Những ngày cuối tháng 10, ông Lê Khắc Tân (61 tuổi, trú xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn tất bật kiểm tra nguồn nước, thức ăn cho đàn cá tầm hàng trăm con đang vụ xuất bán.
Trại nuôi cá tầm của ông Tân là vùng ao hồ rộng khoảng 2.000 m2, nằm bên khe Rào Trình, thuộc thôn Phú Lâm (xã Phú Gia). Đây là khu vực rừng do Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê quản lý.
“Từng có nợ với rừng nên tôi quay lại cùng ngành chức năng bảo vệ rừng. Cá tầm cũng được nuôi thử nghiệm và thành công giữa vùng khe suối bao năm gắn bó”, ông Tân nói về cơ duyên xây dựng trại cá tầm có một không hai ở vùng rừng núi.
Trang trại nuôi cá tầm của ông Tân nằm cạnh bờ suối. Ảnh: P. Trường. |
Ông Tân kể từ năm 2011, chứng kiến rừng nguyên sinh trên địa bàn “chảy máu”, ông liên hệ Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tiêm (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê) để nhận bảo vệ gần 400 ha rừng.
Hơn 10 năm giữ rừng, ông Tân cùng các công nhân bảo vệ rừng đã dựng lán trại, chăn nuôi gia súc và cải tạo các ao cá tự nhiên để nuôi cá chép, mè, trắm... nhằm cải thiện bữa ăn.
Nhận thấy nước khe Rào Trình chảy ra mát lạnh. Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ nhưng làn nước dưới khe chỉ khoảng 23 độ C, còn mùa đông xuống 10-15 độ.
Sau thời gian dài nuôi cá trắm, chép, mè... không hiệu quả, ông Tân tìm hiểu về cá tầm và quyết định nuôi thử nghiệm giống cá chỉ phù hợp với khe suối ở các tỉnh phía bắc về vùng đất Hà Tĩnh.
Người đàn ông đã ngoài 60 đã mời cán bộ kỹ thuật về kiểm tra khí hậu, nguồn nước cũng như môi trường sống cho loài cá tầm trước khi thả nuôi. Khi có kết quả khả quan, ông bỏ ra hơn 500 triệu đồng đắp lại bờ bao, trải bạt và cải tạo lại các ao nuôi với diện tịch khoảng 2.000 m2.
Cá tầm thử nghiệm thành công ở vùng đất Hà Tĩnh. Ảnh: P. Trường. |
Nguồn nước từ Rào Trình cũng được lấy trực tiếp qua các ống dẫn vào hồ và chảy ra theo ống ngầm đã lắp đặt sẵn.
“Ao nuôi cá tầm rộng hơn 100 m2, chia thành từng ô và có độ sâu hơn 1 m. Các ao còn lại để nuôi cá tạp như rô phi, diếc... để bổ sung thức ăn cho cá tầm khi trưởng thành”, ông kể.
Lứa cá tầm đầu tiên được ông Tân thả nuôi khoảng 500 con vào tháng 10/2021. Cá giống lúc này dài 8-10 cm, trọng lượng 150 con/kg.
Sau gần một năm nuôi thử nghiệm, đàn cá tầm hàng trăm con sinh trưởng tốt, trọng lượng mỗi con 1,8-2,2 kg, dài hơn 50 cm. Với giá bán 250.000-300.000 đồng/kg, dự kiến doanh thu đạt gần 300 triệu đồng.
“Ao hồ có nước suối vào ra liên tục nên luôn sạch sẽ, giúp cá sinh trưởng tốt, ít bệnh. Cá tầm ăn chìm nên thức ăn lúc còn nhỏ phải là cám riêng và giá rất cao. Khi trưởng thành, cá tầm sẽ được cho ăn các loài cá tạp xay nhỏ khác giúp thịt cá săn chắc, ngon hơn”, ông nói.
Cá tầm xuất bán đạt trọng lượng hơn 2 kg. Ảnh: P. Trường. |
Vui mừng vì thử nghiệm mô hình nuôi cá đặc sản "nước lạnh" thành công trên "chảo lửa miền Trung" song ông Tân lo ngại thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng quá trình đầu tư, mở rộng mô hình.
Chủ trại cá tầm dự kiến thời gian tới sẽ liên kết với các trang trại cá tầm ở phía Bắc để nuôi và tiêu thụ khoảng 5.000 con giống trên diện tích ao cá sẵn có của gia đình.
Trao đổi với Zing, ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, đánh giá mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm của gia đình ông Tân ban đầu đã đạt hiệu quả khá tốt.
"Địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng mô hình phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Huyện cũng sẽ đánh giá lại để có thể mở rộng mô hình, từ đó xây dựng thị trường cùng người dân, giúp kinh tế địa phương phát triển", ông nói.