Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắt trong câu chuyện cổ tích Việt trên đất châu Phi

Người dân mua điện thoại bằng 3 con gà, ở nhà không có tủ lạnh, muốn nộp tiền bán hàng vào nhà băng phải đi 300km bằng xe khách… Nhưng tất cả những điều đó đều sẽ chẳng là gì nếu có một người Việt ở bên để nói chuyện.

Chúng tôi đến Mapai (một tỉnh rất nghèo của Mozambique) khi trời đã khuya lắm. Xã này chưa có điện, lại vào đúng hôm không trăng, trời tối như bưng. Trung tâm kinh doanh của Mapai ngày mai sẽ chính thức hoạt động.

Quản lý trung tâm này là Lê Tiến Dũng, 29 tuổi, quê Phú Thọ. Cậu vừa chân ướt chân ráo sang đây được 2 tháng. Dáng người bé nhỏ nhưng địa bàn mà Dũng đang quản lý thì chẳng nhỏ chút nào, nó rộng khoảng 16.000 km2, gấp 4,5 lần tỉnh Phú Thọ, quê hương cậu, với gần 40 vạn nhân khẩu. Một mình cậu phải quản lý 12 nhân viên người Mozambique và 45 cộng tác viên trong đó có 1/3 là chủ tịch các xã.

Hôm chúng tôi xuống đến nơi, trung tâm còn có 2 người Việt Nam nữa. Hỏi ra mới biết, đó là hai thành viên của chi nhánh Gaza xuống hỗ trợ sửa lại trụ sở chuẩn bị để khai trương trung tâm. "Ở đây mà đợi thuê được người Mozambique làm thì không biết bao giờ mới xong em ạ, Chỉ có xây bịt 2 cái cửa sổ mà họ làm tới 2 tuần”, anh Hồ Văn Hào, Giám đốc Chi nhánh Gaza vừa lắc đầu vừa nói với tôi.

Lê Tiến Dũng và các đồng nghiệp Mozambique.Ở đất nước này, người dân nghèo đến nỗi một con lợn mua về thịt ra, trong dạ dày chỉ có cát.

Còn hai người Việt Nam, trong 3 ngày, với vật liệu là gỗ và giấy bồi đã ngăn được căn phòng ra làm 3, một phần để làm cửa hàng giao dịch, một phần để làm phòng họp, còn lại làm chỗ ngủ cho trưởng trung tâm. Anh Hào lại kể: "Ở đây chỉ có vật liệu này thôi, có muốn làm bằng thứ tốt hơn cũng không có. Vậy mà mấy ông chủ tịch xã tới đây thăm cứ khen tấm tắc mãi".

Trong lúc anh Hào nói chuyện thì Dũng, trưởng trung tâm đang bận bịu với việc kiểm đếm tiền hàng của cộng tác viên. Lúc ấy đã 20h30 phút và cậu vẫn chưa ăn gì. Nhìn mặt bàn bầy la liệt những đồng tiền nhàu nát và có mệnh giá nhỏ, tôi đoán người dân ở đây nghèo lắm.

Sau này thì anh Hào xác nhận, đây là một trong những huyện nghèo nhất của Gaza. Vị giám đốc chi nhánh còn kể, anh em mua một con lợn giết thịt, chọc tiết chẳng thấy kêu nổi một tiếng, mổ dạ dày ra thì chỉ toàn cát là cát. Người dân rất nghèo, nhiều người muốn mua máy điện thoại, không có tiền mặt, họ đem đổi bằng gà, bằng lợn. Muốn phát triển thuê bao, nhiều khi cũng phải chấp nhận đổi 1 cái máy điện thoại lấy 3 con gà rồi về rang tất cả lên ăn dần vì ở đây chưa có điện nên không thể dùng tủ lạnh. Có một mình Dũng mà ăn tới 3 con gà, chưa hết đợt này lại sang tới đợt khác. Chẳng thế mà tôi thấy cậu khá thờ ơ với món thịt gà nướng thơm phức mà anh em chi nhánh làm để thết đãi đoàn chúng tôi.

Khi thấy cậu cứ loanh quanh với chồng tiền, mãi chưa vào ăn tối, tôi hỏi: "Hôm nay bán được nhiều hàng không mà bận bịu thế em?". Dũng chỉ nói khẽ: “Hôm nay cũng bán được 60-70 triệu đồng gồm cả door to door, vừa cả điểm bán. Vào thứ 5 hàng tuần, có tầu dừng ở đây, bọn em bán được gấp đôi số ấy”. Tôi chúc mừng thì cậu lại bảo: “Em lo lắm, không bán được hàng lo đã đành, bán được hàng cũng lo. Vì ở đây nghèo quá nên chưa có ngân hàng, thu được tiền về mà không nộp được. Em cứ phải dồn lại, cất vào két sắt, cuối tuần mang về Chocwe, cách trung tâm khoảng 300km thì mới có ngân hàng để nộp. Điều kiện nhà cửa chưa được tốt, giữ nhiều tiền như thế này, nhiều đêm em không ngủ được”.

Tại Mozambique, Movitel là cái gì đó còn hơn cả viễn thông. Dù vất vả và muôn phần khó khăn, thiếu thốn, người mang viễn thông Việt đến với châu Phi vẫn không nản lòng.

Trước kia, Dũng phải bắt xe khách để lên Chocwe, vài tuần gần đây em mới được cấp một xe phục vụ ứng cứu thông tin nên cũng yên tâm hơn mỗi lần mang tiền đi xa như vậy. “Em mong đến cuối tuần lắm, vừa nộp được tiền cho đỡ lo, lại vừa được gặp anh em. Có những lúc căng thẳng quá, chỉ mong có một người Việt Nam ngồi cạnh mình, để có thể nói cho vơi bớt căng thẳng thôi”.

 

Cứ vào Chủ nhật tuần đầu tiên trong tháng, anh Hào lại tập trung anh em người Việt từ 12 trung tâm kinh doanh trên địa bàn mình quản lý để tổ chức liên hoan. Đó là thời điểm mà ai cũng mong mỏi.

 

Suốt 2 ngày công tác ở trung tâm huyện, tôi cũng không có nhiều thời gian nói chuyện với Dũng vì cả hai đều bận và dường như, cậu cũng là người ít nói. Tối hôm cuối cùng trước khi chia tay, chúng tôi quyết định giết lợn và nướng ăn ngoài trời, mừng thành công của buổi lễ khai trương. Những bài hát Việt Nam được cất lên giữa đất trời Châu Phi.

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu…

Và một bài ca gửi theo anh, vượt đồi vượt núi ra biển xanh

Rằng Hà Nội nhớ, Hà Nội thương

Những người con vững bước chân lên đường…

Quê tôi bao la bao la bát ngát, dòng sông uốn cong suốt quê tôi lượn vòng.

Quê tôi mênh mông, mênh mông lúa mới, cò bay lả lơi câu hát à í a.

Chiều chiều nhớ về chốn xa, một thời con nít còn chăn trâu.

Mặc dù tôi có ở nơi xứ người, tôi luôn khao khát hình bóng quê nhà.

Sáng sớm đi bắt cua đồng, đi thả diều, huýt sáo nô đùa bên đám bạn nơi lũy tre chơi trốn tìm.

Khói bếp cay mắt mẹ già bên bếp lò, cơm nấu xong rồi mấy đứa về ăn bữa cơm.

Dũng cứ ngồi yên, chẳng nói năng gì, đầu cúi gục xuống. Thấy không khí có vẻ tâm trạng, mọi người rủ nhau hát mấy bài khí thế hơn nhưng cứ được một lúc, những bài hát về quê hương, về mẹ, về người thương yêu lại được cất lên. Hình như, lời người hát đang nói giúp cho nỗi lòng của những người con xa xứ. Quê tôi bao la bao la bát ngát, dòng sông uốn cong suốt quê tôi lượn vòng. Quê tôi mênh mông mênh mông lúa mới, cò bay lả lơi câu hát à í a…

Dũng bỗng đứng dậy, cầm ly rượu xin phép được uống với từng thành viên trong đoàn. Cậu uống nhiều quá, hình như, không chỉ đơn thuần là ly rượu chia tay. Cậu đang uống để nuốt cho trôi nỗi nhớ nhà thì phải. Khi mọi người ngăn lại, Dũng chỉ biết nắm thật chắc ly rượu trong tay, không muốn ai giằng lấy mất, giọng nghèn nghẹn: “Cho em uống với các anh chị, ngày mai, mọi người đi hết, chỉ còn có em, chẳng biết uống với ai”. Nói đến đây thì Dũng không còn đủ sức ngăn dòng nước mắt của mình nữa. Cậu để mặc cho nó chảy chan chứa trên mặt, làm nhoè hết cả mắt kính. Đúng, ngày mai thôi, tất cả lại lên đường, để lại mình cậu giữa bao la đất trời Mapai.

