Dành khoảng 10 phút để phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết ngành thông tin và truyền thông (TTTT) sáng 12/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ toàn diện về tầm nhìn và nhiệm vụ của cả ngành trong giai đoạn tới, ứng với các mục tiêu phát triển của đất nước.
Ông dùng 6 chữ “nếu” để gợi mở 6 vấn đề, cũng là 6 lĩnh vực chính của ngành TTTT. Mỗi chữ “nếu” đều xác định những công việc, sứ mệnh hướng đến trong tầm nhìn dài hạn.
Bộ trưởng yêu cầu các cán bộ trong ngành phải có khát vọng lớn, mục tiêu cao, việc 5 năm làm trong một năm, nuôi dưỡng tinh thần đưa Việt Nam trở nên hùng cường, phát triển nhanh và bền vững, qua đó xuất hiện người hiền tài cho ngành và cho đất nước.
“Cơ may” để định vị lại cơ hội của ngành
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhân loại đang bước vào một không gian sống hoàn toàn mới, đó là sự di chuyển thế giới thực vào thế giới số. Ông gọi đó là “sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. Ở đó, cơ hội và thách thức lớn luôn song hành.
Do đó, công nghệ số, chuyển đổi số, báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành TTTT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như vậy. Thậm chí đây cũng là “cơ may” để ngành định vị lại cơ hội của mình, nhìn rõ thách thức và xác định đúng không gian sống mới có vai trò cho mọi sự phát triển.
Bưu điện TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngành bưu chính cần thay đổi trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Lê Quân. |
Dùng chữ “nếu” đầu tiên, Bộ trưởng nhắc đến lĩnh vực bưu chính. Ông nói: “Nếu bưu chính là chuyển phát thư và bưu kiện thì bưu chính vẫn sẽ là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Nếu bưu chính là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, hộ gia đình để kinh doanh, tiếp cận thị trường cả nước, toàn cầu, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân kinh doanh và làm giàu, thoát nghèo. Vì thế, sứ mệnh mới của bưu chính là vô cùng lớn lao”.
Nhắc đến lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu viễn thông vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông vẫn sẽ là viễn thông.
Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, là hạ tầng cung cấp công nghệ và dịch vụ cho doanh nghiệp, giúp họ sáng tạo sản phẩm, thì viễn thông là hạ tầng của sản xuất kinh doanh và nền kinh tế số.
“Không gian mới, sứ mệnh mới của viễn thông đang dần hình thành”, ông chia sẻ.
Đột phá từ chuyển đổi số
Dành nhiều thời gian nhất, ông nói đến thứ “nếu” thứ ba, trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bộ trưởng mở đầu: “Nếu ứng dụng công nghệ thông tin vẫn tiếp tục là tự động hóa các hoạt động cũ thì vẫn là công nghệ thông tin”.
Nhưng nếu ứng dụng công nghệ thông tin là sử dụng công nghệ số, để chuyển đổi số, thay đổi mô hình vận hành thì công nghệ thông tin thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.
Chuyển đổi số là tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Ông nhấn mạnh đột phá ở chỗ nó đưa mọi hoạt động lên không gian số, toàn dân và toàn diện. Đột phá ở chỗ thay vì làm dần dần, làm từng phần thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đạt mục tiêu cao và làm nhanh.
Chuyển đổi số, công nghệ mới ngày càng đóng góp nhiều cho sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, đột phá ở chỗ nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc, cuộc sống. Đột phá ở càng dùng, càng rẻ, càng dùng càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ làm thay đổi áp dụng mô hình mới quan trọng hơn sự phát triển công nghệ.
Đột phá ở chỗ các nước đi sau thì ứng dụng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn các nước đi trước. Đột phá ở chỗ là nơi nào khó khăn hơn, đói nghèo hơn thì ứng dụng hiệu quả hơn. Đột phá ở chỗ nó làm những người nghèo nhất tiếp cận những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rẻ nhất.
