hát Karaoke tại gia có mức chỉnh âm lượng khá lớn, hiếm nhà nào lại sử dụng cách âm nên chỉ cần một nhà mở là những hộ xung quanh phải nghe hát theo.
Hôm nào kết thúc sớm, máy hát sẽ được tắt vào tầm 15-16h. Còn những ngày hàng xóm hát “sung”, khu nhà của Phương chỉ yên ắng lại vào giờ cơm tối, khi đồng hồ chạm mốc 19h.
Sự khó chịu càng nhân lên khi có những hôm Phương phải làm thêm vào cuối tuần để kịp tiến độ công việc.
“Mình không thể tập trung nổi nhưng liên tục bị tiếng hát karaoke bủa vây. Biết rằng hát hò là sở thích của mỗi người nhưng hành động đó lại gây ra rất nhiều phiền hà cho người khác”, cô nói.
Hàng xóm bỏ ngoài tai, Phương tự giải quyết bằng cách mang laptop, vật dụng cần thiết ra ngồi ở quán cà phê.
“Đôi khi, mình ngồi ở quán cả buổi chiều, thấy mệt quá nên dọn dẹp ra về. Ban đầu, mình cứ đinh ninh giờ đó nhà hàng xóm đã kết thúc rồi. Ai ngờ về đến gần hẻm đã nghe thấy tiếng nhạc inh ỏi phát ra. Lúc ấy mình đành chịu thôi, trở về nhà chứ không đi tiếp nữa”, Phương kể lại.
Dàn máy hát karaoke tại gia có mức chỉnh âm lượng khá lớn, chỉ cần một nhà mở là những hộ xung quanh phải nghe hát theo. |
Một bên là công việc, deadline, một bên là tiếng karaoke ầm ĩ khiến Phương áp lực hơn khi làm việc tại nhà.
“Ít ra trước kia hàng quán vẫn phục vụ tại chỗ, mình còn ra ngồi lánh tạm. Giờ quán cà phê đóng cửa hết, nghĩ đến cảnh làm việc mà hàng xóm hát hò cả ngày chắc mình chịu không nổi”.
Chung cảnh ngộ, Thu Vân (24 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận Bình Thạnh) cũng than phiền khi phải sống cùng tiếng karaoke mỗi ngày.
Thuê trọ tại quận Bình Thạnh, Vân khá ưng ý với căn phòng đầy đủ tiện nghi.
“Mình vốn cẩn thận, đi kiếm phòng cũng tìm nơi đáp ứng gần đủ mọi yêu cầu cá nhân như nhà ở khu yên tĩnh, phòng có bếp riêng. Sống chung với chủ nhà cũng không vấn đề. Duy chỉ có điều mình không tính được trước là họ mê hát karaoke”.
Kể từ đó, mỗi buổi tối về nhà nghỉ ngơi sau ngày dài ở công ty không còn thoải mái như Vân từng nghĩ.
Vốn nhạy cảm với tiếng ồn, Vân rất sợ tiếng nhạc mở công suất lớn. Nếu không hát karaoke, gia đình chủ nhà cũng bật nhạc suốt cả tối.
“Gu âm nhạc mỗi người khác nhau. Những bài họ thích và hát đi hát lại thì với mình nhiều khi như một sự ‘tra tấn tinh thần’. Tiếng hát không chỉ khiến mất tập trung mà còn gây ra đau đầu, dễ cáu gắt”, Vân nói với Zing.
Nhiều bữa, cô chỉ muốn lên giường đi ngủ sớm song “không tài nào vào giấc nổi vì quá ồn”.
“Mình là người đi thuê nên khó thể bảo chủ nhà chấm dứt, chỉ biết góp ý họ vặn nhỏ âm lượng hay tắt máy hát sớm khi đã về khuya”, cô nói thêm.
Đợi Sài Gòn vãn dịch, Vân cho biết sẽ tìm nơi mới, chuyển đi chỗ khác vì “không thể sống chung với lũ mãi”. Lần này, cô quyết tâm tìm hiểu thật kỹ, chấp nhận bỏ tiền thuê đắt hơn, miễn sao “bình yên”.
“Về đến nhà, mình chỉ muốn nghỉ ngơi thư thái, dọn dẹp thay vì cảm thấy căng thẳng, ức chế vì những tiếng ầm ĩ từ người khác gây ra”.
Có nhắc nhở nhưng đâu lại vào đấy
Khác với Đào Phương, Phương Trinh (22 tuổi, trợ lý MC, ngụ huyện Bình Chánh) không bị làm phiền bởi tiếng karaoke của hàng xóm nhưng luôn ám ảnh do nhà kế bên mở nhạc quá to.
Trước khi chuyển đến một chung cư ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), Trinh nghĩ rằng mình sẽ có những ngày tháng yên bình vì “tưởng ở căn hộ cao tầng thì hàng xóm ý thức hơn”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách xã hội, Trinh luôn bị “tra tấn” bởi các hộ xung quanh mở nhạc từ sáng đến chiều.
Trinh thường chạy deadline vào buổi tối, đó cũng là lúc hàng xóm bắt đầu hát karaoke. Ảnh: Tin Phung. |
“Bình thường là chỉ mở trong tuần nhưng giờ thì gần như mỗi ngày. Cứ tầm trưa và từ 15-16h trở đi là họ bật nhạc liên tục, đủ mọi thể loại. Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày”, Trinh tâm sự.
Trinh cho biết gia đình cô đã nhờ ban quản lý can thiệp nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Tần suất mở nhạc đã giảm dần nhưng buổi tối cô vẫn bị làm phiền.
Ngoài bài tập trên trường, cô gái 22 tuổi còn phải chạy deadline liên tục của công việc làm thêm. Việc hứng chịu tiếng ồn từ hàng xóm khiến cô không thể tập trung giải quyết các mục tiêu trong ngày.
“Dù ở nhà, mọi người vẫn làm việc, học online, dành thời gian cho gia đình, bản thân. Đôi lúc bị đánh thức bởi giọng ca của nhà kế bên khiến mình thấy mệt mỏi, đau đầu cả ngày”, Trinh nói.
Quỳnh Giang cho rằng việc chú ý âm lượng khi giải trí tại nhà là điều quan trọng. Ảnh: NVCC. |
Quỳnh Giang (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngụ quận 10) không nhớ rõ số lần bị hàng xóm làm phiền vào buổi tối. “Sáng bật nhạc, tối hát karaoke” đã là chuyện quen thuộc ở khu nhà Giang trong thời gian giãn cách xã hội.
“Mỗi lần nhà kế bên cất tiếng hát là gia đình mình chỉ biết thở dài. Ngoài đóng cửa sổ, thả rèm, góp ý với tổ trưởng khu phố, mình cũng không biết làm cách nào. Vài lần mẹ mình có nhắc khéo nhưng họ vẫn bật loa to”, cô gái bày tỏ.
Theo Giang, bên cạnh những biện pháp an toàn, ở nhà văn minh trong mùa dịch cũng là điều cần thiết. Việc thay đổi cách sinh hoạt, lối sống có thể khiến nhiều người cảm thấy bí bách, áp lực dẫn đến nhạy cảm với tiếng ồn hơn.
Do vậy, tất cả nên chú ý âm lượng loa của gia đình, tránh làm phiền đến nhà khác. Đó cũng là một cách để cùng nhau vượt qua đại dịch.
“Không nhất thiết là phải cấm hẳn việc giải trí tại gia nhưng mọi người nên mở nhạc vừa đủ nghe, hạn chế hát lúc sáng sớm hoặc gần giờ đi ngủ. Mỗi người ý thức một chút, mùa dịch này sẽ dễ thở hơn rất nhiều”, Giang nói thêm.