Các nữ vận động viên hàng đầu thế giới dường như chia sẻ chung một câu chuyện. Họ đang làm gần như tất cả những gì các nam vận động viên đã làm, và đôi khi thành tựu đạt được còn vượt trội hơn.
"Những nữ vận động viên phải thi đấu trong sự la ó, ghẻ lạnh, bị kỷ luật, bị xử phạt, và những hình thức dò xét quá đáng khác chỉ bởi thứ trang phục họ mặc trên người", nhà báo Jill Filipovic viết trên CNN.
Những bộ trang phục không thoải mái, đôi khi khiến các nữ vận động viên cảm thấy xấu hổ, là hệ quả của những định kiến lâu đời về sự tham gia của nữ giới trong thể thao.
Bất bình đẳng với nữ giới
Theo bà Filipovic, trang phục của phụ nữ luôn luôn là một chủ đề tranh cãi và bị xã hội dò xét. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trang phục của phụ nữ bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí quy định trong luật pháp, với hình phạt hà khắc cho những người vi phạm.
Các nữ vận động viên không nằm ngoài hiện thực khắc nghiệt ấy. Mới đây, liên tiếp những vụ lùm xùm đã nổ ra liên quan tới trang phục thi đấu của nữ vận động viên.
Vận động viên điền kinh người Anh Olivia Breen bị cảnh cáo vì quần thi đấu "quá ngắn và không phù hợp". Đội bóng ném bãi biển nữ Na Uy bị xử phạt vì không mặc bikini khi thi đấu. Vận động viên bơi lội Alice Dearing bị cấm sử dụng mũ trong thi đấu vì "không hợp với hình dáng tự nhiên của đầu".
Sự tham gia ngày càng rộng rãi của nữ giới vào các môn thể thao trở thành cái gai trong mắt của không ít người với tư tưởng bảo thủ.
Nữ vận động viên thể dục dụng cụ Hàn Quốc Lee Yunseo ở Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, cựu Tổng thống Donald Trump lên tiếng ủng hộ việc một số người Mỹ la ó phản đối đội bóng đá nữ của nước này tranh tài ở Olympic Tokyo.
Ông Trump nói "người Mỹ hạnh phúc" khi đội nhà thua trận trước Thụy Điển, bởi đối với ông, phụ nữ Mỹ quá cấp tiến và trực tính.
Ở một số quốc gia bảo thủ, phụ nữ thậm chí bị cấm tham gia các sự kiện thể thao. Nhiều quốc gia có những quy định về đạo đức của phụ nữ hà khắc đến mức cơ hội để các nữ vận động viên tranh tài ở cấp độ đỉnh cao là gần như bất khả thi.
Ví dụ, làm thế nào để thi đấu thể dục dụng cụ ở cấp độ Olympic trong trang phục che kín tất cả các đường nét trên cơ thể, hoặc bơi lội với điều kiện quần áo che kín toàn bộ mũi và miệng ở nơi công cộng.
Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề.
Ở chiều ngược lại, các nữ vận động viên phải đứng trước một thách thức khác, đó là vấn nạn tình dục hóa, nữ tính hóa trong thể thao.
Đội bóng ném nữ Na Uy mới đây bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu xử phạt 1.800 USD vì mặc quần đùi quá dài trong một trận đấu thuộc giải Vô địch châu Âu.
Theo quy tắc của Liên đoàn Bóng ném quốc tế (IHF), nữ giới phải mặc bikini có đáy quần “vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá khoảng 10 cm”, theo New York Times. Với phần trên, họ nên mặc loại áo lót thể thao bó sát với khoảng hở sâu ở cánh tay.
Trong khi đó, các vận động viên nam được cho phép mặc quần đùi, với điều kiện không quá rộng và không cao quá xương bánh chè 10 cm.
"Có sự khác biệt rõ ràng, nam giới được mặc quần đùi và áo ba lỗ, còn nữ giới cơ bản phải mặc bikini", nhà báo Filipovic bình luận.
Đường còn dài cho các nữ vận động viên
Tại Olympic năm nay, đội thể dục dụng cụ nữ đội tuyển Đức đã dõng dạc cất lên tiếng nói, bằng cách thi đấu trong trang phục liền thân che kín phần chân, thay vì bộ trang phục thi đấu theo kiểu bikini như trước.
Thông điệp của đội tuyển Đức không phải để cổ vũ cho cái gọi là giá trị đoan chính của phụ nữ, mà nhằm khẳng định nữ vận động viên nên có quyền lựa chọn trang phục họ cảm thấy phù hợp, không bị tình dục hóa khi thi đấu.
"Chúng tôi cảm thấy trang phục liền thân tạo ra sự thoải mái lớn nhất cho sự kiện lần này. Điều này không có nghĩa chúng tôi không muốn mặc trang phục thi đấu bình thường (kiểu bikini) nữa. Điều đó sẽ tùy vào từng ngày, dựa trên cảm xúc và ý muốn của chúng tôi", Elisabeth Seitz, một nữ vận động viên đội tuyển thể dục dụng cụ Đức, cho biết.
Vận động viên Sarah Voss của đội thể dục dụng cụ Đức tranh tài ở Olympic Tokyo. Ảnh: SBS News. |
Những nguyên tắc hà khắc về sự đoan chính của phụ nữ, hay quy định về trang phục gợi cảm bắt buộc, đều xuất phát từ một gốc rễ: sự ác cảm trước việc phụ nữ sử dụng cơ thể của họ theo cách không được cho phép.
Những quy định về đoan chính được xây dựng dựa trên giả định cơ thể phụ nữ vốn có tính gợi dục và kích thích. Vì thế, cơ thể phụ nữ cần được che chắn, vừa để thể hiện phẩm hạnh đạo đức, vừa để ngăn đàn ông có những suy nghĩ đen tối khi họ nhìn thấy những bộ phận cơ thể bị coi là gợi cảm.
Trong khi đó, quy định về trang phục của nữ vận động viên phần nào phản ánh mong muốn thể hiện sự khác biệt giới tính trong thể thao.
Những bộ trang phục đặc biệt của các nữ vận động viên, ngoài để bảo vệ những bộ phận cơ thể mà đàn ông không có, còn được thiết kế nhằm nhấn mạnh những nét đẹp thể chất và sự gợi cảm của phái nữ. Điều này cuối cùng lại lấn át sự chuyên nghiệp và tài năng của các nữ vận động viên.
Phụ nữ vẫn chưa thực sự được bình đẳng với nam giới, tại Olympic Tokyo lúc này, hay tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Đã hơn một thế kỷ từ khi phụ nữ bắt đầu tham dự Olympic, nhưng vẫn còn đó vô số tranh cãi về môn thể thao nào phụ nữ có thể tham gia, hay trang phục nào các nữ vận động viên được phép hoặc không được phép sử dụng.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu thay đổi đáng hoan nghênh. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) năm nay ra hướng dẫn truyền thống kêu gọi các hãng thông tấn tránh "tình dục hóa" các nữ vận động viên, và "không tập trung một cách không cần thiết vào ngoại hình, trang phục hay các bộ phận cơ thể nhạy cảm".
Lý tưởng nhất có lẽ là một thông báo từ IOC cho phép các nữ vận động viên tùy ý lựa chọn trang phục họ muốn.
Nhưng dĩ nhiên, trong thể thao đỉnh cao, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Để bảo đảm tính công bằng, cần có tiêu chuẩn chung trong trang phục thi đấu. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong chất liệu trang phục cũng có thể mang lại lợi thế cho các vận động viên.
"Nhưng các quy định về trang phục nên nhắm đến sự công bằng và hiệu suất thi đấu, thay vì tập trung vào tình dục và giới tính", nhà báo Filipovic nhận xét.