Sáng đầu tuần, chị Lê Thị Mai (Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lái chiếc xe 5 chỗ ra khỏi hầm chung cư để đi làm. Cơ quan nằm tại một tòa nhà trên phố Duy Tân, đắn đo một lúc, chị Mai quyết định sẽ đi về hướng Kim Mã mặc dù cung đường này xa hơn chừng 4 km so với trục Trường Chinh - Láng.
Hơn một năm sau khi dự án đường gần 10.000 tỷ thông xe một phần, người phụ nữ 36 tuổi cho biết tâm trạng háo hức những ngày đầu đã nhanh chóng biến mất. “Tôi chấp nhận đi xa hơn, dù tuyến đó cũng tắc nhưng không đến mức như Ngã Tư Sở và Láng”, chị Mai nói.
Nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn
Vành đai 2 là một trong những trục giao thông xương sống dài hơn 43 km, chạy qua 8 quận, huyện ở Hà Nội.
Những năm qua, số tiền rót vào các dự án thành phần trên tuyến này là khoảng 2 tỷ USD. Một số công trình điển hình là cầu Nhật Tân (13.500 tỷ đồng), đường Hoàng Sa - Trường Sa (6.600 tỷ đồng), đường Võ Chí Công (hơn 6.600 tỷ đồng), nút giao trung tâm quận Long Biên (2.800 tỷ đồng)…
Cầu Nhật Tân là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất trên trục đường vành đai 2. Ảnh: Hồng Quang. |
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, dự án mở rộng và thi công đường trên cao đang được một doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BT với số vốn sau điều chỉnh khoảng 10.000 tỷ đồng. Tới đầu năm 2021, cầu Vĩnh Tuy cũng được rót thêm hơn 2.500 tỷ để hoàn thiện giai đoạn 2.
Việc mở rộng các dự án thành phần giúp các phương tiện di chuyển thuận tiện hơn nhưng cũng khiến lượng xe tập trung nhiều và nghẽn lại tại 2 khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện mở rộng là Ngã Tư Sở và đường Láng, gây ùn tắc cục bộ.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, tài xế taxi công nghệ cho hay khi đi từ khu vực cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở chỉ mất khoảng 15 phút. Nhưng để vượt qua Ngã Tư Sở và trục đường Láng thì trung bình tài xế mất 30-45 phút. “Đường tắc cứng, thật sự rất mệt mỏi”, anh Cường nói.
Tình trạng tắc đường tại nút giao này trước đó được Zing phản ánh vào khoảng tháng 11/2020. Sở GTVT Hà Nội sau đó đã có phương án điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu và chặn hướng đi dưới thấp từ Tây Sơn sang Nguyễn Trãi. Tình hình giao thông khi đó được cải thiện cùng với các đợt giãn cách chống dịch khiến tình hình nút giao này có phần dễ thở.
Cầu Vĩnh Tuy 2 và đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được tăng tốc thi công. Ảnh: Việt Linh. |
Đầu năm 2022, xe cộ đông đúc trở lại cùng với việc thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 khiến tình trạng giao thông qua Ngã Tư Sở tiếp tục nóng. Đồng thời, dự án đường vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy 2 đang được đẩy nhanh tiến độ, khi hoàn thành có nguy cơ tiếp tục dồn lượng lớn xe cộ về nút giao này.
Hàng loạt bất cập
Phân tích về những nguyên nhân gây tắc đường tại Ngã Tư Sở, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho biết đây là hậu quả của một loạt những bất cập tồn tại quanh nút giao Ngã Tư Sở. Đây là bài toán khó, đòi hỏi nhà quản lý cần có những giải pháp triệt để và bài bản. “Nếu làm chưa tới có thể gây nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn”, ông Bình nói.
Về nguyên nhân ùn tắc, theo tiến sĩ Phan Lê Bình, khu vực Ngã Tư Sở là nút giao của các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm kết nối các khu vực như Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy để vào trung tâm thành phố. Lượng phương tiện qua lại rất lớn.
Thứ hai, quanh nút giao là các khu dân cư đông đúc như Khương Trung, Thượng Đình, Trung Liệt… lại thiếu các trục hướng tâm song song nên phương tiện lưu thông qua các đường nhánh, ngõ ngách đều đổ về Ngã Tư Sở.
“Khi biết là tắc mà người dân vẫn phải đi vào chứng tỏ hạ tầng còn thiếu các trục song song để giảm tải”, ông nói.
Lối xuống của đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở chỉ cách nút giao khoảng 100 m khiến xe cộ kẹt cứng. Ảnh: Hồng Quang. |
Một nguyên nhân nữa được nêu ra là đoạn vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở hoàn thành một phần khiến một lượng lớn phương tiện dồn về đây. Trong khi trục chính của đường trên cao dừng lại ở phía đường Trường Chinh, các phương tiện muốn đi thẳng để sang đường Láng phải đi xuống nút giao, sau đó chờ các nhịp đèn rồi mới có thể đi tiếp.
“Tổng hòa những nguyên nhân trên, có thể thấy luồng phương tiện muốn đi thẳng hay muốn rẽ đều có bất cập. Tất cả đổ dồn về một điểm là nút giao Ngã Tư Sở, sau đó gặp nhịp đèn đỏ hàng chục giây và xung đột từ các hướng đã dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng”, ông Bình nói.
Lối lên, xuống đường trên cao gần nút giao có hợp lý?
Đường vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở hiện đã được thông xe một phần. Nhà thầu cho hay đến 31/12 sẽ thông xe toàn tuyến. Điểm lên, xuống của đoạn tuyến này nằm trên đường Trường Chinh, cách nút giao Ngã Tư Sở khoảng 100 m.
Nhiều người băn khoăn về tính hợp lý của quy hoạch này. “Tại sao cơ quan quản lý lại thiết kế lối, lên xuống quá gần nút giao như vậy? Nó sẽ gây thêm áp lực rất lớn cho Ngã Tư Sở”, một tài xế thường xuyên lưu thông qua khu vực này, thắc mắc.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc thiết kế lối lên, xuống vành đai 2 trên cao đã được nghiên cứu kỹ và được thành phố phê duyệt thiết kế với mục tiêu phục vụ phương tiện lưu thông được an toàn, thuận lợi.
Còn theo tiến sĩ Phan Lê Bình, việc lối lên, xuống được thiết kế gần nút giao Ngã Tư Sở là điều gần như bắt buộc phải làm. Ông Bình cho rằng với chiều dài toàn tuyến đường vành đai 2 trên cao khoảng trên 5 km, nếu đặt lối lên, xuống ở xa ngã tư để có thể điều tiết được luồng phương tiện thì sẽ làm mất ý nghĩa của việc làm đường trên cao.
“Các phương tiện đi trên cao sẽ chẳng được bao nhiêu đã phải xuống đường dưới thấp, điều này mất ý nghĩa đầu tư đường trên cao”, ông Phan Lê Bình nói.
Về ý kiến cho rằng nên chặn hướng đi dưới thấp từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn, chuyên gia giao thông cho rằng đây là điều không thể bởi lượng lớn xe cộ từ khu vực Thượng Đình và Khương Trung sẽ không thể đi lên cầu vượt, áp lực sẽ dồn về nặng hơn ở vành đai 2.
Không thể tiếp tục trông chờ vào điều tiết và nhịp đèn
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), cho rằng để giải quyết triệt để bất cập tại khu vực Ngã Tư Sở, cơ quan chức năng của Hà Nội không thể tiếp tục trông chờ vào phương án phân luồng và điều chỉnh nhịp đèn bởi lượng xe cộ luôn tăng đều qua các năm. Đồng thời, 2 dự án đang thi công khi hoàn thành sẽ tăng tải lượng xe cộ rất lớn dồn về đây. Nếu gặp bất cập có thể hình thành nút cổ chai trên trục đường tỷ USD.
Ông Chính cũng lưu ý trong trường hợp đầu tư đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, Hà Nội cần có nghiên cứu bài bản về xử lý không gian và mặt bằng bởi tồn tại một số yếu tố như hầm đi bộ, cầu vượt và ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Ga tàu điện Cát Linh - Hà Đông là một trong những thách thức khi đầu tư đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Ảnh: Việt Linh. |
Nếu làm đường trên cao đòi hỏi trụ cầu có chiều cao vượt trội đồng thời trong quá trình triển khai cần có những giải pháp quyết liệt để dự án không lâm vào cảnh chậm tiến độ, nhất là giải phóng mặt bằng.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay giải pháp lâu dài phải tính tới là hoàn thiện đường vành đai 2 trên cao. Trục chính của con đường này dành cho các phương tiện đi thẳng sang đường Láng cần được hoàn thiện. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm triển khai các đoạn tuyến tiếp theo từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy để khớp nối toàn tuyến.
Ngoài ra, cùng với Ngã Tư Sở, đường Láng cũng là đoạn tuyến duy nhất chưa được đầu tư mở rộng trên trục vành đai trị giá hơn 2 tỷ USD này. Ùn tắc xảy ra được chuyên gia lý giải do mặt đường hẹp, nhiều luồng xe cộ xung đột tại các nút giao Hoàng Cầu, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh… Khi được mở rộng và có đường trên cao sẽ giảm được áp lực.
Ông Phan Lê Bình cũng nhấn mạnh việc cần phát triển giao thông công cộng. “Một cách căn cơ, các con đường sau khi mở rộng cần có làn đường dành riêng cho xe buýt. Như vậy, nó sẽ tạo sự ưu tiên trên mặt đường cho giao thông công cộng. Nếu không làm được điều này, đường càng mở rộng càng kích thích xe cá nhân phát triển và như vậy ùn tắc sẽ không bao giờ được giải quyết”, ông Bình nói.
Trước tình trạng ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng sau khi thông xe đoạn vành đai 2 trên cao qua khu vực này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị đang lên phương án hoàn thiện tiếp đường vành đai 2, trong đó có việc xây dựng đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở với kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho hay đường trên cao từ Ngã Tư Sở sẽ được nối tiếp về Cầu Giấy với chiều dài khoảng 5 km. Cơ quan này cũng nhận định phương pháp tổ chức giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở chỉ mang tính chất trước mắt, việc xây tiếp Vành đai 2 nối đến Cầu Giấy mới giải quyết được ùn tắc
Bình luận