“Hà Thị Quế” là bí danh hoạt động cách mạng của bà Lương Thị Hồng, hậu duệ đời thứ 21 của nhà toán học lẫy lừng Lương Thế Vinh. Thông qua ban liên lạc họ Lương ở Hà Nội, rồi qua rất nhiều lời hỏi thăm địa chỉ, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được ngôi nhà mà bà Hà Thị Quế sống những năm cuối đời bên con cháu.
Bà Hà Thị Quế những năm cuối đời. (Ảnh chụp lại tư liệu của gia đình). |
Nữ tướng đi in báo
Những tư liệu về “nữ tướng Việt Minh vùng Yên Thế” Hà Thị Quế rất ít ỏi. Vì vậy, vào một ngày đầu thu, chúng tôi lặn lội ngược lên non cao để mong truy tìm thêm thông tin về nhân vật huyền thoại này. Bà đã mất vào cuối năm 2012 nhưng may mắn cho chúng tôi khi gặp được chị Nguyễn Kim Anh, người con gái của bà, còn giữ lại cuốn hồi ký về cuộc chiến đấu của mẹ mình thời tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Sinh ra và lớn lên tại xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình, bà Hà Thị Quê đã hoạt động cách mạng từ lúc 16-17 tuổi, làm liên lạc viên (giao thư) cho cán bộ lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ. Hoạt động ở quê nhà một thời gian nhưng vì bại lộ tung tích nên bà được phân công về hoạt động tại Thái Bình, Bắc Ninh và sau đó lên vùng rừng núi Bắc Giang. Những năm 1943-1944, bà Hà Thị Quế về làng Bừng bắt liên lạc với các đồng chí và dân chúng trong làng. Để tránh tai mắt của địch, bà Quế thường phải cải trang lúc thành thôn nữ đi cấy, lúc đi bán rau hoặc trồng bắp…
Bà Nguyễn Thị Cộng, năm nay đã 88 tuổi, người phụ nữ duy nhất trong đội tự vệ vũ trang làng Bừng ngày ấy còn sống, kể lại: “Dù cải trang trong bất cứ tình huống nào, chị Quế cũng đóng rất đạt. Chị ấy nhanh lắm, đang ở đây mà có thể trong chớp mắt đã thoắt cái lên ngựa phi đi nơi khác. Chị ấy khuyên tôi phải cắt tóc khi tham gia tập luyện vũ trang và để tiện lợi trong khi di chuyển...”.
Từ năm 1941, cơ sở in báo Phục Quốc của Trung ương Đảng và Xứ ủy chuyển từ ấp Tam Sơn (Bắc Ninh) lên làng Bừng. Bà Hà Thị Quế chính là người trực tiếp in báo Phục Quốc ở nhà ông Chánh Đông, rồi sau đó mang ra Nghè Vườn Hơm phơi và bí mật phân phát đi các nơi.
Người đàn bà “nhà Giời”
Từ căn cứ địa làng Bừng, bà Quế đã tỏa đi hoạt động cách mạng ở vùng rừng núi Yên Thế và Việt Yên. Trong cuốn hồi ký, bà Quế ghi: “Tôi là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, vào ngày 15/4/1945, chúng tôi đã phối hợp vũ trang tiến đánh phủ Yên Thế lần thứ nhất...”.
Bà Quế và ông Cát Lượng (sau này là thiếu tướng, trưởng Ban kiểm tra Quân khu 1) đã phối hợp tổ chức đánh phủ Yên Thế. Bà dùng lực lượng tự vệ kết hợp với lực lượng Cứu quốc quân đóng tại đây chiếm phủ Yên Thế do tri phủ Phùng Đình Ân quản. Trong cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Yên Thế, Bắc Giang ghi lại: “Trận đánh diễn ra chớp nhoáng và đã giành thắng lợi lớn, quân ta thu được 17 súng, hai máy đánh chữ, tiêu hủy toàn bộ sổ sách, giấy tờ, theo chủ trương của cấp trên là phá hết để Nhật không thể quay lại được. Riêng với binh lính đầu hàng, đồng chí Cát Lượng giải thích để họ hiểu, sau đó cho họ về quê làm thường dân cày cấy”.
Bà Hà Thị Quế (giữa) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm tổng tuyển cử đầu tiên. |
Sau khi bị đánh những đòn đau đớn, phát xít Nhật đã điều 53 tên do đội Cương cầm đầu lên Yên Thế. Đồng thời, bọn chúng cũng điều tri phủ mới là Tưởng Văn Trang từ Bắc Sơn-Lạng Sơn về cai quản. Tưởng Văn Trang là một tay Việt gian khét tiếng tàn ác, đã từng diệt nhiều chiến sĩ Việt Minh ở Lạng Sơn.
Tưởng Văn Trang sau khi nhận chức đã họp mặt các hào lý, tuyên bố: “Trong Việt Minh có một chỉ huy là đàn bà (ý chỉ bà Quế). Chúng ta là mày râu, nhất định phải giết được nó”.
Trong dân chúng ở vùng Yên Thế thời đó xuất hiện câu nói truyền miệng về bà Quế: “Đây là người đàn bà nhà Giời nên rất giỏi, nhảy qua nóc nhà, phi ngựa như bay, hai tay hai súng bắn trăm phát trăm trúng”. Thật vậy, bà Quế lúc ẩn lúc hiện, nhanh như cắt nên ít người biết được hành tung của bà.
Bà Quế ghi lại trong hồi ký: “Có hôm đội tự vệ bắt được một tên do thám, trong người có bức ảnh người phụ nữ quần chít ống, một bên đeo thanh kiếm, một bên đeo khẩu súng lục. Trên hai vai có hai lá cờ. Tên do thám khai báo hắn đem theo tấm ảnh nữ tướng Hà Thị Quế của Việt Minh, tấm ảnh do Nhật phát cho bọn chúng với nhiệm vụ đi các nơi để tìm tung tích bà Quế. Nhật đặt giải hai vạn bạc Đông Dương để bắt bà Quế cho bằng được”.
Khẩu súng của bà Quế dùng trong cuộc giành chính quyền tại Yên Thế. |
Khí thế cách mạng trên cả nước lúc bấy giờ đang lên rất cao. Đầu tháng 7/1945, đội tự vệ do bà Quế chỉ huy bắt gọn một toán lính hàng ngày đi đốc dân phá lúa trồng đay, thu thuế. Đội tự vệ thu được bảy khẩu súng và thuyết phục bảy tên lính rời bỏ hàng ngũ địch. Sau đó bà Hà Thị Quế thành lập một đội trinh sát, gồm 12-13 người ở Yên Thế do Châu Thi làm đội trưởng.
Mưu lược hơn người
Đêm 12/7/1945, đội trinh sát của Châu Thi cho bà Quế biết sáng hôm sau vào lúc 9 giờ 30, Tưởng Văn Trang và hai tên cận vệ Khôi, Xoan cùng một tốp lính sẽ đi đốc dân phá bắp.
Nhận được tin báo ấy, bà Quế thấy đây là thời cơ thuận lợi nên cất tiếng hỏi:
- Các cậu có dám đánh không?
Châu Thi đáp:
- Dám!
Bà Quế quyết định cử Châu Thi phục kích trên dốc Đanh (nay thuộc xã Tân Trung - Tân Yên) và một số khác phục kích ở dưới dốc. Đội du kích có ít vũ khí, chủ yếu là súng kíp, dao, mã tấu. Bà đưa khẩu súng lục cho anh Châu Thi. Anh Sơn (lúc đó là Bí thư Đảng thị trấn Bố Hạ -Yên Thế) tập trung đội tự vệ bao vây xung quanh.
Khi địch đi đến giữa dốc, Châu Thi hô: “Đứng lại, giơ tay lên!”, sau đó một chiến sĩ bắn chỉ thiên bằng súng kíp tóe lửa. Tên Trang lên cò súng lục định bắn lại nhưng trong chớp mắt Châu Thi đã dùng súng lục bắn vào tay cầm súng của hắn, sau đó quân ta bắt gọn cả toán.
Đêm 13/7/1945, đội quân của bà Hà Thị Quế thành lập ngay tòa án, tổ chức xử án tại rừng dẻ ngay đầu dốc Đanh. Phiên tòa quyết định xử tử Tưởng Văn Trang và Xoan là hai tên theo địch bán nước. Còn toán lính địch, bà Quế cho họ về quê.
Sau khi bắt được toán lính và xử tử tri phủ Trang, tình hình địch rất hoang mang. Lợi dụng tình hình ấy, bà Quế tung tin Việt Minh sắp đánh phủ Yên Thế. Thanh niên, học sinh viết nhiều truyền đơn ca ngợi Việt Minh và thanh thế của cách mạng, nêu rõ sự sụp đổ của Pháp, sự tàn ác của Nhật. Các truyền đơn được viết tay, cuộn tròn như tổ sâu, buộc dây có hòn sỏi ném vào đồn địch.
Không ngại nguy hiểm, bà Quế nhiều lần bí mật hẹn gặp và thuyết phục đội Cương hàng phục quân cách mạng. “Trưa 15/7/1945, chúng tôi quyết định thử một lần nữa xem đội Cương có thực sự theo ta hay không, bằng cách mời đội Cương đến ăn cơm để dò hỏi tình hình binh lính. Chúng tôi nhận định: Nếu đội Cương không thật tâm thì hắn sẽ không đi một mình” (trích hồi ký). Đội Cương đã đến một mình, bà Quế cùng một tiểu đội du kích có súng kíp, súng lục vũ trang ra gặp đội Cương.
Bà nói với đội Cương: “Anh phải theo lệnh của tôi. Một ngày gần đây chúng tôi sẽ đánh phủ Yên Thế. Nếu anh không theo chúng tôi, tôi sẽ thông báo với Nhật là anh đã tiếp xúc với Việt Minh. Như vậy nếu anh phản bội chúng tôi thì Nhật cũng sẽ giết anh”. Bà Quế bày mưu cho đội Cương tổ chức một toán lính đi tuần từ phủ Yên Thế ra cầu Trắng cách đó 2 km và hậu thuẫn để cho Việt Minh cướp súng của binh lính.
“Đúng như dự liệu, đêm 17/7/1945, đội Cương đưa một toán gồm 18 lính đi tuần đến cầu Trắng thì gặp đội du kích đã phục sẵn. Anh em du kích bắn chỉ thiên và hô: “Đứng lại”! Lúc đó tôi diễn thuyết kêu gọi binh lính đầu hàng. Đội Cương đã làm theo đúng lệnh của tôi. Toán lính này được đưa về làng Yên Lý, còn đội Cương được chúng tôi kèm đưa về huyện để lấy phủ Yên Thế vào đêm 18/7/1945”.
Khi đến phủ, đội Cương kêu gọi binh lính đầu hàng Việt Minh. Binh lính trong phủ hạ khí giới răm rắp. Lúc đó vào khoảng 22 giờ đêm 18/7/1945.
Đúng một tháng sau (18/8/1945), bà Hà Thị Quế cùng ban lãnh đạo cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương.
Để ghi nhớ chiến công dũng cảm và mưu lược của người nữ tướng Việt Minh, sau này ở chùa Nam Thiên (thị trấn Nhã Nam) dựng bia có khắc hai câu: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế. Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.