Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắt rơi trong lễ tưởng niệm thảm họa kép Nhật Bản

Người thân của các nạn nhân vẫn chưa thể nguôi ngoai khi nhớ về thảm họa động đất và sóng thần 1 năm về trước, khiến 19.000 người chết và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong 1/4 thế kỷ trở lại đây.

Nước mắt rơi trong lễ tưởng niệm thảm họa kép Nhật Bản

Người thân của các nạn nhân vẫn chưa thể nguôi ngoai khi nhớ về thảm họa động đất và sóng thần 1 năm về trước, khiến 19.000 người chết và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong 1/4 thế kỷ trở lại đây.

>>Nhật Bản lặng lẽ tưởng niệm nạn nhân động đất sóng thần
>>Ngổn ngang nhà máy điện Fukushima 1 năm sau đại thảm họa
>>Nỗi đau mất vợ của thị trưởng thành phố thảm họa Nhật Bản

Một phụ nữ bật khóc trong lễ tưởng niệm nạn nhân động đất, sóng thần hôm nay tại Rikuzentakata, tỉnh Iwate.

Tại thị trấn Rikuzentakata bị tàn phá ở bờ biển phía Đông Bắc, một hồi còi vang lên lúc 2h46 chiều (giờ địa phương), cùng thời điểm trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra ngày 11/3/2011. Một nhà sư trong chiếc áo choàng màu tía rung chiếc chuông lớn tại ngôi đền hư hại, hướng ánh mắt buồn ra một khu vực hoang tàn, nơi từng có nhiều ngôi nhà ở đó. Cùng lúc đó, tại thị trấn ven biển Onagawa, người dân đứng trước biển, cùng nhau nắm chặt tay và lặng lẽ cầu nguyện.

Trong khi đó, tại lễ tưởng niệm ở nhà hát quốc gia Tokyo, Nhật hoàng Akihito (78 tuổi), Hoàng hậu Michiko và Thủ thướng Yoshihiko Noda cùng hàng trăm người khác mặc đồ đen yên lặng cầu nguyện cho các nạn nhân thảm họa kép. Ngay cả tại trung tâm mua sắm nhộn nhịp Shibuya ở Tokyo, người đi đường cũng dừng lại trong chốc lát và dành một phút mặc niệm trước khi tiếp tục rời đi.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Noda nhắc lại quá khứ từng trải qua nhiều thiên tai và khó khăn của người dân Nhật, đồng thời cam kết tái thiết lại đất nước và khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, để nước Nhật được tái sinh và trở nên tươi đẹp hơn.

Trận động đất ngày 11/3 năm ngoái được ghi nhận là mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và gây ra một cơn sóng thần cao hơn 20m tại một số nơi dọc theo bờ biển phía Đông Bắc, phá hủy hàng vạn ngôi nhà và tạo nên một sự hủy diệt trên diện rộng.

Sóng thần cũng làm hỏng hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, khiến lõi phản ứng hạt nhân tan chảy tại 3 lò phản ứng và làm rò rỉ phóng xạ ra không khí. Khoảng 100.000 người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi một khu vực rộng 20km xung quanh nhà máy này vẫn đang trong tình trạng bị cấm qua lại.

Trong bài phát biểu ngắn tại lễ tưởng niệm, Nhật hoàng Akihito bày tỏ sự lo ngại về khó khăn trong việc làm sạch vùng đất bị nhiễm xạ xung quanh nhà máy, để người dân có thể quay trở lại sinh sống.

Naomi Fujino (42 tuổi), một người dân Rikuzentakata đã mất cha trong trận sóng thần, bùi ngùi nhớ lại ngày 11/3 một năm trước. Cùng với mẹ mình, cô đã chạy thoát lên một ngọn đồi gần nhà, nơi họ nhìn thấy cơn sóng khủng khiếp cuốn trôi nhà mình. Họ chờ cả đêm, nhưng cha cô đã không bao giờ trở về như ông đã hứa. Hai tháng sau, thi thể ông mới được tìm thấy.

“Tôi muốn cứu người dân, nhưng tôi không thể. Tôi thậm chí còn không cứu được cha mình. Tôi không thể tiếp tục khóc. Tôi có thể làm gì bây giờ ngoài việc tiếp tục tiến lên”, Fujino chia sẻ.

Ở Rikuzentakata, Mika Hashikai (37 tuổi) mất cả bố lẫn mẹ trong cơn đại hồng thủy. Cô hôm nay đi thăm và để lại hoa tại ngôi nhà cũ của bạn bè cô và hàng xóm. Anh trai cô cũng mất vợ và con gái trong sóng thần.

“Tôi bây giờ chỉ cầu mong cho anh trai tôi được hạnh phúc, vì anh ấy đã mất mọi thứ và đang đơn độc. Có lẽ một ngày nào đó anh ấy có thể tái hôn và lại có con”, Hashikai cho hay.

Một phụ nữ đến thăm khu vực bị sóng thần tàn phá một năm về trước.

Khoảng 325.000 người mất nhà cửa vẫn đang sống tạm bợ. Trong khi phần lớn rác thải dọc theo bờ biển bị sóng thần tàn phá đã được tập trung thành những đống lớn, rất ít ngôi nhà mới được xây dựng lại. Ngoài công việc dọn dẹp đống rác khổng lồ, nhiều thị trấn đang hoàn thành kế hoạch tái thiết, một trong số đó là đưa người dân lên vùng đất cao và an toàn hơn. Đây là các kế hoạch đầy tham vọng nhưng cũng rất tốn kém.

Bên cạnh đó, những người biểu tình chống nhà máy điện hạt nhân tại một công viên trung tâm Tokyo cũng mặc niệm trong giây lát, trước khi diễu hành về trụ sở của công ty TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Sự phản đối của người dân với năng lượng nguyên tử đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Chính phủ Nhật Bản nói rằng, nhà máy điện Fukushima đã ổn định và bức xạ giảm xuống đáng kể, nhưng người đứng đầu nhà máy thừa nhận với các phóng viên đến thăm thời gian gần đây rằng, nó vẫn trong tình trạng mong manh.

Các rủi ro và thách thức lớn tại nhà máy Fukushima đang ở phía trước, trong đó có việc bố trí và loại bỏ nhiên liệu hạt nhân tan chảy từ trong các lò phản ứng và xử lý các thanh nhiên liệu đã sử dụng. Bên cạnh đó, việc vô hiệu hóa hoàn toàn nhà máy này có thể mất 40 năm.

Chính phủ Nhật Bản cam kết giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, vốn cung cấp 30% nhu cầu năng lượng quốc gia trước thời điểm xảy ra thảm thọa kép, nhưng nói rằng họ cần phải khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân trong thời kỳ chuyển tiếp.

Giới chức nói rằng, chưa có ai thiệt mạng vì nhiễm xạ, nhưng người dân lo lắng bức xạ có thể gây ra bệnh ung thư trong vài năm tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho hay, không có bằng chứng rõ ràng về nguy cơ ung thư gia tăng ở những cư dân Fukushima tiếp xúc với phóng xạ.

Thủ tướng Noda vừa thừa nhận thất bại của chính phủ trong việc phản ứng với thiên tai, khi cho rằng giới chức đã quá chậm chạp trong việc chuyển tiếp các thông tin quan trọng và quá tự tin vào sự an toàn của điện hạt nhân.

Bình An

Theo Infonet.vn

Bình An

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm