Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước đóng vai trò hàng đầu trong nông nghiệp

Để sản xuất lúa gạo, bốn yếu tố Nước - Phân - Cần - Giống có tính chất quyết định. Nước đóng vai trò hàng đầu, nhưng công tác thủy lợi trong lịch sử có lẽ thiếu tính chiến lược.

Một đoạn đê sông Hồng xưa. Ảnh: TL.

Người nông dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên, mưa và ao, hồ, còn sông thì đã lùi xa từ lâu khỏi đồng ruộng và lại bị chắn bởi hệ thống đê.

Ở một vài địa phương, người ta đã xây dựng hệ thống kênh rạch, nhất là các vùng ven biển và đồng bằng Nam bộ, còn địa hình đồng bằng Bắc bộ kênh rạch còn ít ỏi và mang tính chất cục bộ. Điều này làm cho một số vùng chỉ trồng được một vụ chiêm do có mưa xuân và mưa mùa hạ, còn thu đông nước thường thiếu hơn, nhất là mùa đông.

Đất tách khỏi sông, không được phù sa bồi đắp, trở nên bạc màu dần. Mùa nước lớn, nông dân lại rất vất vả tốn kém cho việc đắp đê, nếu xảy ra vỡ đê thì là cả một thảm họa, vài ba năm mới khắc phục được. Đã từng có cuộc tranh luận trong triều đình nhà Nguyễn có nên hay không nên bỏ hệ thống đê điều.

Để đê thì việc củng cố hàng năm rất tốn kém, nếu vỡ đê vùng nào thì mất cửa nhà, mùa màng vùng đó, ruộng đất được phù sa bồi đắp không bao nhiêu. Phá bỏ đê thì nước lớn cũng chỉ như bát nước đổ ra cái mâm, chỗ nào cũng ngập, nhưng nước lại không lớn, không tốn tiền tu bổ đê, ruộng lại có phù sa bồi đắp, nhưng như vậy cuộc sống nông dân và nông nghiệp luôn bất ổn. Cuối cùng thì việc đắp đê vẫn được duy trì.

Bốn khái niệm: kênh, rạch, mương, máng đều chỉ một đường dẫn nước. Kênh là lớn nhất, được khơi ra, chỉnh lý, từ dòng chảy tự nhiên, như một con sông nhỏ, hình thành sau một đợt lụt lội. Rạch cũng sinh ra tự nhiên nhưng nhỏ hơn kênh. Hai khái niệm này được dùng nhiều hơn ở đồng bằng Nam bộ, khi nước biển ngày một lùi ra xa và người ta lợi dụng những cánh đồng ngập nước để hình thành những kênh rạch.

Mương và máng thì đều phải đào mới có, nhưng mương thường chỉ đường dẫn nước thấp hơn mặt ruộng nhiều, còn máng thường cao, thậm chí cao hơn mặt ruộng. Hai khái niệm sau được dùng nhiều hơn ở đồng bằng Bắc bộ, nơi hệ thống thủy lợi chủ yếu do con người tạo nên.

Song từ thế kỷ 19 trở về trước, đồng bằng Bắc bộ không chỉ có những con sông lớn chạy theo hướng tây đông, bắc nam, như sông Hồng và sông Thái Bình, mà có nhiều con sông nhỏ chạy theo hướng bắc nam, như sông Tiêu Tương nối từ sông Cầu đến sông Hồng, sông Dâu nối từ sông Tiêu Tương đến sông Châu Giang, ở Kinh Bắc.

Hoặc những con sông khác trong lục địa không đổ ra biển, như sông Cà Lồ, sông Nhuệ ở xứ Đoài, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch ở Thăng Long... phần lớn những con sông này thiếu hệ thống đê chắn nên rất tiện tưới tiêu, tuy hay gây ra lụt lội.

Những huyện Gia Lâm, Thuận Thành (Kinh Bắc), Mỹ Văn (Hưng Yên), Thường Tín (Hà Tây) tiếp sát nhau đã hình thành một tín ngưỡng Tứ Pháp thờ thần tự nhiên Mây - Mưa - Sấm -Chớp, mà trung tâm là chùa Dâu huyện Thuận Thành.

