Những ngày giữa tháng 7, một số quốc gia phát triển ở Tây Âu trải qua đợt mưa lũ chết chóc nhất từng ghi nhận tại lục địa già, nhấn chìm nhiều xe cộ, làng mạc và thậm chí tính mạng của hơn 160 con người.
Ở Đông Âu, Moscow quay cuồng với nhiệt độ kỷ lục. Thủ đô của Nga trải qua một ngày mùa hè nóng nhất trong 120 năm, sau khi nhiệt độ chạm ngưỡng 34,7 độ C hôm 21/6.
Trong khi đó, ở miền Tây Bắc nước Mỹ - khu vực vốn nổi tiếng với thời tiết mát mẻ, hàng trăm người tử vong vì nắng nóng.
Hiện tượng vòm nhiệt ở Canada dẫn đến cháy rừng và thiêu rụi cả một ngôi làng, đồng thời “nướng chín” hàng loạt sinh vật biển ở miền Tây nước này.
Các thảm họa thời tiết khắc nghiệt trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ phơi bày thực tế rằng thế giới vẫn chưa chuẩn bị để đối mặt với những hậu quả nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu.
Cháy rừng ở California, Mỹ hồi giữa tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Trách nhiệm thuộc về ai?
“Tôi nói câu này với tư cách là người Đức, rằng chuyện một người chết vì thời tiết vẫn là một điều xa lạ với nhiều người”, Friederike Otto, nhà vật lý tại Đại học Oxford, nói với New York Times. “Người ta thậm chí còn chưa nhận ra rằng chúng ta cần thích ứng ngay bây giờ. Chúng ta phải cứu lấy mọi người”.
Tiến sĩ Otto và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từng kết luận rằng đợt nắng nóng bất thường vào cuối tháng 6 ở miền Tây Bắc nước Mỹ sẽ không xảy ra nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đợt lũ lụt kinh hoàng quét qua châu Âu vào giữa tháng 7 đã khiến ít nhất 165 người thiệt mạng, chủ yếu là ở Đức - một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Hàng trăm người ở Bỉ, Đức và Hà Lan được cho là mất tích trong đợt lũ lịch sử nói trên, cho thấy số người chết có thể không chỉ dừng lại ở con số 165.
Mức thiệt hại nghiêm trọng về người và của làm dấy lên câu hỏi với các nhà chức trách, rằng họ có cảnh báo đầy đủ cho người dân về rủi ro vì đợt thời tiết cực đoan hay không.
Câu hỏi lớn hơn được đặt ra là liệu những thảm họa nói trên có thể khiến các quốc gia và doanh nghiệp giàu sức ảnh hưởng nhất thế giới quyết tâm cắt giảm lượng khí thải hay không, tờ New York Times đặt vấn đề.
Lũ lụt ở bang Saxony của Đức. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ ở những nước phát triển, các quốc gia đang phát triển thậm chí còn đối mặt với những hậu quả khắc nghiệt hơn từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Mùa màng ở Bangladesh bị hủy hoại, nhiều ngôi làng ở Honduras bị san phẳng, các quốc đảo nhỏ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì nước biển dâng cao.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan ở những nước đang phát triển thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”, Ulka Kelkar, chuyên gia tại chi nhánh Ấn Độ của Viện Tài nguyên Thế giới, nói.
Kể từ khi Thỏa thuận Paris được đàm phán vào năm 2015, lượng khí thải toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên.
Trung Quốc hiện là nước phát thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới. Lượng khí thải ở cả Mỹ lẫn châu Âu đều giảm đều đặn, song chưa đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
“Dù không phải nước nào cũng bị ảnh hưởng như nhau, hiện tượng nước biển dâng gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai an toàn cả, dù là sống trên một đảo quốc nhỏ như của tôi hay một quốc gia Tây Âu phát triển”, Tổng thống Mohamed Nasheed của Madives nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Madives Mohamed Nasheed. Ảnh: Sky News. |
“Phải thích ứng với sự biến đổi mà chính chúng ta gây ra”
Các thảm họa thời tiết cực đoan ở châu Âu và Bắc Mỹ diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Anh.
Điều này đồng nghĩa rằng các nước phát triển nhiều khả năng sẽ nỗ lực hơn để đạt được thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, New York Times nhận định.
Đầu tháng 7, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất luật cấm bán ôtô chạy bằng khí đốt và động cơ diesel vào năm 2035, yêu cầu hầu hết ngành công nghiệp trả phí cho lượng khí thải mà họ phát ra.
Nổi bật nhất là dự luật áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có chính sách ít nghiêm ngặt về chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những đề xuất nói trên được dự đoán sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước châu Âu và một số quốc gia có ít hạn chế về vấn đề môi trường. Điều này nhiều khả năng phức tạp hóa triển vọng hợp tác toàn cầu ở Glasgow.
“Chúng ta phải thích ứng với sự biến đổi mà chính chúng ta gây ra”, giáo sư Richard Betts tại Đại học Exter, nói. “Chúng ta đồng thời cần tránh làm mọi thứ tồi tệ hơn bằng cách giảm lượng khí thải nhà kính và tối thiểu hóa mức ảnh hưởng của con người đối với khí hậu của hành tinh này”.