Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ tiến sĩ giành giải văn học chia sẻ bí quyết cân bằng cuộc sống

Với tác phẩm "Trái tim trên những con đường", nữ Tiến sĩ ngành Điện tử viễn thông, Mai Thanh Nga đã giành giải Ba giải văn học Đoàn Thị Điểm lần 2.

Mai Thanh Nga (sinh năm 1986) là một trong số ít nữ sinh viên nhận học bổng Eramus Mundus của Liên minh châu Âu về ngành điện tử viễn thông. Sau 8 năm “rong chơi” ở trời Âu, cô nhận bằng tiến sĩ tại Telecom Paristech (Paris, Pháp) lúc 28 tuổi. Hiện, Thanh Nga làm việc ở Anh và là tác giả hai tựa sách: Chộn rộn xứ người (2004) và Trái tim trên những con đường (2017).

'Đừng bao giờ giới hạn và coi thường bản thân mình'

- Công việc hàng ngày của chị là thiết kế ăng ten, nó có điểm gì thú vị?

- Nếu được hỏi cảm nhận về công việc của kiến trúc sư hay nhà thiết kế thời trang, tôi đoán hầu hết mọi người đều nghĩ nó khá ngầu. Công việc thiết kế ăng ten cũng ngầu thế đấy, cũng đòi hòi sự tìm tòi, sáng tạo, và trí tưởng tượng, có điều trong giới hạn khoa học. Tôi thấy việc thiết kế ăng ten giống như vẽ tranh bằng công thức toán và kiến thức vật lý.

- Chị đã viết truyện ngắn đầu tiên năm lớp 11. Tại sao một cô gái có “mộng văn chương” lại học chuyên Toán, sau đó thi vào khoa Điện tử viễn thông?

- Hồi đó viết truyện chỉ là một lúc cao hứng, chứ tôi chưa có đam mê viết lách. Niềm yêu thích lâu dài của tôi vẫn là học toán, thậm chí phải đấu tranh với bố để đi học chuyên toán. Thế nhưng khi lên cấp 3, có một thứ khác đã cuốn hút tôi hơn đó là làm robot. Do đó, tôi quyết định đi học điện tử viễn thông.

Trong 5 năm học, tôi không thể làm được con robot nào, và giờ thì tôi thành kỹ sư thiết kết ăng ten. Tôi nghĩ khả năng và sở thích của con người rất vô hạn, không nên bó buộc mình vào một con đường nhất định, trừ khi bạn đã tìm được niềm đam mê tột bậc ở đó.

Đi làm kỹ thuật, bạn vẫn có thể viết văn, và những nhà văn vẫn có thể đi làm kỹ thuật. Đừng bao giờ giới hạn và coi thường bản thân mình.

- Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, chị nhận học bổng Eramus Mundus sau đại học ở Bỉ và Ý, bảo vệ tiến sĩ tại Telecom Paristech – Pháp khi 28 tuổi, và bây giờ đang làm việc ở Anh. Chị quan niệm thế nào về chủ nghĩa xê dịch trong thế kỷ 21 này?

- Tôi thấy tuổi tác và bằng cấp không liên quan tới nhau. Chuyện bảo vệ tiến sĩ ở tuổi nào không phải là điều tôi thích đề cập. Đúng là tôi khá long nhong, mỗi năm chuyển nhà một lần, buồn buồn thì chuyển hẳn qua nước khác, nếu có cơ hội.

Với tôi ngôi nhà không chỉ bó hẹp trong chiếc hộp bê tông, mà trái đất tươi đẹp này mới chính là ngôi nhà lớn. Chúng ta yêu ngôi nhà của mình và luôn muốn biết rõ mọi ngóc ngách. Ở thế kỷ 21 này việc xê dịch chỉ đơn giản là đi lang thang trong nhà mình mà thôi.

Tien si Thanh Mai anh 1
Mai Thanh Nga vừa đoạt giải cao nhất tại Giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: NVCC.

Đi chơi như phương thức chữa bệnh

- Làm thế nào để một người mẹ như chị có thể vừa đi học, vừa làm lại vừa “rong chơi vòng quanh châu Âu” và viết sách?

Thực ra, tôi thấy, đi học có rất nhiều thời gian rảnh rỗi, hết nghỉ đông tới nghỉ xuân, rồi nghỉ hè, chỉ sợ không có tiền để đi chơi. Khi làm tiến sĩ tôi có bận hơn, nhưng cứ khi nào căng thẳng với việc nghiên cứu, tôi lại bỏ đi chơi, giống như một phương thức chữa bệnh vậy.

Hồi đó cô đơn vừa là món quà vừa là nỗi ám ảnh. Bây giờ, ban ngày tôi vừa làm việc, vừa làm mẹ, còn ban đêm thì dành thời gian cho bản thân: xem phim, đọc sách, hoặc viết blog. Tôi nghĩ tôi là một chiến binh chống bệnh lười khá giỏi.

Tôi đã viết blog du ký 7 năm, chỉ là tới giờ mới tìm được cơ hội xuất bản thành sách. Viết du ký giống như được sống lại cuộc đời mình lần nữa vậy.

- Là một trong số ít sinh viên nữ nhận học bổng Eramus Mundus ngành Điện tử viễn thông đợt đầu (2009-2011), chị có bí quyết gì để làm được điều này?

- Tôi nghĩ muốn xin được học bổng nói chung thì phải thật quyết tâm và đầu tư nhiều thời gian. Eramus Mundus là học bổng học tập và nghiên cứu tại châu Âu nên đánh giá cao các ứng cử viên thiên về nghiên cứu học thuật. Bảng điểm đại học đẹp là một điều cần thiết và thành tích nghiên cứu là điểm sáng nên có trong hồ sơ.

Năm cuối đại học tôi vừa phải ôn thi TOEFL, GRE, vừa dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo cho tạp chí chuyên ngành, và cả cho hội nghị quốc tế tại Việt Nam.

Báo chuyên ngành, hội nghị trong nước, các cuộc thi kỹ thuật là vừa sức với sinh viên đại học, tôi khuyến khích các bạn tham gia nhiều, vừa để tích lũy kiến thức thực tế, vừa để làm dày hơn bảng thành tích. Tiếng Anh đương nhiên là không thể thiếu, học ngoại ngữ không bao giờ là thừa, kể cả bạn không đi du học.

Về xin học bổng tiến sĩ mọi người có thể tìm các thông báo trên mạng hoặc nếu biết trường, giáo sư nào mình muốn làm việc cùng thì tìm hiểu rõ hơn những công trình nghiên cứu của họ. Sau đó trực tiếp gửi thư liên hệ giáo sư để hỏi về cơ hội cho bản thân.

Tien si Thanh Mai anh 2
Du lịch là sở thích của nữ tiến sĩ vừa đoạt giải văn học. Ảnh: NVCC.

- Điện tử viễn thông đang là ngành hot. Tuy nhiên, mọi người vẫn nghĩ học ngành này đau đầu và cực khổ đối với các bạn nữ. Còn chị, chị cảm thấy thế nào?

- Thời điểm tôi định thi vào ĐH Bách khoa thì ai cũng can ngăn vì sợ khổ sở, vất vả. Đến khi theo học thì mẹ nói sao mẹ thấy con nhàn nhã quá vậy. Thực ra khó dễ, sướng khổ hay không là do bản thân. Tôi cân bằng được việc học và chơi thì tự thấy cũng nhẹ nhàng.

Hãy làm điều mình thích, hoặc thích điều mình làm. Mỗi ngành có cái khó riêng, tôi không nghĩ kỹ thuật thì khó hơn các ngành nghề khác, thậm chí rất thú vị, đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác, rất hợp với các bạn nữ. Trước khoa học chúng ta bình đẳng.

‘Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki’ - hãy sống phi lý trí

Đừng chần chừ tỏ bày những cảm xúc của bản thân nữa.

Tuệ Mẫn

Bạn có thể quan tâm