Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước muối sinh lý 'cháy hàng' tại Hà Nội

Người dân tại Hà Nội đang gặp khó khi tìm mua các loại bổ phế. Thậm chí, nước muối sinh lý cũng trở thành mặt hàng hiếm.

Trong bối cảnh số người mắc Covid-19 tại Việt Nam đang liên tiếp tăng nhanh ở mức kỷ lục với khoảng 100.000 ca/ngày, nhu cầu tăng sức đề kháng, theo dõi, điều trị bệnh tại nhà của người dân cũng trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Từ đây, nhiều loại thuốc, thực phẩm bổ sung hỗ trợ quá trình phòng, chống dịch Covid-19 đang xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, khiến nhiều người gặp khó khăn khi tìm mua và tâm lý lo ngại, mua tích trữ.

Hết cả… nước muối

Tìm mua nước muối sinh lý tại một cơ sở bán lẻ thuốc trên đường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) để cùng gia đình sát khuẩn mũi, họng do lo ngại tình hình dịch bệnh, anh N.Q.T. (25 tuổi), đành lắc đầu ra về tay không.

“Chủ cửa hàng báo hiện họ không còn mặt hàng nước muối sinh lý đóng chai thông thường. Thay vào đó, tôi được gợi ý dùng loại viên hòa tan nhưng khá bất tiện”, anh T. chia sẻ.

Bên cạnh nước muối sinh lý, chủ hiệu thuốc này cũng cho biết các loại bổ phế, vitamin trong thời gian qua cũng rất đắt hàng, thậm chí không nhập đủ để cung cấp cho khách.

Người này nói: “Đợt này mọi người đều có nhu cầu tăng sức đề kháng. Chúng tôi khi nhập hàng cũng phải liên hệ tới 2-3 công ty để đặt mua. Tuy nhiên, các bên quen đều đã bán hết hàng. Chúng tôi đành phải cố gắng tìm thêm các hãng mới, đánh giá chất lượng, độ uy tín để nhập về”.

Cũng theo chủ hiệu thuốc, đến nay, cơ sở này đã gần hết cảm xuyên hương, Efferalgan. Bổ phế chỉ còn của một số hãng nhưng đa phần cũng đã hết. Trong khi tất cả đơn vị cung cấp nước muối sinh lý, cồn đã báo quá tải một tuần này và không nhận thêm đơn đặt hàng.

Rơi vào tình trạng tương tự nhưng may mắn hơn, chủ một cửa hàng thuốc trên đường Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội) cho hay vẫn còn các loại thuốc ho, bổ phế, nước muối sinh lý, cồn để bán cho khách. Tuy nhiên, số lượng không nhiều.

chay hang thuoc covid-19 anh 1

Người dân xếp hàng mua thuốc tại hiệu thuốc trên đường Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Quốc Toàn.

“Các sản phẩm này thời gian gần đây thường xuyên cháy hàng khi nhu cầu của người mua nhiều quá. Chúng tôi vẫn cố gắng bán giá bình thường, không tăng nhưng phải hạn chế số lượng. Ví dụ nước muối sinh lý chỉ bán cho mỗi người 2 chai vì nhập được ít”, ông tâm sự.

Theo quan sát tại cửa hàng này, dù quy mô không lớn, đã có liên tiếp 3 vị khách ghé vào chỉ trong vòng 5 phút buổi chiều. Tất cả đều tìm mua các loại thuốc ho, vitamin.

Ông L.V.L. (56 tuổi), chủ một hiệu thuốc trên đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng cho biết những ngày qua, tất cả loại thuốc, thực phẩm bổ sung hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 tại cửa hàng đều rơi vào tình trạng khan hiếm.

“Tốc độ và số lượng hàng nhập về không đủ để bán. Các loại thực phẩm bổ sung như kẽm, vitamin C, viên ngậm ho, đặc biệt là bổ phế, đều nhanh chóng hết hàng”, ông L. nói.

Yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ trang thiết bị y tế phòng dịch

Ngày 3/3 vừa qua, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các địa phương để khắc phục tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý.

Theo đó, các tỉnh, thành phố được yêu cầu chỉ đạo những đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chủ động hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như bình ổn giá.

Đồng thời, các địa phương phải tăng cường thanh tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Các cơ quan chức năng, quản lý thị trường cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán, bán đúng giá, tránh hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm để đầu cơ, găm hàng, mua gom hoặc tăng giá.

chay hang thuoc covid-19 anh 2

Xuyên tâm liên - một trong những mặt hàng bán chạy trong mùa dịch - được bán tại nhà thuốc ở đối diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Bạch Vân.

Trước đó, một khảo sát của Zing cũng ghi nhận tình trạng nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội khan hiếm các loại thuốc hạ sốt cũng như kit test nhanh giá rẻ. Các nhân viên bán hàng cho biết nhiều mặt hàng đã bán hết từ lâu, người mua ít còn sự lựa chọn.

Thậm chí, các loại thuốc dự phòng diễn biến nặng Covid-19, hạ sốt, tăng sức đề kháng, vitamin,… được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội bởi những người không phải là dược sĩ.

Trên nhóm hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam, ngay khi có bài đăng của người dân muốn tìm mua kháng sinh, hàng loạt tài khoản đã giới thiệu, rao bán Movinavir, Augmentin, Arbidol...

Nhiều tài khoản Facebook rao bán thuốc kháng sinh, phòng Covid-19, tăng sức đề kháng,... đều không phải là dược sĩ hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Song song với tình trạng này là hiện tượng gom hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19, trong khi chất lượng không được kiểm soát.

F0 nào nên dùng thuốc Molnupiravir?

Sau khi xem xét dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia của WHO khuyến cáo F0 có triệu chứng nhẹ nhưng nguy cơ nhập viện cao nên uống Molnupiravir.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm