Tổng thống mãn nhiệm Obama từng được gọi là "Tổng thống thời mạng xã hội đầu tiên", khi hình ảnh của ông luôn long lanh, thân thiện, hài hước trên Twitter, Facebook, Instagram hay bất cứ kênh truyền thông xã hội nào so với các đời tổng thống trước đó. Điều này vừa đúng, vừa sai.
Về cơ bản, ông Obama là tổng thống đầu tiên dùng mạng xã hội. Nhưng mặt khác, cũng chẳng có vị tổng thống nào trước đó có cơ hội dùng đến những công cụ này bởi chúng chưa ra đời. Nếu không phải ông Obama, bất cứ ai đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đều có thể trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên dùng mạng xã hội.
Ông Obama là "tổng thống mạng xã hội" đầu tiên của Mỹ. Ảnh: The White House. |
Nhưng điều này cũng không có nghĩa ai là tổng thống cũng đều để lại ấn tượng tốt đẹp trên mạng xã hội như ông Obama. Lấy ví dụ với ông John F. Kennedy, vốn được cho là "tổng thống truyền hình đầu tiên", nhưng ông không phải là người đầu tiên xuất hiện trên TV. Hai đời tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Truman đều đã "lên sóng" trước đó.
Khi đó, John F. Kennedy được gọi là "tổng thống truyền hình" bởi ông quá nổi tiếng với màn tranh luận trên sóng quốc gia với Richard Nixon, cùng với đó là những những bài phỏng vấn độc quyền hoặc tường thuật các buổi họp, giúp dân Mỹ chỉ cần xem TV là có thể hiểu được phần nào về tính cách, chân dung tổng thống. Từ đó, hình ảnh tổng thống trong mắt công chúng cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn.
Giống John F. Kennedy, Obama cũng là một người thể hiện rất tốt hình ảnh của mình, nhưng trên mạng xã hội thay vì TV. Trước khi trở thành tổng thống, ông Obama gắn mình với chiếc BlackBerry, hình ảnh mà dân Mỹ có thể gọi là "Nerd" hoặc "Geek" (những người quá mê công nghệ). Với tính cách ham công nghệ, ông Obama có khuynh hướng thúc đẩy chính quyền của ông quản lý công tác truyền thông, các dịch vụ công thông qua phương tiện kỹ thuật số.
Thế nhưng, ngay cả khi ông Obama đã làm rất tốt trên mạng xã hội, nước Mỹ có cần "tổng thống mạng xã hội"? Theo Ian Bogost của tờ The Atlantic, câu trả lời là không. Nước Mỹ cần tổng thống am hiểu công nghệ, nhưng áp dụng nó vào quản trị và pháp luật sẽ tốt hơn áp dụng vào truyền thông xã hội.
Tháng 10/2016, Nhà Trắng công bố kế hoạch "chuyển đổi kỹ thuật số" nhằm giúp ông Obama bàn giao lại các tài khoản mạng xã hội cho người kế nhiệm. Ông Donal Trump sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản Twitter @POTUS đang có hơn 11 triệu người theo dõi. Các nội dung đã đăng trước đó sẽ được chuyển về địa chỉ khác, và tổng thống tân cử sẽ cập nhật lại nội dung mới. Điều này cũng diễn ra tương tự trên các tài khoản Facebook, Instagram...
Trong những ngày cuối cùng của ông Obama, Nhà Trắng cũng công bố những kế hoạch "sáng tạo" giúp công chúng có thể truy cập và tải về bất cứ lúc nào những nội dung đã đăng trên mạng xã hội của tổng thống Mỹ.
Đó là ArchiveSocial (một nền tảng chuyên lưu trữ các bài đăng của Nhà Trắng), Rhizome (dự án chuyên xuất bản những bài luận kỹ thuật số nói về ảnh hưởng của văn hoá Internet đến cách quản trị của ông Obama, MIT Media Lab (công cụ phân tích những thông tin xung quanh các vấn đề mà Nhà Trắng đề cập đến trên mạng xã hội), GIPHY (công cụ tìm kiếm ảnh động, có sẵn trang riêng cho những bức ảnh về Obama và Nhà Trắng)....và hàng loạt trang trực tuyến khác.
Ian Bogost cho rằng ông Obama gần gũi với công chúng nhờ hình ảnh gắn mình với điện thoại, dùng Twitter hay Snapchat và điều đó cho họ thấy ông ấy cũng giống với phần lớn dân Mỹ. Nhưng nước Mỹ trong giai đoạn 2009 - 2017 của ông Obama thực sự cần công nghệ trong quản lý và nhiều vấn đề khác.
Những dự án mà Nhà Trắng công bố có vẻ "hợp thời", trong bối cảnh người người, nhà nhà sử dụng mạng xã hội. Thế nhưng, những sáng kiến này được cho là không nhiều ý nghĩa thực tiễn. Thử thách lớn nhất cho Donald Trump, tổng thống thứ 44 của Mỹ, là sử dụng công nghệ ra sao để Nhà Trắng hoạt động hiệu quả hơn, và xa hơn là "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", chứ không dừng lại ở việc tạo ra hình ảnh một tổng thống thân thiện trên Facebook hay Twitter.