Ông cũng cho rằng đột phá ở chỗ mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, vì thế thúc đẩy mọi người kinh doanh làm giàu. Đột phá ở chỗ nó không bắt buộc chúng ta đi theo từng bước là bắt kịp, tiến cùng rồi mới vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu, có thể đột phá vươn lên, không chỉ từ đi đầu, thành công mà có thể dẫn dắt nước khác.
“Đó là tương lai của ứng dụng công nghệ thông tin, nghĩa là chuyển đổi số”, ông chia sẻ.
Người đứng đầu ngành TTTT cũng nhắc đến lĩnh vực an toàn thông tin. Theo ông, an toàn thông tin nếu là bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin thì không thay đổi.
Tương lai của công nghệ thông tin là chuyển đổi số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Nhưng nếu an toàn thông tin là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng giống công nghiệp quốc phòng, là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an mạng Việt Nam thì lĩnh vực này có một sứ mệnh và vai trò cực kỳ lớn lao.
“Nếu lĩnh vực ICT vẫn là chỉ lắp ráp, gia công, làm thuê thì vẫn như cũ”, Bộ trưởng nhắc đến lĩnh vực ICT. Nhưng nếu ICT là “Make in Vietnam”, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, thiết kế sáng tạo, làm ra tại Việt Nam, giải bài toán Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển, từ đây đi ra thế giới.
Điều đó sẽ biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng của cả nước, là động lực và lời giải đưa Việt Nam trở nên thịnh vượng và đưa Việt Nam hùng cường, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Khơi dậy khát vọng tinh thần dân tộc
Chữ “nếu” cuối cùng, Bộ trưởng dùng để nói về lĩnh vực báo chí. Ông cho rằng nếu báo chí vẫn chỉ đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào… thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm.
Nhưng báo chí phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Khi đó báo chí đã nhận cho mình một sứ mệnh mới.
Người đứng đầu ngành TTTT nhấn mạnh bất cứ quốc gia nào hóa rồng, hóa hổ thì đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này sẽ được kích hoạt khi quốc gia có giấc mơ lớn, khát vọng lớn.
Dự thảo Đại hội XIII của Đảng đã xác định khát vọng này. Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả người dân Việt Nam. Từ khát vọng này biến thành hành động phát triển đất nước.
Xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng con đường để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phần cuối bài phát biểu, Bộ trưởng cho rằng ngành đã làm được nhiều việc của năm 2020, trong cả giai đoạn 2015-2020. Ông nhấn mạnh ngành đã tiếp nối thành quả của thế hệ đi trước, gìn giữ các giá trị cốt lõi của ngành: Trung thành, dũng cảm, sáng tạo, tận tụy, nghĩa tình. Ông nhấn mạnh ngày hôm nay là sự bắt đầu của ngày hôm qua, ngày mai bắt đầu từ hôm nay.
Năm 2021, là năm đầu tiên của giai đoạn mới không chỉ của ngành, đất nước mà của cả thế giới. Năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình thấp; năm đầu của giai đoạn đến 2030, Việt Nam trở thành nước trung bình cao; là giai đoạn đầu của giai đoạn 25 năm, đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển, thu nhập cao.
Tinh thần là khát vọng hùng cường, thịnh vượng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
“Con đường để đạt được mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số. Yếu tố quyết định là xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng để đặt niềm tin của người dân vào Đảng”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng thách thức mới, cơ hội mới, tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Từ đây sẽ tạo ra năng lực mới, cách tiếp cận mới, và đây là nguồn lực để chúng ta bứt phá, vươn lên.
Ông yêu cầu các đơn vị trong ngành sẽ phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể. “Tinh thần là khát vọng hùng cường thịnh vượng, sứ mệnh lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, giải pháp đột phá, việc 5 năm làm trong 1 năm, phát triển nhanh và bền vững, qua đó xuất hiện người hiền tài cho ngành và cho đất nước”, ông nói.