Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nút like tàng hình' khi duyệt web tràn lan trên mạng

Khi người dùng Internet truy cập vào những website được chèn nút like "tàng hình", cú nhấp chuột đầu tiên sẽ "vô tình" bấm like một trang fanpage mà người nạn nhân không hề hay biết.

Bên cạnh nạn "câu like" bằng hình ảnh thương tâm, các chủ fanpage trên Facebook hiện nay có thêm chiêu thức mới để ép người dùng bấm like trang. Thông qua các dịch vụ "tăng like" hoặc tự nhúng nút like ẩn vào website, nhiều trang fanpage đã nhanh chóng đạt được một lượng fan lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi người dùng vẫn "ngơ ngác" không hiểu mình đã bấm "like" trang fanpage đó từ khi nào.

Qua trao đổi, Tài - một dân "buôn Like" trên Facebook, đã tiết lộ cách huy động một lượng "like" khủng cho các chủ fanpage hiện nay. Theo đó, thời điểm cách đây một năm, khi cần huy động like cho khách hàng, giới buôn like sẽ tham gia vào những website trao đổi like của nước ngoài hoặc mua lại những phần mềm auto-like từ chợ trời phần mềm trên mạng. Tuy nhiên, cách làm này đã "lỗi thời" vì phần lớn lượng "Like" đến từ những cá nhân ở nước ngoài, không phải là người Việt Nam. "Các chủ fanpage ở Việt Nam chỉ muốn những người bấm like là người Việt để quảng cáo và phát triển page hiệu quả hơn. Mua khoảng 10.000 like từ nước ngoài giỏi lắm cũng chỉ khoảng 1000 Like là người Việt Nam", Tài cho biết.

Bảng giá dịch vụ tăng Like với cam kết "trên 90% là người Việt Nam", mức giá này rẻ hơn so với giá quảng cáo của Facebook.

Để đảm bảo "trên 90% lượng like đến từ người dùng tại Việt Nam", những dân buôn Like như Tài đã áp dụng một thủ thuật mới: nhúng nút like page "tàng hình" vào một số website giải trí có lượng truy cập lớn. Nút "like" này vẫn là một tính năng được cung cấp bởi Facebook, nhưng qua bàn tay của giới lập trình web, nút "like" này biến tướng thành nút like "tàng hình" (độ mờ được chỉnh ở mức tối đa, không thể nhìn thấy bằng mắt thường), đồng thời có khả năng tự bám theo con trỏ chuột của người dùng. Chỉ cần mở website có chứa nút like tàng hình, cú click chuột đầu tiên của người dùng đã vô tình bấm like một page nào đó trên facebook mà nạn nhân không hề hay biết. "Chỉ sau vài ngày chèn nút like tàng hình vào các website giải trí, một fanpage trên Facebook có thể thu được hàng chục ngàn lượt like, trong đó đa phần đến từ những người Việt". 

Bên cạnh "ưu điểm" thu gom được lượng like trên 90% là người Việt Nam, nút like "tàng hình" cũng có thể chọn lọc các đối tượng người dùng khác nhau. "Khi một fanpage cần một lượng like đa phần là giới trẻ, học sinh, sinh viên, mình sẽ nhúng nút like của họ vào các website truyện hài, giải trí,... Nếu chủ fanpage yêu cầu một lượng fan đặc biệt hơn (phân loại theo giới tính, sở thích,..), nút like tàng hình sẽ được nhúng vào các website chuyên nội dung "mát mẻ", hoặc chuyên về thời trang, ẩm thực,...tất nhiên việc chèn nút like phải có sự đồng ý và một phần chi phí lót tay cho các chủ website trên" - Hoàng, một dân buôn like Facebook ở TP HCM chia sẻ.

Theo anh Hoàng Phú Minh, một Web developer tại quận 3, TP.HCM, kĩ thuật trên gọi là "Clickjacking", vốn không mới và đã được giới làm web áp dụng từ lâu cho các loại quảng cáo pop-up (những khung duyệt web "rác" tự hiện ra với mục đích quảng cáo). Sau khi Facebook cung cấp nút like có thể chèn vào website, thủ đoạn "nút like tàng hình" mới được khai sinh và trở thành một công cụ hốt bạc cho giới buôn like.  

Làm cách nào để chống sập bẫy nút like tàng hình?

"Rất bực mình vì vào Facebook cứ thấy hiện ra những post của các fanpage lạ hoắc nào đó mà mình chưa bao giờ biết đến, khi vào kiểm tra thì thấy mình đã bấm like từ lúc nào không hay, đành phải bấm unlike để tránh bị bị làm phiền", Nguyễn Ngọc Anh, một người dùng Facebook ở TP HCM cho biết. Đồng cảnh ngộ với Ngọc Anh, Diễm Trang, sinh viên ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng, cũng vô tình bị ép bấm like một fanpage có nội dung 18+, đến khi bị bạn bè trêu chọc, Trang mới biết mình là nạn nhân của trò câu like mới này. 

Hiện nay, trên một trình duyệt như Chrome, Firefox,...người dùng có thể sử dụng những phần mở rộng (extension, add on) miễn phí như Clickjacking Reveal, I'd like to confirm,...tác dụng của những tiện ích mở rộng này là khiến các nút like tàng hình "hiện nguyên hình", hoặc hiện ra một thông báo yêu cầu người dùng "confirm" (xác nhận) mình có muốn bấm like thực sự hay không. "Chân tướng" của một nút like tàng hình có khả năng tự bám theo con trỏ chuột được minh họa trong một video dưới đây.

Nút like tàng hình trên website giải trí bị phát hiện bởi tiện ích mở rộng Clickjacking Reveal

Nếu ngại cài đặt các tiên ích mở rộng nói trên, người dùng có thể sử dụng hai trình duyệt riêng biệt. Chẳng hạn như chỉ dùng Firefox để đăng nhập Facebook và dùng Chrome để truy cập các website còn lại. Nút like tàng hình chỉ hoạt động khi bạn đã đăng nhập Facebook từ trước trên cùng một trình duyệt.

Hiện tại, chính Facebook cũng đã có biện pháp riêng để đối phó với nút like tàng hình. Khi người dùng bấm like facebook của một bài viết hay một website, nút like đó sẽ tiếp tục yêu cầu người dùng bấm "confirm" (xác nhận bạn có thích hay không). Biện pháp này bước đầu hạn chế được xảo thuật của giới buôn Like, nhưng vô tình gây ra một chút phiền toái cho người dùng. 

 

Duy Tín

Bạn có thể quan tâm