Những ngày này chị Triệu Thị Lây (43 tuổi, ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu) chỉ chạy xe ôm buổi sáng. Chiều và tối gặp khách rất quen điện thoại chị mới phóng xe ra đường vì bác sĩ khuyến cáo chị hạn chế ngồi lâu do thoái hóa cột sống.
"Chồng với rể tôi có sức khỏe chạy xe ôm suốt ngày. Tối tiếp tục ra bến để kiếm thêm tiền chợ", chị Lây nói về nghề của gia đình.
Chị Lây trên đường chở khách. |
Hơn 20 năm trước chị với thanh niên cùng quê Huỳnh Văn Hổ nên duyên vợ chồng. Cả hai không được cha mẹ cho bất cứ tài sản gì bởi sui gia đều nghèo khó, không đất sản xuất.
Sau ngày cưới anh Hổ ngủ bên nhà vợ được một đêm rồi vác len xuống tận Cà Mau đào đất mướn. Ở nhà chị Lây cũng xách gàu đi vét bùn đáy ao khắp nơi dù bụng mang dạ chửa. Nhiều người không thấy vợ chồng chị bên nhau đã dị nghị, cho rằng anh Hổ bạc bẽo.
Gạt bỏ lời hàng xóm nói những điều không tốt về gia đình mình, chị Lây cố gắng làm thuê đến gần ngày sinh con. Lúc này anh Hổ kịp quay về chặt cây so đũa, mang tiền dành dụm mua lá cất chòi ở tạm trên phần đất gò bỏ hoang ven đường, chuẩn bị đón con gái lớn chào đời.
Sau ngày vợ sinh được một tháng, người chồng tiếp tục đi đào đất thuê nhưng gần nhà hơn để tối lội bộ về giúp chị Lây chăm con. Bé được 4 tháng, chị Lây gửi con cho ngoại để cùng chồng làm thuê làm mướn đủ thứ nghề với quyết tâm đổi đời.
Năm 1997, khi con gái chưa vào lớp một thì bão Linda càn qua miền Tây đánh sập căn nhà cột so đũa của vợ chồng chị Lây. Nhờ có chút vốn, chị mua cây lá dựng lại nhà và tậu luôn xe máy 67 trị giá 3 chỉ vàng để vận chuyển hàng nông sản cho bà con trong vùng.
"Chồng tôi gom nông sản thuê tại rẫy rồi bắt mối cho vợ chở ra chợ để có thêm tiền công. Nhiều hôm giao hàng tận thị xã Sóc Trăng (nay là TP Sóc Trăng), gần nửa đêm mới về nhà", chị Lây kể.
Chịu khó tích cóp đến năm 2004, chị bàn với chồng bán xe 67, mua xe Wave để chạy xe ôm vì việc chở nông sản thưa dần do cạnh tranh không lại xe tải. Lúc này chị Lây là nữ xe ôm duy nhất ở xứ biển, hàng ngày đón đưa các bà, các chị đi chợ trên 30 lần, thu nhập 400.000-500.000 đồng/ngày.
Nữ xe ôm trước căn nhà và đất trị giá hơn nửa tỷ đồng. |
Có được chút vốn từ nghề chạy xe ôm, chị Lây mua thêm xe Wave để anh Hổ làm bạn đồng hành. Con gái lớn của họ thấy cha mẹ vất vả nên học xong lớp 9 nghỉ ở nhà trông em trai. Vì không chở đàn ông, mỗi khi có khách khác giới, chị Lây gọi anh Hổ đến chở để không bị mất thu nhập.
"Bây giờ đội xe ôm nữ ở Vĩnh Châu được 7 người, tôi chạy lâu năm nhất. Những người kia không biết sao chứ tôi gặp khách nam là từ chối vì chở đàn ông dễ bị tiếng thị phi. Các ông khách thì có biết họ tốt hay xấu, ngồi sau đưa tay ra trước làm chuyện bậy bạ thì khổ cho mình", chị Lây chia sẻ.
Điều làm hàng xóm bất ngờ là cách nay hai năm, trước khi con gái lớn lấy chồng chị Lây đã mua đất, xây nhà gần cầu Giồng Vú, với tổng đầu tư trên nửa tỷ đồng. Trong căn nhà được cho là lớn nhất xóm, vợ chồng xe ôm mua sắm đầy đủ trang trí nội thất từ nguồn vốn của 20 năm làm thuê làm mướn và rong ruổi khắp nơi.
"Nay xe ôm nhiều quá, mỗi ngày chồng tôi chạy được hơn 100.000 đồng, tôi cũng được 60.000-100.000 đồng. Con trai của tôi không theo nghề này, học hết lớp 7 lên Sài Gòn làm công nhân hãng bánh", nữ xe ôm nói và cho biết vợ chồng đang dành dụm thêm tiền từ nghề chở khách để có vốn an dưỡng khi các con đã trưởng thành.