Đến tham dự vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar, đội tuyển Hà Lan được lãnh đạo bởi trung vệ đội trưởng Virgil van Dijk, người đang chơi cho câu lạc bộ Liverpool. Trong khi đó, phần lớn phương án chiến thuật của đội tuyển này đến từ trợ lý huấn luyện viên Edgar Davids, người từng chơi cho câu lạc bộ Ajax Amsterdam, Juventus, Barcelona và cả 2 câu lạc bộ thành Milan.
Theo Athletic, tổng cộng bộ đôi này có hơn 120 lần khoác áo đội tuyển quốc gia Hà Lan. Tuy nhiên, nếu lịch sử diễn ra khác đi một chút, van Dijk, Davids và nhiều cầu thủ nổi tiếng trên thế giới có thể đã đại diện cho một quốc gia khác.
Trong tình huống này, 2 cầu thủ trên cùng với các đồng đội tại tuyển Hà Lan là hậu vệ phải Denzel Dumfries, tiền vệ cánh Steven Bergwijn và hậu vệ đội tuyển Mỹ Sergino Dest sẽ cùng đại diện cho một đội tuyển khác.
Những cầu thủ này đều có nguồn gốc từ Suriname, một quốc gia với 600.000 dân tại vùng ven biển phía tây bắc của khu vực Nam Mỹ, nằm giữa lãnh thổ Guiana của Pháp và Guyana.
Suriname có một lịch sử phức tạp bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dân, tiêu biểu nhất là bởi sự thống trị của Hà Lan, trước khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1975.
Thời gian bay từ thủ đô Amsterdam tới thủ đô Paramaribo của Suriname là 9 tiếng với quãng đường di chuyển là gần 8.000 km. Tuy nhiên, trong bóng đá, các cầu thủ có nguồn gốc từ quốc gia Nam Mỹ đã có những đóng góp quan trọng trong những thành công của bóng đá Hà Lan.
Vùng đất sản sinh những cầu thủ bóng đá vĩ đại
Những cái tên nổi bật nhất trong số những cầu thủ có nguồn gốc từ Suriname là Ruud Gullit và Frank Rijkaard, những ngôi sao lớn nhất trong đội hình giành chức vô địch châu Âu năm 1988 của đội tuyển Hà Lan.
Trong khi đó, những cầu thủ như Davids, Rijkaard, Michael Reiziger, Winston Bogarde, Clarence Seedorf và Patrick Kluivert đã có đóng góp lớn trong chức vô địch châu Âu năm 1995 của câu lạc bộ Ajax Amsterdam. Sau khi cùng câu lạc bộ Liverpool vô địch Champions League vào năm 2019, tiền vệ Georginio Wijnaldum đã ăn mừng với một lá cờ được ghép cả 2 quốc kỳ của Hà Lan và Suriname.
Ngoài Hà Lan, rất nhiều cầu thủ bóng đá tài năng xuất thân từ Suriname. Nhưng điều kỳ lạ nhất chính là việc quốc gia này chưa từng tham dự một kỳ World Cup. Thậm chí quốc gia Nam Mỹ này chưa thể tổ chức một giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước.
Tiền vệ Georginio Wijnaldum sau khi giành chức vô địch Champions League năm 2019 đã khoác một lá cờ ghép giữa Hà Lan và Suriname. Ảnh: Football is my aesthetic. |
Vào năm 2026, vòng chung kết World Cup sẽ được tổ chức tại 3 quốc gia Mỹ, Mexico và Canada thuộc Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và vùng Caribe (CONCACAF). Suriname thường cạnh tranh với các quốc gia thuộc CONCACAF nhằm lấy một suất tham dự vòng chung kết World Cup.
Tuy nhiên, việc 3 quốc gia trong khu vực này là chủ nhà và vòng chung kết World Cup 2026 sẽ có 48 đội tham dự, Suriname sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều để giành quyền góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.
Suriname không vượt qua vòng loại đầu tiên trong chiến dịch giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar. Tuy nhiên, quốc gia này hy vọng cơ hội sẽ mở ra trong vòng chung kết World Cup tới.
