Thị trường sốc nặng
Cộng đồng các doanh nghiệp (DN) sản xuất mía đường tuần qua dậy sóng với thông tin tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức đang có ý định nhập khoảng 30.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu (Lào) chuyển cho công ty cổ phần đường Biên Hòa (BHS), để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Thông tin này ngay lập tức bị Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phản ứng dữ dội qua công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, với kiến nghị không cho phép bầu Đức - người đang cùng các thành viên gia đình nắm giữ gần 50% cổ phần HAG, được làm theo cách này.
Bán phá giá giá đường hay cách tiêu thụ đường thông minh của bầu Đức. |
Lý do hiệp hội đưa ra: giá đường Việt Nam hiện cao hơn giá đường khu vực (Thái Lan, Lào); các DN trong nước đang dư thừa một lượng đường rất lớn, lên tới khoảng nửa triệu tấn mỗi niên vụ. Việc nhập đường giá rẻ vào Việt Nam khác nào “cướp” đi công ăn việc làm, thu nhập của các DN sản xuất đường và nông dân trồng mía trên cả nước.
Lo ngại nằm ở chỗ, nếu không quản chặt, đường giá thấp nhập về có thể được tiêu thụ ngay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều DN còn lo ngại cửa xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc bị hẹp khiến đường tồn kho trong nước càng thừa ứ.
Ở mảng BĐS, trước đó, tại đại hội cổ đông HAGL hồi tháng 4/2012, thị trường đã thực sự sốc khi đón nhận thông tin bầu Đức tuyên bố sẽ tung ra các sản phẩm tại TP.HCM với giá chỉ bằng 50% so với dự án cùng vị trí.
Phát biểu của bầu Đức nói trên và những quyết định hạ giá trên thực tế đã tác động rất mạnh tới quyết định của nhiều DN. Dường như “phát súng” của bầu Đức đã phần nào tạo ra một làn sóng giảm giá trên thị trường BĐS, kéo dài cho tới tận giờ. Điển hình như đại gia Lê Thanh Thản giảm giá sốc chung cư Đại Thanh (Hà Nội) xuống chỉ còn 10 triệu đồng/m2; Mandarin Garden của Hòa Phát, Golden Palace của Đầu tư Mai Linh, Golden Land của tập đoàn Huy Hoàng, The Pride, Tân Tây Đô... cũng đã giảm giá mạnh.
Không chỉ vậy, nói đến bầu Đức - người đứng ở vị trí thứ hai bảng danh sách những người giàu nhất TTCK - hẳn nhiều người còn nhớ những quyết định rất táo bạo và có phần sốc khác như: Bất ngờ bán hàng loạt các dự án thủy điện; trồng hàng vạn hecta cao su tại bên Attapeu, Lào; và gần đây là “cú đấm thứ 2” đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center ở Yangon tại khu đất vàng rộng 8 hecta mà ông mua từ hồi năm 2009.
Then chốt là tính cạnh tranh?
Có thể thấy, những quyết định của ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thường rất khác biệt khi đi trước thị trường. Có vẻ như, đó đều là những quyết định đúng đắn đối với DN này.
Báo cáo quý III/2013 của HAGL cho thấy, quyết định bán hàng loạt các dự án thủy điện gần đây và biên lợi nhuận gộp tăng đã giúp lãi ròng của DN này tăng hơn 140% so với cùng kỳ cho dù doanh thu giảm tới 75%.
Trong giai đoạn này, mía đường đang mang lại lợi nhuận cho HAGL của bầu Đức chứ không phải cao su hay bất động sản. |
Đó là do doanh thu căn hộ trong quý III/2013 của HAGL giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 71,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này không có gì bất ngờ, bởi HAG đã chủ trương rút ra khỏi BĐS trong nước gần 2 năm nay trong bối cảnh rất nhiều DN khác lao đao - đúng như bầu Đức từng giải thích: “HAGL tạm thời bỏ thị trường BĐS Việt Nam, vì càng làm càng lỗ”.
Về mía đường, lĩnh vực được kỳ vọng là một mảng tươi sáng cho HAG và là bước đệm giúp tập đoàn này thu tiền về để tập trung phát triển “cú đấm thứ nhất” là trồng cao su ở Lào. Kỳ vọng lớn được đặt ra ngay sau khi nhà máy mía đường ở Lào của HAG đi vào hoạt động hồi đầu tháng 1/2013 sau 14 tháng xây dựng.
Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu với nhà máy mía đường 7.000 tấn mía/ngày (gắn với khu trồng mía diện tích 6.000ha) từng được CTCK HSC dự báo sẽ giúp HAG có doanh thu khoảng gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2013 và lợi nhuận rất cao bởi giá thành đường RS của HAG, theo tính toán của HSC, rất thấp, chỉ khoảng 7.500 đồng/kg, so với mức đường khoảng 14.000 đồng/kg tại ở Việt Nam.
Năng suất trồng mía bình quân dự kiến tại Attapeu rất cao, khoảng 120 tấn/ha, so với mức 65 tấn/ha ở Tây Ninh, Việt Nam có thể là yếu tố giúp HAG có thể có giá thành đường thấp như vậy. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới trên tính toán, để thu được lợi nhuận, vấn đề còn ở chỗ HAG có bán được hết hàng hay không? Bán được với giá cao như trong nước hay không? Điều này cũng phụ thuộc vào việc DN này có xin được hạn ngạch nhập khẩu đường về Việt Nam hay không? Hoặc/và có cách tiêu thụ nào khác hay không trong bối cảnh đường trong nước tồn kho lớn?
Có thể thấy, hiện tượng một DN đưa ra quyết định có tác động lớn đến nhiều thị trường như HAG là rất hiếm. Tuy nhiên, những cú sốc như vậy cho chúng ta thấy một thực tế về những góc cạnh bất ổn. Việc HAGL 2-3 lần giảm giá nhà sốc kéo theo hàng loạt các DN khác giảm theo là một minh chứng cho sự nóng quá mức của BĐS và bầu Đức là người nhanh chân tháo chạy khỏi thị trường này.
Đề xuất “tạm nhập tái xuất” đường lần này lại cho thấy khả năng cạnh tranh kém của ngành mía đường trong nước. Còn với HAGL, cách mà bầu Đức đề xuất có lẽ là hướng thoát hiểm mới, một nước cờ táo bạo trong bước đệm phát triển của DN.