Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ở gần trang trại lợn, giếng khoan 70 m nước vẫn bốc mùi thối

Người dân huyện Thống Nhất, Đồng Nai phải sống trong môi trường ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi heo từ các trang trại. Nguồn nước ngầm sinh hoạt của họ nhiễm bẩn, phát mùi hôi.

Tình trạng diễn ra nhiều năm tại ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Theo UBND xã, điểm này được quy hoạch khu chăn nuôi heo tập trung với diện tích 99 ha từ năm 2008.

Đến nay, khu vực có 16 trang trại quy mô đàn dưới 1.000 con. Khu vực này phát tán mùi hôi và để nước thải tràn ra môi trường khiến cuộc sống hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.

Một người dân cho biết, quanh năm họ phải hít thở nguồn không khí hôi thối. “Biết sống trong không gian ô nhiễm rồi sẽ sinh bệnh nhưng biết chuyển đi đâu bây giờ”, ông Phạm Văn Hùng (60 tuổi) nói.

Gieng sau 90 m gan trai nuoi heo co nuoc mau den,  hoi thoi anh 1
Nước từ chiếc giếng khoan sâu 90 m của gia đình ông Hùng có màu đen, mùi hôi thối. Ảnh: Ngọc An. 

Không những sống khổ bởi mùi hôi, nhiều gia đình đang phải đối diện tình trạng nguồn nước ngầm sinh hoạt bị ảnh hưởng. Gia đình nông dân Hùng ở gần trang trại heo của gia đình ông Phan Tú. Năm 2013, ông khoan giếng sâu 90 m để lấy nước sinh hoạt và tưới cây.

Ông cho biết: “Thoạt đầu nước rất trong và sạch sẽ nhưng đến năm 2014 thì bắt đầu bị vẩn đục. Đến thời điểm này không thể sử dụng. Mỗi lần bơm lên, nước có màu đen, bốc mùi hôi thối như ở các cống thải”.

Theo nông dân 60 tuổi, gia đình có hai giếng cách nhau 20 m và đều chung tình trạng. Sợ nguồn nước có độc tố nên ông quyết định lấp bỏ một trong hai giếng.

“Tôi phản ánh chủ trại và họ chấp nhận đền bù cho gia đình giếng khác. Công trình mới có độ sâu 70 m nhưng khi bơm lên, nước vẫn đục, mùi tanh. Nguồn này tôi chỉ dùng để tưới cây còn ăn, uống và tắm giặt thì mua nước đóng chai hoặc xin những hộ không bị ảnh hưởng”, nông dân Hùng cho hay.

Gieng sau 90 m gan trai nuoi heo co nuoc mau den,  hoi thoi anh 2
Nước thải màu đen, hôi thối từ các trại chăn nuôi heo đổ về con mương gần vườn ông Nguyễn Đức Lê. Ảnh: Ngọc An.

Chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Đức Lê cũng phải lấp bỏ vì ô nhiễm. Gia đình người này đang bị nguồn nước thải màu đen từ các trang trại xung quanh tràn vào vườn. Để ngăn chặn, ông phải đào hệ thống mương nhỏ xung quanh. Người đàn ông 69 tuổi này nói rằng, có thể ngăn tràn trên mặt đất nhưng nước thẩm thấu đành chịu.

“6 giếng của người dân trong vùng có nước màu đen, mùi hôi. Gần chục giếng của các hộ khác bắt đầu xuất hiện mùi khó chịu”, ông Lê bấm đầu ngón tay thống kê.

Theo người dân, hiện tại, nước thải từ các trang trại tràn ra ngoài, chảy về suối Cây Hảo, suối Bàu Bà Thống, suối Mủ trong vùng gây ô nhiễm nặng nề. Cánh đồng của ấp Hưng Thạnh bị ô nhiễm, cây trồng không đạt năng suất nên bị bỏ hoang nhiều năm.

Ông Nguyễn Đức Lê bức xúc: “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xử lý các trại chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng chưa được giải quyết”.

Gieng sau 90 m gan trai nuoi heo co nuoc mau den,  hoi thoi anh 3
Hầm xử lý nước thải sơ sài của một trang trại trong khu chăn nuôi tập trung ấp Hưng Thạnh. Ảnh: Ngọc An. 

Ông Lê Công Sự, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết, khu vực chăn nuôi tập trung ở ấp Hưng Thạnh có khoảng 60 hộ dân sinh sống nhưng chưa có con số thống kê cụ thể gia đình bị ảnh hưởng. Cũng theo ông này, mỗi trang trại đều có hệ thống hầm xử lý chất thải. Tuy nhiên, khi trời đổ mưa, nước từ các hầm này đã tràn ra ngoài gây ô nhiễm.

Chủ tịch xã Hưng Lộc cho biết: “Trước năm 2012, các hộ chăn nuôi xả thải ra mương nước. Hiện nay chính quyền siết chặt, buộc họ cam kết xử lý chất thải đúng quy định”. Theo ông này, những hộ có giếng khoan bị ô nhiễm đều thỏa thuận với các chủ trang trại kế cận để lấy tiền làm giếng mới.

Theo UBND huyện Thống Nhất, huyện đã kiểm tra thực trạng môi trường tại khu chăn nuôi ấp Hưng Thạnh và các khu chăn nuôi khác ở xã Hưng Lộc.

Tại đây, đa phần các trang trại quy mô nhỏ nhưng nuôi số lượng lớn khiến công trình phụ trợ không xử lý hết chất thải. Các hồ lắng chất thải xây không đúng kỹ thuật làm thẩm thấm trực tiếp xuống đất, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Để giải quyết những bất cập này, UBND huyện Thống Nhất phối hợp cùng UBND xã Hưng Lộc tổ chức nhiều đợt kiểm tra và sẽ yêu cầu các chủ trại hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, xây tường bao quanh ngăn mùi hôi phát tán ra bên ngoài.

Vi phạm nghiêm trọng tại phân khu công nghiệp Formosa

Tỉnh Đồng Nai xác định, công ty Chin Well Fasteners đóng tại phân khu công nghiệp Formosa ở tỉnh này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong việc xả thải.




Ngọc An

Bạn có thể quan tâm