Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nuage Rose: 'Văn chương giúp tôi tha thứ cho chính mình'

Nuage Rose Hồng Vân với thể loại văn chương tự thuật đã đem lại nhiều suy ngẫm cho bản thân, độc giả cũng như giới nghiên cứu văn chương.

Với nhiều tác giả, viết có thể là một quá trình giúp họ chia sẻ, trút bỏ những cảm xúc trong lòng. Nuage Rose Hồng Vân (sinh năm 1960), một kỹ sư người Pháp gốc Việt, cũng đã bắt đầu với suy nghĩ như vậy khi bà đặt bút viết Trois Nuages au pays des nénuphars (tên tiếng Việt: Ba áng mây trôi dạt xứ bèo). Song, Nuage Rose chợt nhận ra, càng viết nhiều bà càng muốn nói về tình yêu hơn là những nỗi đau từng chất chứa trong lòng.

Viết để làm lành với quá khứ

“Có thể là vết thương của cuộc sống, vết thương của tình yêu, mình xáo trộn, mình bị tổn thương, mình cảm giác như có thể chết đi vì những tổn thương ấy, và mình muốn viết để giải phóng mình khỏi chúng. Nhưng kỳ lạ là khi bắt đầu đặt bút viết, những tổn thương, những tủi hận đó không ra, mà ra những tình yêu lớn hơn”, Nuage Rose chia sẻ trong buổi Trò chuyện Văn chương Pháp - Việt diễn ra đầu tháng 12 tại TP.HCM.

Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, tác phẩm đầu tay của Nuage Rose, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp, trên đất Pháp năm 2013 trước khi được dịch sang tiếng Việt vào năm 2017. Tác phẩm thuộc thể loại tự truyện hư cấu, kể về những năm tháng bà rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán. Giữa khung cảnh u ám, đói khát và sợ hãi mà chiến tranh gieo rắc, tình yêu trong tác phẩm của Nuage Rose vẫn hiện lên rõ ràng.

Ban đầu, Nuage Rose dự định sẽ viết một lá thư cho bố, cho mẹ, cho ông ngoại... Nhưng dần dần, nó trở thành nhiều bức thư tình yêu, không chỉ cho gia đình mà cho cả những người nông dân từng giúp đỡ bà trong những năm tháng xưa. Thông qua góc nhìn của mình, Nuage Rose chọn cách kể những câu chuyện nhỏ của những người bình thường trong lịch sử phi thường của đất nước.

Bà cũng tự coi mình không phải là nhà văn, không biết viết những tiểu thuyết ly kỳ. “Tôi chỉ biết viết những gì động chạm đến bản thân mình, gia đình mình, đất nước của mình, những gì tôi đã trông thấy”, bà nói.

Cuối cùng, Nuage Rose cho rằng chính văn chương đã giúp bà học được cách tha thứ cho chính mình, đối mặt với quá khứ và làm dịu những cảm xúc tiêu cực trước kia. “Đến tuổi của mình, lúc bấy giờ tôi mới có đủ thời gian để quay về quá khứ, quá khứ đấy mới là cái giúp tôi trở thành tôi, và kết nối tôi lại với nội tâm mình rất lớn”, bà chia sẻ.

Ba áng mây trôi dạt xứ bèo đã được Ban độc giả và Nhà xuất bản Hội nhà văn Pháp trao giải thưởng “Được yêu thích nhất năm 2013” (Coup de Coeur) và đã được đón nhận ở nhiều hội chợ sách uy tín ở châu Âu.

Nuage Rose,  Hong Van,  van hoc Phap Viet, anh 1

Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo của tác giả Nuage Rose. Ảnh: NXB Trẻ.

"Vượt ra ngoài văn chương, tác phẩm là cuộc đời"

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng bộ môn Văn Học - Văn hóa, Khoa Pháp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, văn chương bắt đầu từ tự thuật. Văn chương được khởi đi từ bản thân và viết về bản thân, bằng cách này hay cách khác, có thể được hư cấu hóa, nhưng quay lại cốt lõi vẫn là viết về bản thân, tức là tôi viết về tôi nhưng không có tôi.

“Vượt ra ngoài văn chương, tác phẩm là cuộc đời, cuộc đời được viết ra nhưng không phải ai cũng có can đảm để kể. Kể là một hành động can đảm đồng thời là một hành động chứng tử về một thời đại mà tác giả quan sát và đã trải qua”, ông nói.

PGS.TS Phạm Văn Quang cũng cho rằng văn chương do người Việt viết bằng tiếng Pháp là một mảng cần được khai thác. Theo thống kê vào năm 2010, có khoảng 400 tựa sách của khoảng 180 tác giả thuộc nhóm này. Trong đó, thể loại tự thuật văn chương viết bằng tiếng Pháp chiếm khoảng một nửa.

“Có rất nhiều tác giả viết theo hướng này. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu, đây là thể loại rất quan trọng khi nói về lịch sử phát triển của tri thức từ hiện đại cho đến ngày nay. Chúng ta sẽ biết người ta sử dụng những tác phẩm này ở lĩnh vực nào, ngoài văn chương thì nó có được sử dụng ở những lĩnh vực khác không, đây là câu hỏi chúng ta phát triển thêm”, ông Phạm Văn Quang nói.

Trò chuyện Văn chương Pháp - Việt là sự kiện do Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp. Sự kiến hướng tới những người yêu mến các tác phẩm dịch từ tiếng Pháp, góp phần tăng cường sự thấu hiểu lẫn nhau thông qua tác phẩm văn chương và văn hóa.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Đông Miên

Bạn có thể quan tâm