Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắm Phú Quốc 'khổ' vì Trung Quốc gom cá cơm

Thương nhân Trung Quốc thu mua cá cơm khiến các hộ sản xuất nước mắm ở Phú Quốc treo thùng hàng loạt, nghề cấp muối làm mắm cũng điêu đứng.

Nước mắm Phú Quốc 'khổ' vì Trung Quốc gom cá cơm

Thương nhân Trung Quốc thu mua cá cơm khiến các hộ sản xuất nước mắm ở Phú Quốc treo thùng hàng loạt, nghề cấp muối làm mắm cũng điêu đứng.

7h sáng, cảng An Thới (Phú Quốc) nườm nượp tàu ghe bốc dỡ hải sản cùng các loại hàng, nhưng chủ ghe Trương Quang Nhĩ lại thong thả bên tách trà trên mui. Anh trầm ngâm: “Hơn hai mươi năm bán muối ở Phú Quốc chưa bao giờ ế ẩm như vầy. Mấy mùa trước, 80 tấn muối tôi bán chậm nhất chỉ trong mười ngày là hết, vậy mà bây giờ đã hơn một tháng mà trên ghe vẫn còn tồn trên 30 tấn, chi phí đã thâm vô vốn”.

Hơn 20 ghe chuyên cung cấp muối cho nghề nước mắm ở Phú Quốc cũng trong tình trạng tương tự. Muối bán chậm, thậm chí không bán được là chỉ dấu rõ nhất cho thấy ngành sản xuất nước mắm ở đây đã bị đình trệ. hơn hai tháng nay các tàu đánh bắt cá cơm ở Phú Quốc chuyển qua bán cá tươi, còn gọi là 'cá lạnh' cho các đầu nậu chế biến để bán lại cho thương lái Trung Quốc nên không có nhu cầu sử dụng muối để ướp cá.

Nghề nước mắm truyền thống ở Phú Quốc điêu đứng vì thiếu hụt cá cơm nguyên liệu, giá cá cơm cũng tăng gấp đôi. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, chủ nhà thùng có công suất 800.000 lít/năm ở thị trấn An Thới cho biết, đến thời điểm này nhà thùng của ông mới đạt 60% công suất ở vụ cá năm nay. Ông Sỹ than: “Nếu tăng giá mua cũng không hy vọng đủ cá chượp vì đã cuối mùa”. Anh Trần Huy Quyền, nhà thùng có công suất khoảng 600.000 lít/năm ở thị trấn Dương Đông cho biết: “Mối lái thân quen lắm mới mua được cá cơm nguyên liệu”.

Thương nhân Trung Quốc thu mua cá cơm làm khó sản xuất nước mắm Phú Quốc

Huyện đảo Phú Quốc hiện có khoảng 100 nhà thùng nhưng đến thời điểm này, chỉ 60% nhà thùng đạt 70% công suất, số còn lại chỉ đạt từ 30 – 40% công suất. Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch hội Nước mắm Phú Quốc, sản xuất năm nay phải đối mặt với thời tiết bất lợi, ba tháng đầu vụ mưa bão bất thường, tàu đánh bắt cá chỉ hoạt động khoảng mười ngày/tháng. Ba tháng còn lại tháng 9, 10, 11 của mùa vụ nhà thùng hy vọng sẽ có đủ lượng cá, nhưng thương lái từ miền Trung và thương lái tại chỗ tranh mua 'cá lạnh' để luộc, phơi khô bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp đôi.

Bà Tịnh cho biết, ngày cao điểm, lượng 'cá lạnh' được thu gom 300 – 500 tấn/ngày. 'Cá lạnh' được thu gom chiếm 80% sản lượng cá cơm chất lượng tốt của Phú Quốc, đã tạo nên một cú sốc đối với nghề nước mắm truyền thống nơi đây.

Ngư dân Nguyễn Công Định ở cảng An Thới cho biết, trước đây, 10 tấn cá muối bán cho nhà thùng chỉ được 83 triệu đồng, nay 10 tấn 'cá lạnh' bán được 130 – 200 triệu đồng mà không phải mất 30% trọng lượng do bị hao nhót trong quá trình ướp muối, nên ngư dân ai cũng chuyển qua bán cá lạnh.

Đầu ra của nước mắm Phú Quốc lệ thuộc vào doanh nghiệp đóng chai tại TP.HCM và miền Tây Nam Bộ. Một nhà thùng ở Phú Quốc cho biết, ba năm nay doanh nghiệp đóng chai ấn định một mức giá mua vào đối với nước mắm xá là 320.000 đồng/20 lít 35 độ đạm và 395.000 đồng/20 lít 40 độ đạm mặc dù mọi chi phí sản xuất đều tăng, trong đó, giá muối tăng 120%.

Với mức giá lạc hậu như vậy nên khi giá cá cơm nguyên liệu tăng đột biến, nhà thùng không dám nâng giá thu mua cá cơm nguyên liệu do sợ sản xuất bị lỗ. Vì vậy, nhiều nhà thùng ít vốn ở Phú Quốc đã không thể có được nguồn nguyên liệu cho vụ tới, nên phải 'treo' thùng ngưng sản xuất. Theo hội Nước mắm Phú Quốc, đã có sáu doanh nghiệp nước mắm không cầm cự nổi phải bán thùng, chuyển sang ngành nghề khác do đang gặp khó khăn về nguyên liệu và giá bán sản phẩm.

Để giải cứu nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc trước cú sốc tăng giá nguyên liệu đầu vào, ông Huỳnh Ngọc Sỹ đề nghị cần được doanh nghiệp đóng chai chấp thuận mức tăng 20% trên bảng giá cũ. Bà Tịnh cũng cho rằng, tăng giá mua sản phẩm cũng là cách cứu nhà thùng bảo toàn vốn và vượt qua khó khăn.

Ông Sỹ phân tích thêm: “Bất hợp lý lớn nhất từ trước đến nay là người trực tiếp sản xuất ra nước mắm nhưng chưa bao giờ quyết định được giá bán sản phẩm của mình”, vì vậy theo ông Sỹ: “Hội Nước mắm cần có thêm một 'G10' để có tiếng nói nặng ký hơn, trách nhiệm hơn. Có đủ khả năng thương lượng, giúp các thành viên trong hội quyết định được giá nguyên liệu đầu vào và giá đầu ra sản phẩm”.

Hội Nước mắm Phú Quốc cũng đã kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, thu mua góp phần bình ổn giá..

Theo SGTT

Theo SGTT

Bạn có thể quan tâm