Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ tiến sĩ Việt đam mê nghiên cứu và bóng đá

Với sáng chế độc quyền đăng ký tại Hàn Quốc, TS Trịnh Kiều Thế Loan, trợ lý giáo sư tại khoa Công nghệ Sinh học Nano, ĐH Gachon tạo tiếng vang trong giới nghiên cứu công nghệ.

Trịnh Kiều Thế Loan sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Phong Phú, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Cấp một, hai, Loan là học sinh giỏi nhất trường làng.

“Tuy vậy, thời điểm những năm 2003-2006, một học sinh thuộc trường làng của tỉnh miền Tây gần như không thể đỗ đại học. Muốn nuôi giấc mơ làm sinh viên đại học phải là học sinh trường chuyên. Tôi là đứa con duy nhất trong gia đình có bố mẹ đều làm giáo viên nên họ quyết định đầu tư cho tôi thi vào trường chuyên để rộng cửa vào giảng đường đại học”, Loan kể.

Nu tien si Viet nhan hoc bong anh 1
Trịnh Kiều Thế Loan nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018. Ảnh: Tiền Phong.

Từ học trò làng nghèo

Khi quyết định ôn thi vào trường THPT chuyên Trà Vinh (nay là trường THPT chuyên Trà Vinh Nguyễn Thiện Thành), nữ sinh gặp rất nhiều áp lực, sợ không đỗ, bố mẹ sẽ buồn, những người thân yêu thất vọng.

“Nhưng tính tôi rất quyết liệt, một khi đã quyết định làm việc gì, dù khó đến mấy vẫn đặt quyết tâm cao nhất. Tôi lao vào ôn thi không kể ngày đêm và kết quả là đỗ trường chuyên. Tôi một mình thuê trọ xa nhà. Bố mẹ vừa phải lo tiền học, rồi tiền ăn ở, sinh hoạt của tôi khá tốn kém. Thương bố mẹ, tôi đặt cho mình mục tiêu sống chết gì cũng phải đỗ đại học”, Loan chia sẻ.

Loan trở thành đứa con đầu tiên của xã Phong Phú thi đỗ ĐH Cần Thơ, chuyên ngành Công nghệ Sinh học. Đây là ngành đáng mơ ước của nhiều bạn cùng trang lứa và cũng là khóa đầu tiên thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học.

Tiến sĩ xứ sở kim chi

Tháng 8/2010, khi chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đại học, Loan xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn khắt khe chinh phục suất học bổng toàn phần bậc thạc sĩ, tại khoa Công nghệ Sinh học Nano, ĐH Kyungwon, Hàn Quốc (nay là ĐH Gachon).

Năm đầu học thạc sĩ, chưa quen với môi trường làm việc mới và vốn tiếng Anh không tốt, Loan phải nỗ lực nhiều hơn gấp bội so với bạn bè, từ việc trau dồi ngoại ngữ, đọc các bài báo khoa học làm tăng vốn kiến thức chuyên ngành, xây dựng ý tưởng, và gần như “chôn chân” tại phòng thí nghiệm.

“Khi bước chân sang Hàn Quốc, tôi tâm niệm, phải học làm sao để giáo sư hướng dẫn cảm thấy hài lòng về mình và sau hai năm học thạc sĩ họ sẽ mời mình ở lại trường học lên tiến sĩ. Tôi không muốn bị hoang phí thời gian ở xứ người nên cứ lao vào học, làm thí nghiệm, viết các bài báo khoa học, gần như không có thời gian chăm sóc bản thân", Loan tâm sự.

Hiện, TS Trịnh Kiều Thế Loan có 20 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 14 bài thuộc danh mục Q1 (7 bài tác giả chính), 5 bài thuộc danh mục Q2 (4 bài tác giả chính) và tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q3; đồng tác giả 2 bằng phát minh sáng chế; Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018.

Loan lần lượt chinh phục từng mục tiêu mình đã đặt ra, tốt nghiệp thạc sĩ, được cấp học bổng toàn phần từ trường học tiếp lên tiến sĩ. Tháng 8/2015, Loan tốt nghiệp xuất sắc hệ tiến sĩ ĐH Gachon.

Sau hơn 6 tháng làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc), Loan may mắn được chọn vào vị trí Trợ lý giáo sư của trường và làm việc trong nhóm nghiên cứu của GS Lee Nae Yoon (giáo sư hướng dẫn đề tài thạc sĩ và tiến sĩ).

Từ những ngày học thạc sĩ, Loan đã có các bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín thế giới, chủ yếu ở danh mục Q1- các tạp chí đầu ngành theo từng lĩnh vực nghiên cứu. Các bài báo chủ yếu về chế tạo vi chip dựa trên phương pháp PCR ứng dụng phát hiện mẫu bệnh phẩm trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, y dược, và y tế cộng đồng.

Năm đầu tiên học tiến sĩ 2012, Loan đã có bài báo công bố gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu y học trên tạp chí Analyst, với tựa đề “Flow-through PCR on a 3D qiandu-shaped polydimethylsiloxane (PDMS) microdevice employing a single heater: toward microscale multiplex PCR”.

Bài báo nghiên cứu về chế tạo một vi chíp có cấu trúc 3D có khả năng làm biến thiên nhiệt độ phù hợp cho phản ứng PCR sử dụng một thiết bị nhiệt đơn để phát hiện nhiều mẫu bệnh phẩm trong cùng một phản ứng.

Công bố này được hầu hết tạp chí uy tín trên thế giới trích dẫn, đồng thời được tóm tắt lại như một sáng tạo đột phá đăng trên “Chemistry World” và “Technology Review” bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và Đức.

Từ bước đệm vững chắc này, năm 2014, nữ tiến sĩ Trịnh Kiều Thế Loan có bằng sáng chế đầu tiên về sử dụng thiết bị nhiệt đơn điều khiển phản ứng PCR với vi chíp cấu trúc 2D trong ứng dụng phát hiện mẫu bệnh phẩm. Đây là bằng sáng chế độc quyền trên thế giới.

Loan dẫn chứng về tính ưu việt vượt trội của thiết bị vi chíp phát hiện mẫu bệnh phẩm. Theo đó, nếu muốn phát hiện một con vi rút cúm, chỉ cần một người bình thường lấy mẫu bệnh phẩm đó bơm vào chip. Chỉ sau 1 tiếng, vi chip sẽ phân tích cho ra kết quả có vi rút cúm hay không.

Trong khi đó, hiện tại, để phát hiện một mẫu bệnh phẩm cần người có trình độ chuyên môn cao lấy mẫu làm các thí nghiệm phức tạp rồi hội đồng khoa học thẩm định hội chẩn mất rất nhiều thời gian mới cho ra được kết quả cuối cùng.

Năm 2016, Loan tiếp tục có bằng sáng chế thứ 2, phát triển từ bằng sáng chế thứ nhất theo công nghệ chế tạo vi chip cấu trúc 3D đơn giản.

Nu tien si Viet nhan hoc bong anh 2

Nữ đội trưởng đội bóng đá Gachon

Khác với hình ảnh một nhà nghiên cứu khoa học cần mẫn trong phòng thí nghiệm, Loan ở ngoài đời là người hướng ngoại, rất sôi nổi, năng động. Ngoài nghiên cứu khoa học, Loan còn có một niềm đam mê khá trái ngược nhưng không kém phần cháy bỏng, đó là bóng đá.

Năm 2014, Loan tập hợp các bạn nữ đang học tập tại ĐH Gachon và thành lập đội bóng đá nữ Gachon với 7 thành viên. Đội có slogan đầy máu lửa: “Đá chết bỏ”.

Từ ngày thành lập, đội bóng nữ Gachon đã tạo nên thương hiệu khi liên tục vô địch, giành các giải cao tại các giải bóng đá nữ, có hẳn một giàn trưng bày cúp. Trong đó, phải kể đến cúp vô địch bóng đá nữ Vòng chung kết Đại hội Thể dục Thể thao Hàn Quốc dành cho sinh viên Việt Nam liên tiếp hai năm 2017 và 2018.

“Tôi là đội trưởng, đồng thời là hậu vệ trung tâm nhưng rất tích cực tham gia tấn công, ghi nhiều bàn thắng. Với tôi, thành tích của đội nữ Gachon là sự cố gắng nỗ lực của toàn đội, biểu trưng mạnh mẽ cho tinh thần đoàn kết của người Việt dù có đang sống và làm việc tại bất cứ nơi đâu”, Loan chia sẻ.

Du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc quây quần đón Tết Nguyên đán

Chỉ là những bữa ăn đơn giản với bánh chưng, dưa hành, du học sinh Việt Nam tại các trường đại học ở Hàn Quốc đã quây quần bên nhau để đón Tết cổ truyền trên đất bạn.

https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nu-tien-si-viet-voi-hai-dam-me-nghien-cuu-va-bong-da-1375920.tpo

Theo Lưu Trinh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm