Phương pháp sáng tạo bạn đã có trong tay nhưng nếu không tạo ra môi trường phù hợp để rèn luyện, nuôi dưỡng nó thì rất dễ quay trở về con đường… tối tạo. Bỏ túi ngay cách nuôi dưỡng sáng tạo mỗi ngày bằng những hành động đơn giản sau.
1. Đọc thật nhiều sách: Bạn đừng nên bó buộc mình vào một thể loại sách nào đó, nhất là những sách mang tính học thuật, khoa học sẽ khiến tâm hồn bạn trở nên dễ khô khan.
Thay vào đó, bạn có thể đọc song song một cuốn sách khoa học cùng với một cuốn khác thuộc thể loại phi khoa học (có thể là tản văn, tiểu thuyết…).
Biết đâu, việc kết hợp ý tưởng trích từ hai cuốn sách tưởng chừng ngược nhau đó đem lại kết quả bất ngờ thì sao?
2. Trao đổi với mọi người xung quanh: Trong lớp học môn phát triển sự sáng tạo, thầy giáo cho cả lớp chơi một trò rất ngộ nghĩnh: Vo tròn cục giấy và ném về phía người khác, bất kỳ ai trong lớp kể cả giáo viên.
Và cứ như thế, mọi người từ xa lạ nay lại có cơ hội tương tác, biết mặt nhau nhiều hơn. Thầy bảo cục giấy đó chính là ý tưởng, khi chúng ta ném ý tưởng về ai đó bằng cách trao đổi thì sẽ nhận được những phản hồi là góp ý, lời khuyên chân thành giúp sự sáng tạo hoàn thiện hơn.
3. Hạn chế lặp lại điều cũ: Trừ khi bạn đang muốn biến một điều mới thành thói quen hàng ngày, chẳng hạn như việc sáng tạo. Còn không thì bạn hãy tìm cách làm mới những điều bình thường trong cuộc sống, đến những nơi hoàn toàn mới gợi cho bạn nhiều ý tưởng thú vị.
Tôi nhớ thầy giáo Trương Nguyện Thành từng chia sẻ trên báo rằng thầy đã trả lại bài tập cho một bạn sinh viên chỉ vì cách giải của bạn ấy giống với các bạn khác trong lớp.
Từ hôm nay, bạn hãy thử viết bằng tay trái nếu mình thuận tay phải, vừa đánh răng vừa hát, đi học theo một hướng đường mới chưa từng đi… chắc chắn sẽ thu về nhiều trải nghiệm thú vị cho xem.
4. Dành thời gian kết nối với thiên nhiên: Vì bản thân Trái Đất đã là một kho tàng sáng tạo của mẹ thiên nhiên. Nhiều ý tưởng sáng tạo có thể đến bất ngờ khi bạn dành thời gian quan sát, nghiên cứu về các loài động vật, thực vật, phát hiện ra biến thể độc đáo của chúng. […]
5. Nên ở một mình để sáng tạo tối đa: Ý tưởng vốn là một thứ vô hình và rất khó nắm bắt. Nếu muốn tóm được chúng, tôi khuyên bạn nên có những khoảng thời gian yên tĩnh một mình để đủ tĩnh tâm mà suy ngẫm không ngừng. Chính lúc tập trung hết trí lực và tâm hồn đó, ý tưởng sẽ dần được hình thành.
Việc này cũng giống như sau khi đi chợ mua nguyên liệu, bạn sẽ trở về căn bếp riêng tư trong nhà mình để chế biến món ăn. Nếu bạn chọn không gian khác ồn ào, náo nhiệt, 100 người góp 1001 ý kiến khác nhau thì tôi tin chắc món ăn bạn làm ra sẽ rất dở tệ so với tưởng tượng ban đầu.
6. Giữ cho mình tâm trí mở: Nếu bạn chỉ loanh quanh với những ý tưởng cũ kỹ của bản thân mà luôn ảo tưởng rằng nó là sáng tạo nhất, hay nhất thì bạn đang tự “đóng băng” trí não mình rồi đó.
Thế giới chuyển động không ngừng với nhiều biến thiên mỗi ngày nên việc bạn cần làm là mở tâm trí mình ra để đón nhận những điều mới của thời cuộc, lắng nghe góp ý của mọi người xung quanh. Chỉ có như vậy, bản thân bạn mới được nâng cấp và ngày càng hoàn thiện hơn.
7. Dùng sơ đồ mindmap để bắt ý tưởng: Các chuyên gia về sáng tạo đều chọn phương pháp vẽ sơ đồ cây, do nó ưu việt hơn so với cách ghi chép thông thường.
Chẳng hạn, với cách ghi theo cấp độ A - B - C…, bạn cần tốn thời gian để sắp xếp mọi thứ nên khó bắt kịp các ý tưởng nảy ra trong đầu. Nhưng với sơ đồ cây, bạn có thể dễ dàng vẽ hết tất cả ra giấy mà không cần phải cân nhắc cái nào trước, cái nào sau.
Khi đọc lại sơ đồ mindmap, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát, thuận tiện hơn so với việc đọc theo cấp độ từ trên xuống.
8. Đừng lên kế hoạch cho sáng tạo: Vì ý tưởng thường sẽ ùa đến vào những lúc bạn không ngờ, đó có thể là khi bạn đang xối mình dưới vòi sen mát lạnh, đang bận rộn làm bài toán mà chợt có ý hay cho bài văn, thậm chí là nảy ra ý mới trong giấc mơ đêm…
Do đó, bạn không thể nào o ép trí não phải sáng tạo vào một khung giờ nào đó nhất định trong ngày mà hãy mọi thứ diễn ra tự do.
Khi ý tưởng đến, bạn chỉ cần dành ít thời gian ghi chép lại và để dành đó, chừng nào xong việc đang làm hoặc có thời gian rỗi thì xem xét kỹ hơn sau.
9. Tạo ra môi trường sáng tạo: Sáng tạo là một thứ muôn hình vạn trạng, nó có thể biến thành bất cứ thứ gì nên môi trường nuôi dưỡng nó tốt nhất cũng nên có tính biến thiên đa dạng, linh hoạt như vậy.
Đó là lý do mà các văn phòng hiện đại thường phá vỡ bố cục sắp xếp bàn truyền thống kiểu chia ô trước đây, có thêm nhiều cửa sổ để tạo không gian thoáng, view đẹp, có những bức tranh truyền cảm hứng, một tủ sách tham khảo… để kích thích trí não nhân viên hoạt động tưng bừng hơn. Bạn cũng có thể áp dụng cách làm này cho góc học tập, phòng làm việc của nhà mình.
10. Bắt tay vào làm: Nếu như trên phim, Harry Potter chỉ cần nghĩ đến điều gì đó là nó sẽ tự động biến thành hiện thực thì ở ngoài đời ngược lại hoàn toàn. Bạn phải bắt tay vào làm, phải thử nghiệm thì ý tưởng mới nên hình nên dạng được. Việc viết ý tưởng ra một tờ giấy nháp đơn giản thôi cũng có thể đem đến hiệu quả bất ngờ nên hành động ngay đi nào!