Tháng trước, các công tố viên ở Ecuador tuyên bố họ đã lần ra một đường dây tội phạm thông đồng với các quan chức y tế để giành được hợp đồng bán túi đựng thi thể cho các bệnh viện với giá gấp 13 lần giá thật, theo New York Times.
Sau đó, một trong những quan chức cấp cao có liên quan, ông Daniel Salcedo, đã trốn khỏi Ecuador trên một chiếc máy bay nhỏ và gặp nạn ở Peru. Hiện giờ, ông Salcedo đang hồi phục trong sự giam giữ của cảnh sát Ecuador.
Trong lúc Mỹ Latin nổi lên như một tâm dịch Covid-19 với số ca tử vong và ca nhiễm tăng vọt, mọi nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng đã bị cản trở bởi một loạt vụ bê bối tham nhũng.
Hàng chục quan chức nhà nước và doanh nhân địa phương đã bị buộc tội lợi dụng khủng hoàng để làm giàu cá nhân bằng cách bán vật tư y tế cho các bệnh viện và các bang như khẩu trang, dung dịch khử trùng hay máy thở. Nhiều thiết bị kém chất lượng không sử dụng được, hoặc thậm chí góp phần khiến nhiều người bệnh trở nặng và tử vong hơn.
“Người dân đang chết trên đường phố vì hệ thống bệnh viện bị phá hoại”, bà Diana Salazar, Bộ trưởng Tư pháp Ecuador, nói. “Kiếm tiền trên nỗi đau của người khác, với tất cả những người đang mất đi người thân của mình, là một điều vô đạo đức”.
Các quan chức cao cấp nhất bị "sờ gáy"
Các cuộc điều tra tham nhũng ở Mỹ Latin đã đụng chạm đến các cấp cao nhất của chính phủ.
Cựu bộ trưởng Y tế Bolivia đang bị quản thúc tại gia chờ ngày xét xử tội tham nhũng sau khi bộ này trả cho người trung gian số tiền hơn hàng triệu USD cho 170 máy thở. Những chiếc máy thở này thậm chí không hoạt động tốt. Đến ngày 22/6, Bolivia có 24.388 ca nhiễm, 773 người chết vì Covid-19.
Tại Brazil, điểm nóng thứ 2 thế giới về Covid-19 với số ca tử vong cao chỉ sau Mỹ, số ca nhiễm đã vượt một triệu vào ngày 20/6. Các quan chức chính quyền ở ít nhất 7 bang nước này đang bị điều tra vì bị nghi biển thủ hơn 200 triệu USD quỹ công trong đại dịch.
Các nhân viên pháp y xịt khử trùng túi đựng thi thể một người đàn ông gục ngã và chết vì Covid-19 trên đường phố Quito, thủ đô của Ecuador. Ảnh: AP. |
Tại Colombia, tổng thanh tra đang điều tra vụ hơn 100 nhà tài trợ chiến dịch chính trị nhận được các hợp đồng béo bở để cung cấp vật tư trong đại dịch.
Cảnh sát trưởng và bộ trưởng Nội vụ Peru đã từ chức sau khi cấp dưới của họ mua dung dịch khử trùng pha loãng và khẩu trang mỏng cho các sĩ quan cảnh sát. Kết quả khiến họ sau đó bị chết vì nhiễm virus corona với tỷ lệ đáng báo động.
Hơn 11.000 cảnh sát ở Peru bị nhiễm virus corona và 200 người tử vong. Theo chính phủ, nước này buộc phải đóng cửa một số đồn cảnh sát tạm thời để ngăn dịch bùng phát.
Tại Peru, đến ngày 22/6, số ca nhiễm Covid-19 đã vọt lên thứ 6 thế giới với 251.338 người nhiễm, vượt Tây Ban Nha và Italy. 7.861 người đã tử vong vì Covid-19 ở nước này.
Cuộc điều tra bị cản trở
Armillón Escalante, một sĩ quan cảnh sát ở Lima (thủ đô của Peru), nói rằng ông và các đồng nghiệp của mình được nhận khẩu trang và găng tay mỏng như tờ giấy và bị rách ngay lập tức.
“Chúng tôi thực sự không có bất kỳ sự bảo vệ nào”, ông Escalante nói.
Các công tố viên Peru đang điều tra mối liên hệ giữa các quan chức cảnh sát và các nhà cung cấp thiết bị y tế để xem xem họ có thông đồng để lừa gạt chính phủ hay không, theo Omar Tello, công tố viên trưởng về chống tham nhũng từ văn phòng công tố.
Các sĩ quan cảnh sát Peru đã chết vì bị nhiễm virus corona sau khi được cấp khẩu trang và găng tay mỏng như giấy. Ảnh: AP. |
Trong tháng này, nhiều hộp bằng chứng đã bị mất tại cơ sở của đơn vị cảnh sát điều tra ở Lima. Các cảnh sát nói với chính quyền rằng một số camera an ninh không hoạt động vào ngày chúng biến mất.
Ông Tello nhận định hệ thống camera an ninh dường như đã bị can thiệp và các công tố viên đang làm việc để trích xuất hình ảnh của những người thủ tiêu các hộp bằng chứng.
