Ổ bọ xít hút máu người lúc nhúc tại Quy Nhơn
Khi dọn dẹp sách báo cũ, bà Thành phát hiện hàng chục con bọ xít hút máu người bò lúc nhúc, trong đó có nhiều con đã chết.
Sáng 1/7, gia đình bà Phan Thị Thành (54 tuổi, trú 293/20 Lê Hồng Phong, P.Lê Hồng Phong, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã giao 8 con bọ xit hút máu người cho Khoa Côn trùng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Viện SR-KST) để phục vụ nghiên cứu.
Trước đó, chiều 30/6, trong lúc dọn dẹp sách báo cũ trên gác, bà Thành phát hiện ổ bọ xít hút máu người hơn chục con lúc nhúc. Bà đã bắt được 8 con còn sống, trong đó có 4 con non và cho vào lọ thủy tinh. Ngoài ra, bà Thành còn tìm thấy nhiều con đã bị chết khô. Đây là loài bọ xít hút máu người, rất giống những bọ xít được các hộ dân ở TP.Quy Nhơn và các tỉnh, thành trong cả nước phát hiện trước đây.
8 con bọ xít hút máu người còn sống được bà Thành bắt cho vào lọ thủy tinh. |
Trong vòng hơn mười ngày qua, tại Quy Nhơn, người dân phát hiện và bắt được 2 ổ bọ xít hút máu người. Trước đó, trưa ngày 19/6, anh Nguyễn Tuấn Anh (ở trọ tại nhà số 586/16 đường Tây Sơn, P. Quang Trung, TP.Quy Nhơn) đã phát hiện tại nhà bếp ổ bọ xít nguy hiểm này với gần chục con.
Ngoài ra, trong năm 2012, gia đình chị Trần Thị Kim Cúc (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn) liên tiếp phát hiện gần chục con bọ xít. Viện SR-KST đã khẳng định đây là loài bọ xít hút máu người có nguồn gốc từ Nam Mỹ sang nước ta bằng đường... du lịch. Viện đã cử đoàn cán bộ đến kiểm tra và phát hiện thêm ổ bọ xít trong tủ quần áo của chị Cúc, trong đó có nhiều con trưởng thành và con non. Các nhà khoa học đã phun thuốc sát trùng bao vây ổ dịch.
Thạc sỹ Huỳnh Xuân Lộc, Phó trưởng khoa Côn trùng, Viện SR-KST, cho biết: “Bọ xít mà người dân phát hiện đã có từ 5 - 7 năm nay. Viện đã tiếp nhận rất nhiều mẫu bọ xít, nhưng chưa ghi nhận bọ xít này truyền nhiễm vi rút gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, bệnh tật như ở Nam Mỹ. Chính vì vậy người dân không nên hoang mang, khi ngủ nên giăng mùng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và thông thoáng để không cho bọ xít có cơ hội ẩn nấp và để trứng…”.
Công Phụng
Theo Infonet