Một tín ngưỡng liên quan tới tục cầu đảo của cư dân nông nghiệp, tức là công tác thủy nông tâm linh thôi, hạn thì mong mưa, lụt thì mong khô, cầu thần, cầu trời chứ không làm thủy lợi. Và nếu như dân sở tại và các pháp sư phù thủy cao tay cầu đảo không linh nghiệm, thì tức là ông vua đức bạc làm những điều trái đạo lý, nhà vua phải đích thân rước thần tượng Phật Tứ Pháp về kinh đô cầu đảo.

Nguyên bốn huyện trên là vựa lúa kề sát Thăng Long có lẽ có bề dày hai nghìn năm canh tác, nằm trên mạng lưới sông Hồng, sông Dâu, sông Châu Giang và vài con sông nhỏ khác, nên thường lụt lội rất nặng, ngược lại đất đai lại màu mỡ do đồng ruộng thường xuyên được phù sa bồi đắp và có rất nhiều bãi bồi ven sông để trồng hoa màu.

Do thiếu hệ thống kênh mương, ruộng công ruộng tư xen kẽ, nên người nông dân trong làng luôn phải điều đình với nhau, dẫn nước đi qua ruộng của nhau. Chắc chắn khi khu ruộng này đã bỏ phân, thì không nên dẫn nước qua đó.

Chế độ đổi công hình thành, trong đó người ta có thể làm giúp nhau rất nhiều công việc: làm nhà, cày cấy, tát nước, gặt đập... tùy theo tiện việc và năng lực, mà đổi công cho nhau thay vì bỏ tiền ra thuê. Chế độ đổi công và quan hệ ràng buộc tạo ra những tình cảm thân hữu, tương thân tương ái trong cộng đồng làng xã.

Địa hình chung ở Bắc bộ là đồng bằng thấp dần từ tây sang đông, nên nước cũng có chiều hướng chảy tây đông, cũng như các dòng sông vậy. Song địa hình cụ thể thì tùy từng vùng ruộng cao ruộng thấp không theo quy luật nào cả. Vùng đồng ruộng xứ Đoài xen lẫn đồi núi thấp, ruộng thay đổi rất khác nhau.

Vùng Kinh Bắc cũng vậy, tuy núi và ruộng rất rõ ràng, nhưng lại có nhiều gò cao giữa các cánh đồng. Đồng ruộng xứ Hải Đông bằng phẳng hơn, nhưng chất lượng đất không màu mỡ. Đồng ruộng xứ Hà Nam lại rất trũng. Thái Bình hoàn toàn không có núi, Ninh Bình thì núi đá xen kẽ dày đặc với ruộng và những sông nhỏ và nông. Thanh Hóa có đủ núi rừng, đồng bằng và sông biển nhưng từng phần tương đối rõ ràng, có thể nói là đất địa linh nhân kiệt.

Tính đại thể là như vậy, nhưng ngay trong một xứ, một tỉnh, một huyện, địa hình cũng thay đổi khác nhau, không ruộng đồng làng nào giống làng nào. Chế độ chia ruộng tư cho con cái làm cho các thửa ruộng luôn thay đi đổi lại, người làm ăn thuận lợi thì mua thêm ruộng, người làm ăn thất bát lại bán ruộng đi, bờ ruộng cũng đổi thay liên tục. Cho nên công việc tưới tiêu khó hình thành một quy luật chung, mà dựa vào thực tế cụ thể với bốn mùa đều có mưa.

Bàn về nước (của nhà văn Hoàng Giá): “Nước cho nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ xưa chủ yếu lệ thuộc vào nước mưa. Nước mưa được tưới trực tiếp (qua những cơn mưa) và nước mưa được tích trữ trong hệ thống các hồ ao. Truyện vết chân ngựa Thánh Gióng là phản ánh hiện tượng hồ ao san sát toàn khắp đồng bằng Bắc bộ tạo thành hệ thống.

Khi trời không mưa, người ta lấy nước từ các hồ ao ấy bằng cách dùng gầu (gầu dai và gầu sòng) tát lên qua hệ thống dẫn nước, mà theo quy định bất thành văn là ruộng nhà nào cũng phải đắp bờ con (bờ con là bờ tạm thời cách bờ chính thức chừng 40-50 phân). Nhờ hệ thống bờ con này người ta có thể dẫn nước từ ruộng này sang ruộng khác, có khi dài cả vài cây số”.

Phan Cẩm Thượng / Zenbooks và NXB Thế giới

SÁCH HAY