Nidhi Chaphekar nằm bất động trên mặt sàn của sảnh khởi hành ở Sân bay Zaventem của Brussels. Cô sợ phải di chuyển sau 2 vụ nổ bom vừa xảy ra ngày 22/3/2016.
Trong những ngày tiếp theo của vụ đánh bom liều chết, hình ảnh cô gái mặc áo vàng bị thương ngồi thất thần trên băng ghế được truyền thông thế giới đăng tải là minh chứng cho sự kinh hoàng và bi kịch của cuộc tấn công.
Ngày 22/3 năm nay đánh dấu tròn một năm xảy ra hai vụ nổ làm rung chuyển sân bay Brussels và một ga tàu điện ngầm trong thành phố. 32 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau đó đã nhận trách nhiệm trong cả hai vụ tấn công.
Trở lại Brussels, một năm sau, Chaphekar đã khác xa so với người phụ nữ sững sờ ngồi trên ghế sân bay, áo ngực và phần bụng lộ ra do chiếc áo khoác màu vàng của hãng Jet Airways cô mặc đã bị rách. Trước khi vụ tấn công kinh hoàng xảy ra, nữ tiếp viên hàng không đang chuẩn bị bay đến Newark, New Jersey, Mỹ.
"Tôi đã nhìn thấy vụ đánh bom tự sát đầu tiên nhưng lúc đó tôi không hiểu đó là gì. Tôi chỉ thấy như có thứ gì đó đã nổ tung", cô nói với CNN.
Nidhi Chaphekar (phải) và bị thương sau vụ nổ tại sân bay Brussels ở Bỉ vào tháng 3 năm 2016. Ảnh: AP. |
Chaphekar kể lại rằng trong vài giây sau, đám đông bắt đầu chạy tán loạn. "Những người không thể tìm được lối ra trong sự hỗn loạn đó, họ đổ xô về phía chúng tôi, họ kêu khóc và la hét", cô nhớ lại.
Bản năng sinh tồn
Khi cô đang tìm đường thoát hiểm, một vụ nổ khác đã xảy ra. "Tôi bị văng ra vài mét. Chân tôi đáp xuống trước, sau đó người tôi bị đập xuống sàn. Đó là lý do tôi có vết thương ở sau đầu", Chaphekar nói.
Người phụ nữ 41 tuổi này đã cố gắng di chuyển nhưng vô ích, vết thương của cô quá nặng. "Khói bụi khiến tôi không thể nhìn thấy gì. Tôi cứ tự nhủ rằng 'Nidhi, ngồi xuống, di chuyển!'. Lúc đó thật là tệ vì tôi không thể cử động đôi chân mình", cô kể lại.
Khi một binh sĩ chạy ngang qua, Chaphekar đã kêu cứu. Nhờ sự giúp đỡ của anh, cô đã ngồi được xuống một chiếc ghế nhựa. Khuôn mặt cô đầm đìa máu, cô bị bỏng nặng và bị chấn thương bàn chân nghiêm trọng.
Bằng những kỹ năng sơ cứu cơ bản, cô đã tìm cách cầm máu cho phần chân trái bị thương. Trong khi chờ đợi đội cấp cứu tới, cô cũng tìm cách giúp đỡ những người khác.
Hơn 2 tiếng sau, cô được đưa tới bệnh viện ở Antwerp. Chaphekar cung cấp thông tin liên lạc của gia đình tại Mumbai cho các nhân viên y tế và nhờ họ thông báo về nhà. Cô biết thông tin về vụ tấn công sẽ lan tới Ấn Độ và khiến gia đình cô lo lắng.
9 giờ sau vụ nổ, người thân chưa nhận được thông tin gì về Chaphekar. Điều duy nhất cho họ hy vọng chính là bức ảnh chụp tại sân bay.
"Trong 9 giờ đồng hồ đó, bức ảnh đã đem lại hy vọng cho các con tôi. Hình ảnh đó cho thấy tôi không bị thương nhiều. Bọn trẻ thấy mẹ đang ngồi đó, mẹ còn sống, mẹ sẽ được chữa trị và sẽ trở về", cô nói.