Đại dịch Covid-19 đang phô bày một đại dịch khác tại Mỹ Latin, những quốc gia từ lâu đã "đau đầu" vì tham nhũng. Nhiều cựu tổng thống Brazil, Peru và Guatemala bị buộc phải từ chức trong những năm gần đây vì liên quan đến các vụ hối lộ, đút lót. Cựu tổng thống Peru Alan Garcia năm 2019 đã tự sát khi cảnh sát ập đến nhà bắt ông.
Lạm quyền để tham nhũng
Covid-19 cũng mở rộng cửa cho các công chức ở Mỹ Latin biển thủ từ kho bạc nhà nước, theo các chuyên gia tham nhũng. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, các quốc gia đã điều chỉnh lại một số quy định. Chẳng hạn, họ tạm dừng các phiên họp quốc hội trực tiếp hoặc không tuân thủ các quy định trả lời truyền thông.
“Đó là điều kiện lý tưởng để làm bất cứ điều gì bạn muốn”, ông Eduardo Bohorquez, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Mexico, tổ chức phi lợi nhuận chống tham nhũng, nói. “Có ít sự minh bạch hơn, quyền tiếp cận thông tin bị hạn chế hơn và không có sự giám sát độc lập nào từ phía quốc hội”.
Hệ thống bệnh viện liên bang ở Mexico đã trả lại số máy thở kém chất lượng mà họ đặt hàng từ con trai của người đứng đầu Ủy ban Điện lực liên bang Mexico (CFE), công ty độc quyền của Mexico, mạnh thứ 2 chỉ sau Pemex - công ty dầu khí quốc doanh. Một nhóm giám sát địa phương tiết lộ rằng chính phủ đã đồng ý trả cao hơn 85% so với lựa chọn rẻ nhất.
Marcelo Navajas, cựu bộ trưởng y tế của Bolivia, đang kiểm tra một chiếc máy thở hồi tháng trước. Ông bị bắt vào ngày hôm sau, 20/5, với cáo buộc tham nhũng mua máy thở không đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Reuters. |
Tháng trước, cựu bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas đã đến một công ty Tây Ban Nha tên là IME Consulting để mua 170 máy thở bất chấp một công ty khác cung cấp chúng với giá chỉ một nửa.
Chính phủ Bolivia đã đồng ý trả cho IME Consulting khoảng 28.000 USD mỗi máy thở - mức giá cao gấp 3 lần mức nhà sản xuất ban đầu đưa ra.
Tuy nhiên, ngay sau khi số máy thở có mặt ở các bệnh viện, các bác sĩ đã phàn nàn rằng chúng không phù hợp để điều trị cho các bệnh nhân virus corona bệnh nặng.
Luật sư của ông Navajas, người bị cách chức hôm 20/5, nói với các phòng viên rằng ông ta “hoàn toàn và tuyệt đối vô tội” và “tuyệt đối không có hành động bất hợp pháp nào ở đây”.
Đến ngày 22/6, Bolivia có 24.388 ca nhiễm, 773 người chết vì Covid-19.
Tham nhũng cả với túi đựng thi thể
Vài ngày trước khi ông Salcedo trốn thoát bất thành khỏi Ecuador, cảnh sát đã đột kích vào nhà của cựu tổng thống Ecuador Abdalá Bucaram. Họ đã bắt giữ ông ta sau khi tìm thấy một khẩu súng bất hợp pháp cùng hàng nghìn chiếc khẩu trang và bộ kit xét nghiệm Covid-19.
“Ông Bucaram không đủ điều kiện pháp lý để nhập khẩu máy thở và vật tư y tế”, bà Diana Salazar, 39 tuổi, Bộ trưởng Tư pháp Ecuador, cho biết.
Bà nói rằng các công tố viên nghi ngờ nhóm tội phạm bao gồm ông Salcedo, ông Bucaram và một vài thành viên gia đình họ đã bán vật tư y tế cho các bệnh viện với giá cao hơn nhiều từ năm 2018.
Bộ trưởng Tư pháp cho biết vào năm ngoái, những người này đã bán cho một bệnh viện hàng nghìn túi đựng thi thể với giá 148 USD mỗi chiếc, dù giá trị thực tế của nó chỉ là 11 USD.
Cựu tổng thống Ecuador Abdalá Bucaram (thứ ba từ trái sang) được hộ tống ra khỏi nơi cư trú của ông ở Guayaquil sau cuộc đột kích của cảnh sát trong tháng này. Ảnh: Shutterstock. |
Các nhà điều tra nghi ngờ số kit xét nghiệm và khẩu trang tìm thấy ở nhà cựu tổng thống Bucaram là chuẩn bị bán cho bệnh viện Teodoro Maldonado Carbo ở Guayaquil, một trong những thành phố bị virus corona tấn công nặng nề nhất. Tại đây, các thi thể chất đống bên ngoài bệnh viện hoặc được đóng trong các thùng carton đựng chuối vì thiếu chỗ. Ecuador đến nay ghi nhận 50.640 ca nhiễm và 4.223 ca tử vong vì Covid-19.
Alex Vivas, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Teodoro Maldonado Carbo, cho biết ông đã kinh hoàng trước kế hoạch này.
“Đối với chúng tôi, các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, rất phẫn nộ khi thấy mức độ tham nhũng như vậy”, ông Vivas nói trong một cuộc phỏng vấn. “Khi biết các hợp đồng có giá quá cao này ngốn hết ngân sách dành cho các thiết bị bảo hộ cá nhân, điều đó quả thực gây phẫn nộ”.