Khi hàng triệu người Mỹ sắp bước vào một mùa hè không khẩu trang, lệnh phong tỏa vẫn còn tiếp diễn bên trong căn hộ của Mandy Lin tại khu phố người Hoa thuộc thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania).
Con trai 9 tuổi của Lin đang chật vật nghe giảng qua laptop, trong khi nhiều bạn học của cậu bé đã trở lại trường. Bà cậu bé ở trong nhà cả ngày. Đến giờ tập thể dục, cả gia đình tản bộ trong bãi đỗ xe của khu căn hộ hoặc đến một công viên gần đó.
Thứ ngăn cản gia đình Lin trở lại với thế giới náo nhiệt bên ngoài không phải là Covid-19.
“Ở ngoài không an toàn”, Lin, 43 tuổi, nói. “Tình trạng bạo lực và quấy rối diễn ra không ngớt”.
Gia đình chị Lin là một trong nhiều gia đình người Mỹ gốc Á vẫn còn ám ảnh về sự bùng nổ bạo lực bài Á trong đại dịch. Cũng vì thế, cuộc đua mở cửa trở lại của nước Mỹ đang làm dấy lên làn sóng lo ngại mới với người Mỹ gốc Á: liệu họ có bị tấn công khi lên xe bus hoặc mua cà phê hay không?
Một số người vẫn tránh xa tàu điện ngầm, phương tiện công cộng, và quán ăn. Số khác lo sợ sự trở lại của những chuyến công tác và sự kết thúc của chế độ làm việc từ xa.
Mandy Lin hạn chế ra ngoài vì sợ những vụ tấn công bài Á. Ảnh: New York Times. |
Tâm lý lo sợ luôn thường trực
Stop AAPI Hate, liên minh các tổ chức cộng đồng và học thuật, ghi nhận hơn 6.600 vụ tấn công và những hành động khác nhắm vào người Mỹ gốc Á và người dân quần đảo Thái Bình Dương sống tại Mỹ trong tháng 3/2020-3/2021.
Kết quả một khảo sát vào mùa xuân năm nay cho thấy 30% người Mỹ gốc Á lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của tội phạm thù hận. Theo khảo sát do chính phủ liên bang thực hiện, gần 60% học sinh lớp 4 da trắng đã quay trở lại trường, trong khi con số này ở học sinh gốc Á chỉ là 18%.
Người Mỹ gốc Á hy vọng những mối đe dọa sẽ giảm bớt khi ngày càng có nhiều người tiêm chủng và đại dịch dần biến mất. Nhưng rất nhiều người trong số ấy có chung một nỗi lo: không có vaccine nào chữa được sự thù hận.
“Thứ tâm lý ấy cắm rễ rất sâu”, Lily Zhu, 30 tuổi, một người làm công nghệ tại thành phố Pflugerville, bang Texa, cho biết. “Những mũi tiêm vaccine Covid-19 sẽ đánh dấu sự kết thúc của cái năm quái quỷ này... nhưng nỗi hoang tưởng vẫn ở đó”.
Dù tiêm chủng đủ liều, chị Zhu nói không còn đi buýt và cũng không biết còn dám một mình ngồi bus nữa không. Chị cũng cảm thấy an tâm hơn khi mua sắm ở những siêu thị bán đồ châu Á như H Mart hoặc 99 Ranch Market tại thành phố Austin, Texas.
Tại Philadelphia, chị Lin rụng rời khi điện thoại nhận tin về những hành động bạo lực và những lời chửi rủa nhắm vào người Mỹ gốc Á: Một người phụ nữ mang thai bị đấm vào mặt, một cụ ông 64 tuổi bị tấn công cách không xa so với nhà chị Lin, một cô gái 27 tuổi bị vô cớ đập vào đầu.
Philadelphia đã dỡ hạn chế đối với cơ sở kinh doanh và thông báo cho trường học mở cửa trở lại vào mùa thu năm sau. Nhưng gia đình chị Lin vẫn bám theo lịch trình đặt ra từ trước: Chị đi chợ gần nhà trong khu phố Tàu, chồng chị mua những thứ khác từ siêu thị ở chỗ làm. Mỗi ngày trong tuần, chị giúp con học trực tuyến.
Người biểu tình tụ tập tại New York sau khi 6 phụ nữ gốc Á bị bắn chết trong cuộc xả súng tại Atlanta. Ảnh: New York Times. |
Việc trường học mở cửa trở lại cũng trở thành nỗi lo ngại đặc biệt đối với những nhóm phụ huynh người Mỹ gốc Á. Họ lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra vào năm sau nếu con họ tiếp tục cảm thấy không được an toàn.
Bộ Giáo dục Mỹ gần đây đã ra hướng dẫn dành cho những gia đình có con đang phải chịu hành vi bắt nạt bài Á, đồng thời nhắc nhở trường học có nghĩa vụ xử lý hành vi quấy rối. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ với chị Lin.
“Tôi thật sự mâu thuẫn vì không biết nên làm gì để giúp đỡ con”, chị nói.
Anna Perng, người tổ chức sự kiện cộng đồng tại Philadelphia, cho biết đã phải chật vật thuyết phục các gia đình người Mỹ gốc Hoa tới dự triển lãm hoa hàng năm của thành phố vào cuối tuần trước.
Đây là sự kiện lớn được tổ chức tại nơi cách khu phố Hoa khá xa nên các gia đình vẫn cảm thấy lo lắng, chị Perng nói. Perng phải ưu đãi vé vào cửa và mở phòng chat trả lời các gia đình. Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất là nên làm gì nếu thấy bất an và cần mau chóng rời đi.
“Chúng ta sẽ phải rất nỗ lực để giúp những cộng đồng này cảm thấy an toàn”, Perng nói.
Một quy định giãn cách xã hội kiểu mới
Nhiều người cho biết đang cố tạo sự cân bằng để họ có thể cảm thấy an tâm khi xuất hiện ở nơi công cộng. Một lần tản bộ cũng có thể làm phát sinh nhiều câu hỏi: khẩu trang là lá chắn hay sẽ thu hút chú ý, đi tối hay sáng tốt hơn, khu vực đông người gốc Á an toàn hay dễ thành mục tiêu.
Nhiều người dân kêu gọi cảnh sát tăng cường đi tuần tra trong khu vực. Một số cộng đồng tự thành lập nhóm tuần tra khu vực của riêng họ.
Một số người Mỹ gốc Á bày tỏ sự vui mừng khi mới có luật liên bang nhằm tăng cường phản ứng của lực lượng chấp pháp trước tình trạng số vụ tấn công bài Á tăng gần 150%, chủ yếu nhắm vào phụ nữ và người lớn tuổi.
Nhưng nhiều người vẫn cảm thấy lo sợ. “Xã hội cởi mở hơn cũng đồng nghĩa với việc có nhiều mối đe dọa hơn”, Jeff Le, một đối tác chính trị tại viện chính sách Truman National Security Project (Mỹ), nhận định.
Cuộc sống của ông Le đa phần đã trở lại như trước đại dịch, nhưng ông vẫn thấy e dè khi đi máy bay. Nỗi sợ này xuất hiện sau một lần vào tháng 3/2020, khi ông Le bị một phụ nữ ở sân bay nhổ nước bọt và nói “Cút về xứ sở của mày đi”.
“Tôi chưa từng cảm thấy bất lực như thế… Nó khiến tôi thấy mình như căn bệnh ung thư hoặc thứ gì đó bị nhiễm phóng xạ”, ông Le cảm thán.
Cathie Lieu Yasuda dặn các con tránh khỏi tầm với của người lạ mỗi khi ra đường. Ảnh: New York Times. |
Tại thành phố Folsom, bang California, Cathie Lieu Yasuda cho biết cảm thấy an toàn khi đi lại trên phố nhưng vẫn còn quá rủi ro để đưa hai con nhỏ đi xem đấu bóng chày.
Mỗi khi ra ngoài, ba mẹ con chị Lieu Yasuda tuân thủ quy định giãn cách xã hội kiểu mới: cách xa người khác một sải tay để tránh bị xô đẩy hoặc đấm, thay vì cách 2 m để ngăn chặn lây nhiễm.
“Vỉa hè đủ rộng để làm vậy. Chúng tôi không sợ hãi… Chúng tôi chỉ muốn an toàn”, Lieu Yasuda nói.
Sau khi tiêm ngừa vaccine, Augustine Tsui tiếp tục trở lại hành trình đi làm xa từ bang New Jersey tới công ty luật ở quận Manhattan, bang New York.
Nhưng sau nhiều năm ngồi buýt và tàu điện, anh Tsui lúc này lái ôtô đi làm dù phải trả tới 65 USD phí gửi xe. Đây là mức giá cần trả để giảm bớt nỗi lo lắng của gia đình anh. Anh Tsui còn đeo khẩu trang che mặt trên đường đi tới văn phòng.
“Thay vì tung những lời bình luận bài Á, người ta không biết rõ tôi là ai. Tôi có thể đi lại khắp nơi”, anh Tsui nói.