"Năm 2026 sẽ là cơ hội lớn nhất của chúng tôi. Từ khi tôi còn bé, giấc mơ tham dự World Cup là khát vọng lớn nhất của cộng đồng bóng đá tại Suriname trong hàng thập kỷ. Mọi người đều đồng ý rằng chúng tôi phải tham dự đấu trường này", John Krishnadath, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Suriname cho biết.
Rời đất nước để có cuộc sống tốt hơn
Vào buổi tối bên ngoài một khách sạn nhỏ ở thủ đô Paramaribo, Henry Seedorf đang nhớ lại những kỷ niệm vào năm 1975, thời điểm Suriname giành được độc lập từ tay Hà Lan. Henry là chú của Clarence Seedorf, một trong những tiền vệ tài năng nhất trong lịch sử bóng đá.
Seedorf đã giành chức vô địch Champions League với 3 câu lạc bộ khác nhau là Ajax Amsterdam, Real Maldrid và AC Milan. Ông cũng có 87 lần khoác áo tuyển Hà Lan trong khoảng thời gian 1994-2008.
Đội hình các cầu thủ nổi tiếng của bóng đá thế giới có nguồn gốc từ Suriname. Ảnh: Athletic. |
Seedorf được sinh ra tại Suriname một năm sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Hà Lan. Ông Henry, một sĩ quan cấp cao trong lực lượng cảnh sát Suriname nhớ lại việc cha của Seedorf đã rời khỏi Suriname để đi tìm một cuộc sống tốt hơn tại Hà Lan.
Theo ông Henry, ở thời điểm bấy giờ tại thủ đô Paramaribo, tình trạng căng thẳng giữa các cộng đồng vẫn còn cao, cùng với nền kinh tế kém phát triển đã khiến hàng trăm nghìn người rời khỏi quốc gia Nam Mỹ.
Theo Henry, cháu của ông, người thường được gia đình gọi là " Clarence nhỏ bé", đã ở chung nhà với ông cho đến khi 2 tuổi. Ở thời điểm đó, Clarence đã theo chân mẹ chuyển đến Hà Lan để ở cùng với cha.
Seedorf sau đó đã trở thành một trong những tiền vệ vĩ đại nhất của bóng đá thế giới trong những năm 1990. Tuy nhiên, giống như nhiều cầu thủ khác đã chuyển đến Hà Lan, luật pháp tại đây đã cấm Seedorf thi đấu cho đội tuyển quốc gia nơi ông sinh ra.
Cùng hoàn cảnh với Seedorf là một số cầu thủ nổi tiếng khác như Rijkaard, người có cha từng chơi cho đội tuyển quốc gia Suriname và Gullit, người có cha làm việc trong Liên đoàn Bóng đá Suriname.
Henry tin rằng cháu trai của ông sẽ đồng ý nếu được trao cơ hội khoác áo đội tuyển bóng đá Suriname. "Rất khó để đưa ra một câu trả lời chắc chắn. Tuy tôi chưa từng hỏi Seedorf, nhưng tôi tin rằng cháu trai mình sẽ chọn khoác áo đội tuyển Suriname" ông Henry cho biết.
Quá trình hòa nhập khó khăn
Các cầu thủ có nguồn gốc từ Suriname trong giai đoạn đầu đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hòa nhập tại đội tuyển quốc gia Hà Lan. Theo Athletic, họ phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc từ một số huấn luyện viên, trong số này bao gồm Thijs Libregts.
"Trong bóng đá, chúng ta có những cầu thủ da đen, những cầu thủ cao, thấp và những người phải đeo kính. Đội khi huấn luyện tôi sẽ nói những điều như 'Đen, đá quả bóng đi hay Đen phải chạy nhiều hơn vì anh ta hơn lười'. Báo chí đã dùng những câu nói trên để cáo buộc tôi có hành vi phân biệt chủng tộc", huấn luyện viên Libregts trả lời tạp chí Prospect vào năm 1996.
Trong vòng chung kết Euro năm 1996, Davids đã bị đuổi khỏi đội tuyển quốc gia do có xung đột với huấn luyện viên trưởng Guus Hiddink. Trong khi đó, Kluivert từng nói rằng ông cảm thấy thoải mái hơn nếu được chơi trong đội tuyển quốc gia Suriname.
Henry cho biết những cầu thủ này khi chơi trong đội tuyển quốc gia Hà Lan vào những năm 1990 thường được gọi là ""nhóm Suriname".
Tiền đạo nổi tiếng Patrick Kluivert từng cho biết ông cảm thấy thoải mái hơn nếu được chơi cho đội tuyển quốc gia Suriname thay vì đội tuyển Hà Lan. Ảnh: AP. |
Ngay cả khi không thể đại diện cho Suriname, những cầu thủ nổi tiếng như Seedorf, Kluivert và Davids vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê hương khi thường xuyên về thăm quốc gia Nam Mỹ trong các dịp lễ và đôi khi còn xuất hiện trong các trận bóng đá gây quỹ cho các khu vực kém phát triển tại Suriname.
Nỗ lực phát triển bóng đá tại Suriname
Trong những năm gần đây, các cầu thủ bóng đá Hà Lan có gốc Suriname đã có thể đại diện cho quốc gia Nam Mỹ thông qua một loại hộ chiếu đặc biệt. Điều này giúp cho Suriname có thể mở rộng danh sách cầu thủ tiềm năng cho đội tuyển quốc gia của nước này.
Tuy Liên đoàn Bóng đá Suriname phải đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế còn kém phát triển tại quốc gia Nam Mỹ, cơ quan này đã lên kế hoạch tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên tại Suriname với sự tham gia của 6 đội bóng.
Tiền vệ Clarence Seedorf đã theo mẹ chuyển đến Hà Lan từ Suriname khi ông mới 2 tuổi. Ảnh: AP. |
Theo ông Krishnadath, Liên đoàn Bóng đá Suriname sẽ chịu trách nhiệm cho chi phí an ninh, công tác hậu cần cũng như trả lương cho trọng tài trong mùa giải đầu tiên. Tuy gặp nhiều khó khăn, cơ quan này cũng đang nỗ lực thuyết phục các câu lạc bộ bóng đá không chuyên tại Suriname tham gia giải đấu.
Tuy đang cố gắng phát triển giải đấu chuyên nghiệp nội địa, Liên đoàn Bóng đá Suriname vẫn khuyến khích các cầu thủ trên 18 tuổi tài năng nhất của nước này chuyển đến thi đấu tại châu Âu hoặc Mỹ, nơi tài năng của họ sẽ được phát triển một cách bài bản.
Với việc luật pháp tại Hà Lan có sự thay đổi, chính quyền Suriname đã làm việc với một hãng tư vấn nhằm tìm kiếm và chiêu mộ các cầu thủ bóng đá tài năng có nguồn gốc từ quốc gia Nam Mỹ này trên khắp Hà Lan.
Tuy nhiên, trong khi thế hệ cầu thủ nổi tiếng trong những năm 1990 muốn được chơi cho đội tuyển quốc gia Suriname, các quan chức bóng đá tại đây hiểu rằng thế hệ cầu thủ hiện tại sẽ có lựa chọn khác.
"Chúng tôi hiểu rằng với rất nhiều cầu thủ, việc được chơi cho đội tuyển Hà Lan sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nhiều so với việc đại diện cho Suriname", ông Krishnadath nhận định.
Chính vì vậy, Suriname tập trung chủ yếu vào việc chiêu mộ các cầu thủ không có nhiều cơ hội được triệu tập lên đội tuyển quốc gia Hà Lan. Những cầu thủ trên được kỳ vọng có thể giúp cho đội tuyển Suriname, dưới sự huấn luyện của cựu tuyển thủ quốc gia Hà Lan Aron Winter thi đấu tốt hơn ở các giải đấu quốc tế.