Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google, là một trong số những giám đốc tập đoàn công nghệ lớn lên tiếng về sắc lệnh của Tổng thống Trump ngưng cấp visa H-1B mới cho người ở nước ngoài. Ông cũng là một người nhập cư Ấn Độ từng làm việc theo dạng visa H-1B.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh trên ngày 22/6, có hiệu lực từ nay đến cuối năm, ngưng việc cấp một số dạng visa mới, bao gồm dạng H-1B (nhân lực trình độ cao), H-2B (lao động tạm trong các ngành ngoài nông nghiệp), L-1 (thuyên chuyển công tác sang Mỹ), và một số dạng trao đổi J-1. Một số đối tượng được miễn là các lao động trong chuỗi cung ứng thực phẩm và y tế.
Tổng thống Trump phát biểu ở Nhà Trắng, thông báo về sắc lệnh. Ảnh: Reuters. |
Không ảnh hưởng người đã ở Mỹ
“Nhập cư đã đóng góp lớn vào thành công kinh tế của Mỹ, biến Mỹ thành nước tiên phong toàn cầu về công nghệ, và cũng đóng góp vào công ty Google như ngày hôm nay”, ông Pichai viết trên Twitter. “Dù thất vọng bởi tuyên bố ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng bên những người nhập cư và tiếp tục nỗ lực mở rộng cơ hội cho tất cả”.
Cùng với việc gia hạn lệnh ngưng cấp thẻ xanh mới trước đó, sắc lệnh này của tổng thống sẽ ngăn không cho hàng trăm nghìn người vào Mỹ năm 2020, theo quan chức chính quyền. Những người đang ở Mỹ hoặc đang có các loại visa này sẽ không bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, trả lời Nikkei Asian Review về sắc lệnh này, Diane Hernandez, luật sư nhập cư ở công ty luật Hall Estill, cho biết: "Lệnh này hiện chỉ ngăn không cho người nước ngoài vào Mỹ theo các dạng visa trên... Các chủ lao động vẫn có thể nộp đơn tài trợ H-1B cho những người đang ở Mỹ một cách hợp pháp".
Nếu đúng như vậy, người Việt Nam nếu vẫn đang ở Mỹ với giấy tờ hợp lệ có thể không bị ảnh hưởng.
Trong sắc lệnh, khoản 3(a) ghi rõ “việc ngưng và giới hạn việc vào nước Mỹ... sẽ chỉ áp dụng với người nước ngoài (i) đang ở ngoài Mỹ vào ngày tuyên bố này có hiệu lực và (ii) không có visa không di dân hợp lệ vào ngày tuyên bố này có hiệu lực”.
Chính quyền Trump mô tả động thái này là nhằm tái thiết nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng cách ưu tiên các lao động Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đã phải xin trợ cấp thất nghiệp trong những tháng gần đây.
Sắc lệnh còn ám chỉ sẽ có thêm các giới hạn khác, dù các giới hạn tiếp theo sẽ không thông qua sắc lệnh.
Chưa rõ bao giờ các thay đổi khác sẽ được ban hành và có hiệu lực. Quy trình bình thường vốn sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vì công chúng phải được tham gia bình luận, góp ý kiến. Chính quyền có thể đẩy nhanh các thay đổi bằng cách ra các quy định khẩn cấp, nhưng như vậy nhiều khả năng sẽ bị kiện và không qua được tòa án, theo New York Times.
“Ông Trump đã cho thấy rõ rằng ông coi việc giới hạn nhập cư là một vấn đề quan trọng trong tranh cử, vì vậy nhiều khả năng khi bầu cử càng đến gần, chúng ta sẽ thấy thêm các động thái về các vấn đề này”, luật sư Rebecca Bernhard, từ công ty luật Dorsey & Whitney, nói với Nikkei Asian Review.
Tổng thống Trump từ lâu đã vận động giảm số lượng lao động nước ngoài ở Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ảnh hưởng mạnh đến Ấn Độ, Trung Quốc
Sắc lệnh này là đòn giáng đối với người có trình độ ở nước ngoài muốn tìm việc trên đất Mỹ.
Hơn 420.000 người xin 85.000 visa H-1B được trao trong năm tài chính 2019, theo dữ liệu từ Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS).
Khoảng 74,5% người trong số này sinh ra ở Ấn Độ, theo sau là Trung Quốc, chiếm 11,8%.
Các công ty công nghệ và dịch vụ chuyên môn như Deloitte, Google hay Amazon.com đã dựa nhiều vào chương trình visa H-1B, vì đã tài trợ số lượng lớn đương đơn trong nhiều năm.
Trong năm tài chính 2019, Google nộp 10.577 đơn xin visa H-1B, so với 7.705 của Amazon Services, 7.237 của IBM, 6.041 của Microsoft, 3.212 của Facebook và 1.708 của Apple, theo dữ liệu của USCIS.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã muốn chặn dòng người nước ngoài vào Mỹ đi làm, bao gồm những nhân lực trình độ cao.
“Tổng thống Trump có thể gia hạn sắc lệnh mới chừng nào ông là tổng thống và nếu tòa án không ra lệnh chặn việc thực thi”, luật sư Hernandez nói thêm.
Tỷ lệ từ chối visa H-1B (số đơn từ chối trên tổng số đơn được tiếp nhận) đã tăng gấp ba lần lên 33% năm tài chính 2019, so với 10% trong năm tài chính 2016, theo một phân tích của Quỹ Quốc gia về Chính sách Mỹ, tổ chức nằm ở bang Virginia.
Một sắc lệnh năm 2017 của Tổng thống Trump đã yêu cầu các ban ngành của chính phủ tìm các biện pháp cải cách chương trình visa H-1B. Trong tuyên bố ngày 22/6, Nhà Trắng cho biết sẽ tiến tới trao visa trình độ cao cho những nhân lực có lương cao nhất.
Những thay đổi đó đã vấp phải phản đối của các tập đoàn lớn và các cộng đồng nhập cư. Nhưng đại dịch Covid-19, làm chết 120.000 người ở Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc, tạo ra thời cơ cho chính quyền, theo Nikkei Asian Review.
Những người chỉ trích đã phê phán ông Trump lợi dụng khó khăn kinh tế do đại dịch để đẩy mạnh toan tính của mình về vấn đề nhập cư, theo New York Times.
Trong chuyến ông Trump thăm Ấn Độ đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi tổng thống Mỹ cân nhắc lại trước các dự tính giới hạn visa, nhất là visa H-1B.