Hồi phục trí nhớ sau hôn mê
Trong suốt quãng đường tới bệnh viện ở Antwerp, Chaphekar luôn cố gắng giữ mình tỉnh táo. Cô bị bỏng mặt và các phần khác trên cơ thể, bị gãy một bên chân và bị các mảnh kim loại găm khắp mình.
Chaphekar đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ở Bỉ và Ấn Độ trong những tháng sau vụ tấn công. Ảnh: CNN. |
Chaphekar rơi vào trạng thái hôn mê nhiều ngày liền. Chồng cô đã đáp máy bay tới Bỉ để trông nom vợ bên giường bệnh trong suốt 23 ngày tiếp theo.
Các bác sĩ đã rất vất vả để giữ tình trạng sức khỏe ổn định cho Chaphekar. Giữa tháng 4, cô thức dậy lần đầu tiên kể từ vụ nổ nhưng không biết mình là ai. Vài ngày sau, ký ức của cô mới được khôi phục.
Chaphekar hồi phục trí nhớ không lâu sau khi được xem bức ảnh lần đầu. Cô nói cô bị ấn tượng mạnh bởi vẻ trơ trọi của mình lúc đó.
"Là một nữ tiếp viên hàng không, tôi phải là người đầu tiên cấp cứu cho người khác. Vậy mà lúc đó tôi cảm thấy bất lực và không thể giúp ích gì. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp. Nó cho thấy nỗi đau, cho thấy tất cả", cô xúc động nhớ lại.
Bức ảnh này được chụp bởi nhà báo người Georgia Ketevan Kardava, người cũng chứng kiến vụ nổ. Những tháng sau vụ tấn công, hai người đã liên lạc với nhau.
Ngày trở lại
Khi Chaphekar trở lại Brussels trước lễ tưởng niệm một năm xảy ra vụ khủng bố, Kardava đã có mặt ở đây để chào đón cô. Chaphekar xúc động ôm lấy nữ nhà báo và bày tỏ lòng biết ơn của cô trong ngày cả hai hội ngộ.
Kardava cho biết cô đã chụp 11 bức ảnh vào ngày hôm đó nhưng không biết những tấm ảnh của mình ý nghĩa đến thế nào.
Ban đầu, bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngày hôm sau, bức ảnh có mặt trên khắp các trang báo. Nó trở thành hình ảnh tượng trưng cho vụ tấn công với tất cả sự bối rối, hỗn loạn và bất lực của tình hình lúc đó.
Nhà báo người Georgia Ketevan Kardava lần đầu hội ngộ cùng Chaphekar ở thủ đô của Bỉ vào ngày 19/3, gần một năm kể từ khi xảy ra các cuộc tấn công ở sân bay Brussels vào năm ngoái. Ảnh: Getty. |
Dù đã vượt qua cuộc hành trình dài đầy khó khăn để phục hồi, Chaphekar khiêm tốn nói rằng cô đơn giản chỉ tìm cách đối mặt với từng trở ngại một.
Để có thể đi lại bình thường, cô sẽ phải trải qua vài cuộc phẫu thuật nữa. Tuy vậy, Chaphekar vẫn không nguôi hy vọng được trở lại bầu trời một ngày nào đó.
"Đó là niềm đam mê của tôi. Ngay khi đủ tiêu chuẩn sức khỏe, tôi sẽ lại bay", cô lạc quan nói về công việc tiếp viên hàng không của mình trong tương lai.
Khi Bỉ kỷ niệm 1 năm cuộc tấn công khủng bố với lễ tưởng niệm tại sân bay Zaventem vào sáng ngày 22/3, Chaphekar và chồng tới tham dự cùng những người sống sót và gia đình các nạn nhân.
Dù tâm trạng có phần mâu thuẫn, Chaphekar vẫn cố gắng tập trung vào những điểm tích cực.
"Tôi nhìn nhận điều này như một cách để đem lại hy vọng cho mọi người, rằng cuộc sống có lúc thăng lúc trầm. Tôi muốn nói với họ rằng chúng ta không thể sống sót nếu chỉ có một mình. Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào những người khác.
Chúng ta cần phải gieo hạt giống tình yêu và lòng từ bi, tưới mát cho chúng bằng hy vọng và tình thân. Và quả ngọt sẽ là hòa bình và thịnh vượng", cô nói.