Ngày 18/5, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có kết quả kiểm tra, lấy mẫu và phân tích chất lượng nguồn nước trên sông Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) tại 10 vị trí khác nhau. Các vị trí này thuộc khu vực cầu cảng và tại các lồng nuôi cá của người dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia).
Theo đó, ngày 6/5, tại 7 vị trí mẫu vượt quy chuẩn cho phép, cụ thể: Chỉ tiêu Amoni vượt từ 1,1 đến 994,0 lần; Nitrit vượt từ 1,3 đến 1,55 lần; COD vượt 10,6 lần; DO thấp hơn mức quy định từ 1,04 đến 1,6 lần.
Cá nuôi lồng trên sông Lạch Bạng chết hàng loạt được người dân vớt lên bờ. Ảnh: TL. |
Ngày 7/5, tại 2 vị trí lấy mẫu vượt quy chuẩn cho phép cụ thể: Chỉ tiêu Amoni vượt từ 4,2 đến 16,8 lần; các chỉ tiêu còn lại đạt quy chuẩn cho phép.
Từ các cơ sở trên, nhà chức trách xác định nguyên nhân ban đầu khiến cá nuôi lồng trên cửa biển Lạch Bảng chết là do thiếu ôxy trong nước cục bộ ở các lồng nuôi; do tác động của chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở, doanh nghiệp và các hộ gia đình chế biến thủy hải sản trên địa bàn các xã Hải Thanh, Hải Bình (huyện Tĩnh Gia). Một nguyên nhân khác là do hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng cá Lạch Bạng.
Cơ quan chức năng cũng cho rằng, khu vực xảy ra tình trạng cá chết là nơi neo đậu tàu thuyền, việc nuôi cá lồng là tự phát.
Vào tháng 7/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản về việc di chuyển các lồng cá đến khu vực quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão.
Khu vực sông Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) - nơi xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt. Ảnh: Google Maps |
Thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo quyết liệt để di dời toàn bộ số lồng bè nuôi cá của bà con ngư dân 2 xã Hải Thanh và Hải Bình (huyện Tĩnh Gia).
Trước đó, khoảng 7h sáng ngày 5/5, một số hộ nuôi cá lồng trên âu thuyền sông Lạch Bạng cho cá ăn. Một giờ sau, họ phát hiện có hiện tượng thiếu ôxy và cá bắt đầu chết hàng loạt. Đến 10h cùng ngày thì hiện tượng cá chết dừng.
Theo thống kê, trong khu vực âu thuyền có 20 hộ nuôi cá lồng nhưng chỉ có 4 hộ nuôi cá chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Người dân sau đó cho rằng nguyên nhân cá chết bắt nguồn từ việc một nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột tại cảng cá Lạch Bạng xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước.