Các nhà hoạt động công đoàn Pháp đã cắt điện gần 100.000 ngôi nhà hoặc văn phòng. Nhân viên tháp Eiffel nghỉ làm. Ngay cả những người làm việc ở Paris cũng tham gia vào các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp hôm 17/12, bày tỏ sự giận dữ trước việc chính phủ dự định tăng tuổi nghỉ hưu lên 64.
Bất chấp 13 ngày tàu hỏa và tàu điện ngầm tê liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ của ông vẫn tỏ ra kiên định. Thủ tướng đã tuyên bố quyết tâm cải cách hệ thống lương hưu mà các công đoàn tôn vinh như "hình mẫu cho phần còn lại của thế giới", nhưng cũng là hệ thống mà chính phủ cho là không công bằng và trước sau sẽ trở thành gánh nợ.
Người biểu tình ở Lyon, miền Trung nước Pháp, hôm 17/12. Ảnh: AP. |
Biểu tình trên toàn quốc
Thắp sáng đuốc và diễu hành bên dưới những lá cờ công đoàn nhiều màu sắc, hàng nghìn công nhân đã gây náo loạn các thành phố của Pháp từ Brittany bên bờ Đại Tây Dương đến Pyrenees ở phía nam.
Nhân viên bệnh viện mặc đồ y tế, nhân viên Air France mặc đồng phục, luật sư mặc áo choàng dài màu đen - mọi thành phần trong lực lượng lao động Pháp đã tham gia vào các cuộc đình công và biểu tình với số lượng người lớn hơn so với cuộc tuần hành cuối tuần trước.
Cải cách hưu trí chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân khiến họ tức giận với ông Macron, một chính trị gia trung dung thân thiện với doanh nghiệp mà họ lo sợ đang phá hủy nước hệ thống phúc lợi đắt đỏ nhưng thường xuyên bị ghen tị của Pháp.
Người lao động từ hiệp hội cánh tả CGT hôm 17/12 đã thực hiện cái mà họ gọi là cắt điện "có mục tiêu" đối với mạng lưới điện quanh Lyon và Bordeaux để kêu gọi sự chú ý đến nỗi bất bình cũng như sức mạnh của họ.
Một số nước châu Âu đã tăng tuổi nghỉ hưu hoặc cắt giảm lương hưu trong những năm gần đây để theo kịp với tuổi thọ trung bình đang gia tăng trong khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Ông Macron cho rằng Pháp cần phải làm tương tự.
Khách du lịch đã hủy kế hoạch và người làm việc ở Paris nhưng sống ở ngoại ô phải mất hàng giờ để đến chỗ làm hôm 17/12, vì đội ngũ lái tàu vẫn tiếp tục đình công. Họ phản đối những đề xuất thay đổi hệ thống đã cho phép họ và những người lao động khác được nghỉ hưu ở tuổi 50 theo chế độ lương hưu đặc biệt.
Biểu tình ở Paris hôm 17/12. Ảnh: AP. |
"Đài tưởng niệm đóng cửa" là dòng chữ viết trong tấm biển được treo trên bức tường kính bao quanh chân tháp Eiffel, nơi đã đóng cửa lần thứ hai kể từ khi cuộc đình công diễn ra. "Bắt đầu hôm 5/12, đây là một trong những cuộc đình công kéo dài nhiều ngày nhất tại Pháp trong những năm qua.
"Việc này khiến chúng tôi rất khó chịu", du khách Nam Phi Victor Hellberg nói, nhìn lên công trình biểu tượng ra đời từ thế kỷ 19. "Tôi đã quyết định ở đây một ngày. Đời là thế mà".
Victor Garcia, đến từ Barcelona, cho biết anh đã từng biểu tình ở nhà nhưng thừa nhận việc không được leo lên tháp Eiffel "khá gây thất vọng".