Anh Thái Khang, phóng viên báo Bưu điện Việt Nam, người vừa phát hiện Dũng là đồng hương, thậm chí anh còn là bạn học của anh trai Dũng ôm vai động viên: "Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng, mạnh mẽ lên em, anh tự hào về em". Giải thích cho sự tự hào ấy, anh Khang kể về gia đình Dũng: cậu là con út trong một gia đình nghèo, vốn là người khá nhút nhát. Vậy mà hôm nay, gặp Dũng ở đây, một mình, tự lo toan cuộc sống, tự điều hành, chỉ huy công việc, tự đối phó với những khó khăn.

Dù có thể, những gì cậu trai Phú Thọ ấy làm chưa thực sự đạt đến mong muốn của lãnh đạo chi nhánh nhưng, với chính bản thân Dũng, anh Khang cho rằng, đã là một sự lớn lên vượt bậc. "Ở tuổi của em, đi xa gia đình, xa đất nước, một mình chèo chống, quản lý cả một vùng trời thế này, bố mẹ em chắc sẽ tự hào lắm", anh Thái Khang tiếp tục ôm vai Dũng và nói. Còn chúng tôi thì đùa, Dũng ở đây là "riêng một góc trời".

Nói thì nói vậy, nhưng cả đoàn chẳng ai có thể cầm lòng được trước sự trống trải mà Dũng sẽ phải đối mặt hàng đêm, khi mọi công việc đã hoàn tất, chỉ còn mình trong căn phòng đơn sơ, đèn điện tối om và nồi cơm thì đã nguội ngắt.

Tôi nhớ lại những chuyến công tác của mình những ngày Viettel mới khởi nghiệp. Nhớ có lần đi kéo cáp cùng mấy cậu kỹ thuật ở chi nhánh Phú Yên, giữa trời trưa nắng, muốn tìm mua chai nước suối cho anh em uống mà không thể tìm đâu ra. Nhớ có lần gặp cậu bé ở chi nhánh Siêm Riệp, cậu cũng nghẹn ngào kể với tôi chuyện ăn Tết một mình với 4 gói mỳ tôm và 4 lon bia. Tôi cũng chợt nhớ tới một kỷ niệm mà Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã kể trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày Viettel gia nhập thị trường viễn thông. Chính bản thân anh cũng không cầm lòng được trước ánh mắt lưu luyến, bâng khuâng, lo lắng, bơ vơ của Nguyễn Quang Sơn khi chia tay đoàn công tác và một mình ở lại mở mạng tại Tây Nguyên. Đến tận lúc anh kể câu chuyện này, anh nói mình vẫn chưa thể quên được ánh mắt ấy. Nó làm anh day dứt quá.

Tôi không được chứng kiến, và cũng không thể nhìn vào mắt Dũng vì ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn nạp bằng năng lượng mặt trời treo trên cao đã không đủ soi tỏ mặt người. Nhưng cái cảm xúc của đêm hôm ấy có lẽ cũng sẽ theo tôi mãi. Giọt nước mắt của người con trai mà tôi đã đưa tay lau trên má cho em sẽ còn nguyên vị mặn mòi trong ký ức tôi. Tôi cầu nguyện cho những hy sinh của em và rất nhiều người khác như em trên mảnh đất Mozambique này sẽ được đền đáp xứng đáng.

Ngày mai, tôi chia tay em để sang Nam Phi tham dự lễ trao giải của Frost and Sullivan dành cho Movitel. Giải thưởng cho những nỗ lực tuyệt vời của những người Movitel để khẳng định được mình trên mảnh đất châu Phi cằn cỗi và khốc liệt này. Ngày mai, tên của Movitel được xướng lên với toàn thể thế giới. Em và những người như em không có mặt. Em và những đồng đội của mình vẫn đang tiếp tục mải miết trên những con đường bụi mù đất đỏ kéo dài sợi dây thông tin cho bà con Mozmbique. Nhưng giải thưởng đó chắc chắn là của em, của những con người quả cảm. Sẽ có một ngày Movitel rạng danh trên mảnh đất châu Phi này như Viettel đã từng làm được ở Việt Nam vì có những con người đang hy sinh thầm lặng như em!

Mozambique ngày 14/8/2013

 

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm