Tay trắng làm nên… nợ lớn
Bà Bùi Thị Ba, thường gọi là Út, trước đây sống bằng nghề trồng mía, làm lò nấu đường thủ công. Rồi mía rớt giá thê thảm, chỉ còn 50.000 đồng/tấn mía nguyên liệu. Vườn mía hơn 2 ha đến kỳ, bà không buồn thu hoạch. Đã thế, lại có một doanh nhân người Ấn Độ đến xây nhà máy đường công suất lớn, tiêu thụ hàng nghìn tấn mía tươi mỗi ngày ngay cạnh nhà bà. Ngày hoa tươi, bong bóng các loại tưng bừng giăng lên mừng khánh thành nhà máy cũng là lúc cái lò đường thủ công ọp ẹp của bà Út phải... về hưu. Bà Út thành ra thất nghiệp.
Từ trồng mía, bà chuyển sang trồng sơ ri, nhưng cũng không nên hình. Sơ ri bán ra giá 3.000 đồng/kg thì công kêu người hái đã hết 2.000 đồng/kg. Thấy không ăn thua, bà chuyển sang nuôi gà, nuôi trùn quế… Chưa thấy đồng lãi đâu thì trận dịch cúm gia cầm năm 2003 một lần nữa đẩy bà Út vào chốn nợ nần. Món nợ ngân hàng hơn 300 triệu, đối với một nông dân như bà, không phải ít. Bà tính nước cờ cuối cùng: Bán đất trả nợ, dứt luôn với nghề nông.
Thế nhưng, tiếc cái của cha ông để lại là mảnh vườn sau nhà, bà Út quyết định “làm lại từ đầu” một lần nữa. Lần này, do đã nhiều lần thất bại, bà cẩn thận hơn trong việc chọn đối tượng trồng. Được Viện Cây ăn quả Miền Nam giới thiệu cây ổi và cây chanh không hạt là hai cây trồng mới, tiềm năng phát triển cao, bà về lặn lội sang Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre… thậm chí, ngược đường lên Bình Dương, Bình Phước tìm hiểu thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng, bà quyết định chọn trồng thử nghiệm 1.000 gốc chanh không hạt.
“Lúc đó, chanh không hạt bán trong siêu thị có giá 60.000 đồng/kg, trong khi giá chanh giấy chỉ 500 đồng/kg. Phần lớn chanh không hạt tiêu thụ thời gian này là do nhập khẩu về, vì Việt Nam chưa trồng nhiều. Nếu trồng được, chắc sẽ bán được”, lý do bà Út chọn trồng chanh không hạt là như vậy đó.
Từ bà Út “chanh chợ trời”…
Một năm sau ngày trồng thử nghiệm 1.000 gốc chanh không hạt đầu tiên, bà Út thấy cây khỏe mạnh, phát triển tốt nên tiếp tục nhân rộng diện tích ra hơn 2 ha. Những năm 2003 - 2004, nhiều nông dân thua lỗ vì dịch cúm gia cầm, phải tìm mô hình sản xuất mới. Thế nhưng, khi sang thăm vườn chanh không hạt của bà Út, nhiều người bảo, trồng “cái giống quỷ này” rồi mai mốt mang ra sông Vàm Cỏ mà đổ, chứ biết làm gì. Bà nghe mà chạnh lòng.
Đến năm 2006, bà Út thu lứa chanh đầu tiên. Trồng chanh không hạt, nhưng đến khi thu hoạch, mang đi bán, người mua họ lại chê: Chanh gì mà không có hạt, không mua. “Cách nhà cỡ 200 m có đại lý thu mua chanh rất lớn nhưng họ cũng chê, cứ tưởng mình lại sắp lặp lại cái điệp khúc thua lỗ gần chục năm nay. Đêm về cứ rấm rứt khóc”, bà Ba kể.
“Nữ tướng” Bùi Thị Ba trong vườn chanh. |
Thấy không ổn, bà Út quyết định tự cứu mình bằng cách bỏ chanh vào những bọc xốp nhỏ, mang ra chợ giới thiệu sản phẩm. Ban đầu, bà cho mỗi tiểu thương vài ba cân, kèm theo số điện thoại liên hệ. Bà đi từ cái chợ nhỏ xíu gần nhà đến những khu chợ truyền thống lớn ở TP.HCM, rồi sang Tân An, Tiền Giang… Cùng với người con trai út, bà đi từng nhà, bỏ từng bọc chanh cho tiểu thương bán thử, với hy vọng tìm được thị trường cho chanh không hạt.
“Lặn lội mưa nắng suốt mấy tháng trời, cuối cùng cũng có một số tiểu thương ở chợ Tân Bình và chợ Sài Gòn chịu nhận bỏ mối. Sau đó là Co.opMart. Ban đầu chỉ vài chục kg nhưng số lượng sau đó tăng dần lên, khách hàng cũng tăng lên từng ngày. Riêng năm 2009, chanh không hạt được thương lái mua tại vườn với giá 38.000 đồng/kg. Với 2,4 ha vườn chanh đang cho thu hoạch, nhà tui hái hơn 20 tấn trái, thu về hơn 900 triệu đồng”, bà Út kể.
Cũng năm 2009, bà Út chào hàng vào hệ thống siêu thị bán sỉ Metro Cash and Carry ở TP.HCM. Ban đầu, họ không chịu mua, vì sợ “phong cách” làm ăn kiểu “sáng nắng chiều mưa” của nông dân. Thế nhưng cuối cùng, bà cũng thuyết phục thành công đơn vị này chấp nhận phân phối cho gia đình, số lượng ban đầu từ 400 đến 500 kg, tùy thời điểm. “Có lúc cao điểm, Metro gọi điện đặt hàng 1 tấn/ngày. Nhà không đủ chanh nên phải lặn lội sang tận Cần Thơ gom mua từng kg chanh để giao đủ số lượng cho khách, làm ăn phải giữ chữ tín”, bà Út nói.
… đến chanh xuất khẩu
Thấy ổn về thị trường, bà Út tiếp tục thuê đất mở rộng diện tích vườn chanh. Từ 2 ha ban đầu lên 5ha, rồi 10ha. Đến nay, vừa đất nhà, vừa đất thuê, bà có trang trại chanh rộng gần 30 ha.
Cũng từ năm 2006, để có thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, bà Út liên kết với một công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn, xuất khẩu mẻ chanh không hạt đầu tiên ra nước ngoài. Từ 500 kg ban đầu, số lượng dần tăng lên 1 tấn/tuần vào năm 2007. Coi như qua rồi cái thời hái chanh ra chợ trời ngồi bán từng trái. Bà Út bắt đầu tấp nập với những đơn hàng số lượng lớn.
“Ban đầu xuất chanh đi một cách rất đơn giản, chỉ là hái về rửa sạch, chờ cho ráo nước rồi đóng thùng xuất đi. Thế nhưng, qua tới nước bạn, 10 thùng xuất đi thì hư hết 3 thùng do dập nát, thối ủng… Mà hư thì phải đền, nhưng phải cắn răng chịu chứ làm sao”, bà Út nói.
Đến năm 2012, sau một thời gian tích cóp, bà Út cũng đủ tiền để mua một mảnh đất nhỏ gần nhà, xây xưởng sơ chế. Được Sở Công Thương Long An hỗ trợ một giàn máy sơ chế, rửa trái, diệt khuẩn, phân kích cỡ… việc xuất khẩu chanh không hạt của bà Út ngày càng thuận lợi hơn khi không còn cảnh bị khách hàng phàn nàn vì chanh ủng, chanh thối…
Hiện tại, mỗi tuần bà Út cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 50 tấn chanh không hạt và khoảng 100 tấn cho xuất khẩu. Vào mùa cao điểm thu hoạch, số lượng dành cho xuất khẩu tăng lên hơn 20 tấn/ngày.
Hỏi bà Út, trồng chanh không hạt khó nhất khâu nào, bà bảo: “Chanh giấy gai nhiều, khó chăm sóc, lại hay bệnh trong khi chanh không hạt không có gai, lại ít khi bệnh tật. Trồng chanh, tháng nắng đề phòng con nhện, lúc cây ra đọt non thì để ý phòng sâu vẽ bùa. Mùa nước nổi thì nhớ bố trí máy bơm hút nước ra khỏi vườn, không để ngập ruộng. Chỉ có vậy thôi!”.
“Chỉ vậy thôi!” nhưng không phải ai cũng làm được. “Chỉ vậy thôi!” mà mỗi năm, bà Út thu về hơn 1 tỷ đồng từ việc trồng chanh. Cộng với đó, việc thu mua chanh của các hộ khác trong vùng để cung cấp cho thị trường cũng giúp bà có thêm 500 triệu đồng. Bà Bùi Thị Ba là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc của năm 2014 vừa được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh ngày 11/10 vừa qua.
Thắng luôn ở “mặt trận” ổi
Năm 2013, bà Út quyết định trồng xen ổi trong vườn chanh mới trồng để tận dụng đất trống. Trồng thử, ăn chơi, ấy vậy mà, bà thắng thật. Sau 9 tháng chăm sóc, ổi cho trái. Hiện nay, với 4 ha ổi trồng xen vườn chanh, mỗi ngày bà hái hơn 500 kg, thu về hơn 4 triệu đồng. Bà tính, tuổi đời cây ổi chỉ chừng 3 năm, lúc đó chanh lớn, đốn bỏ ổi là “vừa đẹp”, mà lại có thêm thu nhập.