"Họ nên mở mắt ra mà nhìn"
Cảnh sát ở Paris đã rào chắn Điện Elysee, nơi ở của tổng thống Pháp, chuẩn bị đối phó với tình trạng bạo lực do phong trào "áo khoác vàng" hoặc những người biểu tình cực đoan khác gây ra.
Trên khắp thủ đô của Pháp, các nhà lãnh đạo công đoàn yêu cầu ông Macron hủy bỏ cải cách hưu trí.
"Họ nên mở mắt ra mà nhìn", ông Philippe Martinez, người đứng đầu hiệp hội CGT, nói khi cuộc tuần hành ở Paris bắt đầu.
Một người biểu tình ở Lille, miền Bắc Pháp, mang mặt nạ hình Tổng thống Macron hôm 17/12. Ảnh: AP. |
Với sự theo dõi chặt chẽ của cảnh sát chống bạo động, người biểu tình mang theo những tấm biển có nội dung hài hước và mặc trang phục đầy màu sắc diễu hành qua quảng trường Bastille lịch sử. Trên các bậc thang của nhà hát nhìn ra tượng đài, người lao động đã hát những bài hát nổi tiếng và chơi nhạc cụ.
Bernard Buffet, một người sửa quần áo, năm nay 63 tuổi và nghỉ hưu hồi tháng 4 sau 35 năm làm việc tại đoàn kịch Bastille. Ông đi biểu tình để thể hiện sự đoàn kết với các đồng nghiệp trẻ hơn.
"Chính phủ bị mắc kẹt trong cuộc cải cách. Họ rất ngạo mạn", ông nói.
Thủ tướng Edouard Philippe đã xác nhận cuộc đàm phán mới với các hiệp hội của người lao động bắt đầu từ ngày 18/12, nhưng không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào rằng ông sẽ bỏ cuộc.
"Sự phản đối dân chủ, sự phản đối của các công đoàn là hoàn toàn hợp pháp", ông nói với các nhà lập pháp. "Tuy nhiên, chúng tôi đã vạch ra kế hoạch một cách rõ ràng. Và trong kế hoạch này, tạo ra một hệ thống hưu trí phổ quát, quyết tâm của tôi đang ở mức cao nhất".
Ông cũng bày tỏ sự cảm kích đối với "những người Pháp đi làm dù gặp khó khăn".
Ngoài những rắc rối về giao thông, nhiều trường học phải đóng cửa và các kỳ thi bị hủy hôm 17/12 khi giáo viên tham gia cuộc đình công.
Hành khách chen lấn trên những chuyến tàu đông đúc ở Paris hôm 17/12. Ảnh: AP. |
Các bệnh viện đã trưng dụng nhân sự để đảm bảo các dịch vụ quan trọng hôm 17/12, khi các y tá, bác sĩ và dược sĩ đã đình công để cứu hệ thống bệnh viện công một thời vang danh nay đang rất chật vật sau nhiều năm cắt giảm chi phí.
Cuộc biểu tình hôm 17/12 đã tăng áp lực lên ông Macron. "Kiến trúc sư" chủ chốt đứng sau cuộc cải cách lương hưu của ông đã phải từ chức hôm thứ 16/12 trước những cáo buộc về xung đột lợi ích.
Các công đoàn lo ngại người lao động sẽ phải làm việc lâu hơn với lương hưu thấp hơn, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ít nhất một nửa số người Pháp vẫn ủng hộ cuộc đình công. Các công đoàn tại cơ quan đường sắt SNCF muốn tiếp tục cuộc đình công trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh.
Trong khi những người đi tàu điện ngầm ở Paris mất dần kiên nhẫn vì phải chen lấn trên những chuyến tàu ít ỏi, cuộc đình công vẫn chưa đủ để khiến một số du khách đến Kinh đô Ánh sáng cảm thấy sợ hãi.
Du khách Tây Ban Nha Lydia Marcos, khi phát hiện tháp Eiffel bị đóng cửa đột ngột, đã nhún vai và nói "đây là cái cớ để đến đây vào năm khác".