Đặt những quả dừa trên bục gỗ cho khách, o Kình liền bỏ ngay chiếc nón đội đầu. Vừa lấy nón quạt cho mát, o vừa tặng ngay khách một bài thơ "đúng cảnh, đúng người":
Uống nước dừa trên cây cầu cổ/ Nhìn trinh nữ ban trưa bung nở/ Sao lòng hớn hở cảnh quê xưa/ Nhớ câu hò vang vọng đong đưa/ Về Cầu Ngói cho tôi về với/ Có lũy tre với cả hàng dừa/ Có những điều bao nhiêu người hỏi/ Sao lâu rồi anh đã về chưa?
"Thơ ai mà hay quá o nhỉ?". Trước câu hỏi như một lời khen, o nhanh nhảu "Thơ o tự làm đó". O khoe mình vẫn hay sáng tác cho Đài Phát thanh - Truyền hình ở Huế, và cũng đã được "lên báo nhiều lần rồi đó".
"Người nổi tiếng mà thể hiện tác phẩm của mình là có cát-xê, bồi dưỡng đó o, thế mà o toàn đọc miễn phí cho tụi con". Khách cười, o cũng cười. O Kình cứ đọc thơ cho khách thôi, làm gì có cát-xê, có tiền bản quyền. Thu nhập của o là tiền bán những quả dừa.
Bà Nguyễn Thị Kình, bán nước ở chân Cầu Ngói Thanh Toàn (Huế). |
Nhưng không phải khách uống nước của o, o mới đọc thơ cho nghe. O đọc tất, cứ đến tham quan Cầu Ngói Thanh Toàn là o tặng thơ. Thơ về Cầu Ngói, thơ về Huế. Đám trai trẻ chưa vợ, o còn dạy cách tán gái bằng... thơ.
"O ơi, giờ mà đọc thơ tán gái thì con gái chạy mất tiêu o à. Con gái giờ có còn thích thơ đâu o", tôi trêu o. O ngồi bệt xuống bục gỗ, tựa lưng vào thành cầu "Thích chớ, gái Huế là thích thơ lắm. Tán gái bằng thơ thì còn chi bằng nữa". O cười, nụ cười rất Huế.
O Kình năm nay gần 60 tuổi, và đã gắn bó với Cầu Ngói Thanh Toàn mấy chục năm. Từ ngày con cái lớn lên, o càng có thời gian say mê làm thơ. O đã làm không biết bao nhiêu bài thơ về Cầu Ngói quê mình.
O cứ nhìn cảnh làm thơ, chứ chẳng theo khuôn mẫu nào. Mùa có dừa, o thêm hình ảnh quả dừa vào thơ, mùa có hoa trinh nữ nở, o thêm sắc hương của hoa trinh nữ.
Thơ của o giản dị, chẳng cầu kỳ, hoa mỹ, khi thì theo thể lục bát, khi thì bảy chữ, khi lại là thơ tự do. O còn chẳng đặt tựa đề cho sáng tác của mình vì o cứ đọc thôi, đọc hết bài này o đọc đến bài khác. O cũng chẳng giới thiệu bao giờ, cứ mộc mạc là "thơ o Kình thôi".
À, nhưng mà thơ o lại phải o đọc mới hay. Bằng chất giọng Huế "đặc sệt", o tự nhấn nhá, ngắt nghỉ cho thơ của mình. Và đọc xong bao giờ o cũng cười, nụ cười tươi roi rói.
Cầu Ngói Thanh Toàn, một trong những địa điểm đẹp ở miền thôn quê xứ Huế. |
Thơ O Kình cũng tình lắm. Thơ bao giờ cũng có bóng dáng của những đôi tình nhân, những cuộc hò hẹn. Khi thì dịu dàng, e ấp trong một câu hỏi tu từ "Sao lâu rồi anh đã về chưa?". Nhưng cũng có khi lại thật táo bạo "Em về cầu ngói quê anh/ Nếu em không biết anh xin đưa về".
Ngoài làm thơ, o Kình còn biết cả hò Huế. Những câu hò mượt mà, "Huế rất thật Huế' vốn đã hấp dẫn, qua chất giọng của o lại càng níu chân du khách.
"Con chào o, con về o nhé". O cười hồn hậu "Ừa. Con về nghen". Tạm biệt o Kình trong nắng trưa đổ tràn cây cầu cổ, bóng o xa dần, nhưng những câu thơ còn theo tôi mãi...
Ngoài là nơi cho du khách đến tham quan, cầu cũng nơi người dân đến để ngả lưng nghỉ trưa.
|
Cầu Ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vòm bằng gỗ với mái ngói bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam.
Cầu được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 18,75m, rộng 5,82m, chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly.
Cầu được ghi nhận xây vào năm 1776, do bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng. Bà Trần Thị Ðạo là vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông nhưng không có con. Để cầu tự, bà dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, cho quê hương.
Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong trần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng.
Trải qua thời gian, với nhiều lần trùng tu, Cầu Ngói Thanh Toàn vẫn giữ được vẻ đẹp hiếm có, độc đáo và cổ kính. Hiện nay, cầu không cho xe cộ qua lại, trước mỗi đầu cầu có cảnh bảo "Cầu yếu, hạn chế tu tập đông người". Ngoài là nơi cho du khách đến tham quan, cầu cũng nơi người dân địa phương đến để ngả lưng nghỉ trưa.