Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước nhiễm độc ở Hà Nội lên báo nước ngoài

Tình trạng khai thác quá mức trên diện rộng khiến thạch tín ngấm vào tầng nước ngầm an toàn ở Hà Nội, nhưng mối họa này phát triển chậm và thủ đô vẫn còn khá nhiều thời gian để đối phó.

Nature đưa tin Alexander van Green, một giáo sư địa hóa học của Trạm Quan sát trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia tại Mỹ, cùng nhiều chuyên gia thủy học đã lấy mẫu nước ngầm ở nhiều vị trí xung quanh làng Vạn Phúc - nơi nằm cách sông Hồng khoảng 10 km và nằm ở phía đông nam Hà Nội - để phân tích.

Mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm ra nguyên nhân khiến nước trong những giếng có độ sâu khoảng 40 m chứa thạch tín (arsen) với hàm lượng rất cao.

Ảnh minh họa: wordpress.com.

Kết quả cho thấy những mẫu nước ở phía tây làng Vạn Phúc có nồng độ thạch tín dưới 10 microgram/lít - nghĩa là thấp hơn so với ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, nồng độ thạch tín trong nước ở các giếng phía tây lại cao hơn ngưỡng an toàn của WHO từ 10 tới 50 lần.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng hai tầng nước ngầm tồn tại ở làng Vạn Phúc. Một tầng nằm trong lớp trầm tích đã hình thành từ 5.000 năm trước. Nước trong tầng này có nồng độ thạch tín cao. Tầng nước ngầm kia nằm ở vị trí sâu hơn và thuộc lớp trầm tích cổ hơn rất nhiều (niên đại lên tới 12.000 năm). Vì thế mà trước đây nước trong lớp trầm tích đó không nhiễm thạch tín.

Nạn bơm nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội khiến lượng nước trong tầng nước ngầm bên dưới giảm mạnh. Do đó, nước từ lớp trầm tích phía trên và từ sông Hồng đã chảy xuống lớp trầm tích phía dưới để bù đắp, mang theo cả thạch tín.

Với những công nghệ xác định thời gian dựa vào các đồng vị heli và hydro trong các mẫu nước ngầm, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong vòng 40 tới 60 năm qua, nước trong tầng nước ngầm phía trên đã di chuyển khoảng 2.000 m vào những khu vực khác. Song quá trình xâm nhập tầng nước ngầm bên dưới của nó diễn ra chậm hơn từ 16 tới 20 lần.

Rất có thể một tương tác hóa học nào đó giữa nước từ tầng nước ngầm phía trên và lớp trầm tích phía dưới đã làm giảm tốc độ xâm nhập của nước nhiễm thạch tín xuống lớp trầm tích phía dưới. Vì thế, nước nhiễm thạch tín mới xâm nhập khoảng 120 m vào tầng nước ngầm an toàn.

"Nó không di chuyển nhanh như chúng tôi từng nghĩ", van Green bình luận.

Các chuyên gia nói rằng hiện tượng thạch tín ngấm vào nước ngầm cũng là mối họa ở nhiều vùng khác - nơi thạch tín nằm rất gần các nguồn nước bị khai thác quá mức.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể chứng minh rằng nước ngầm sạch có thể nhiễm chất độc hại. Khối lượng nước mà con người hút lên thực sự là nhân tố quan trọng nhất. Thạch tín đang di chuyển trong lòng đất", van Green phát biểu.

Những người sử dụng nước máy ở Hà Nội không đối mặt với bất kỳ nguy cơ nào về sức khỏe, bởi các nhà máy đã lọc nước, nhóm nghiên cứu khẳng định. Ngoài ra họ nói thêm rằng Hà Nội còn nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để giải quyết vấn đề. Song những người lấy nước trực tiếp từ những giếng nhiễm thạch tín sẽ đối mặt với nguy cơ lớn hơn.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm