Ngày 24/11, sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, Thụy Điển đã có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử: Bà Magdalena Andersson - 54 tuổi, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội.
Đây là một sự kiện quan trọng bởi Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu duy nhất chưa có lãnh đạo là nữ giới. Ngoài ra, việc bà Andersson trở thành nữ thủ tướng đầu tiên vào năm 2021 đúng mốc 100 năm sau khi đất nước Scandinavia này mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ.
Bà Andersson trở thành người phụ nữ đầu tiên đắc cử vị trí thủ tướng Thụy Điển sau khi đạt thỏa thuận phút chót với đảng cánh tả để tăng lương hưu nhằm đổi lấy sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/11.
Bà được kỳ vọng sẽ trở thành tân thủ tướng Thụy Điển từ cách đây vài tháng, sau khi ông Stefan Lofven quyết định từ chức chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội bởi tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng đạt mức thấp kỷ lục.
Bà Andersson là người kế nhiệm ông Lofven cho vị trí chủ tịch của đảng khi đó.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà kéo dài chưa đầy 12 tiếng, theo CNN.
Từ chức sau vài giờ đắc cử
Vài giờ sau khi đắc cử, bà đã từ chức sau quyết định từ bỏ liên minh của đảng Xanh, đảng cấp dưới trong liên minh. Đảng Xanh cho biết họ sẽ rời chính phủ sau khi dự luật ngân sách của liên minh bị quốc hội bác bỏ.
Thay vào đó, quốc hội thông qua đề xuất ngân sách thay thế do đảng Bảo thủ đối lập, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu đưa ra.
Bà Andersson nói với lãnh đạo quốc hội rằng bà hy vọng sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng một lần nữa với tư cách là người đứng đầu chính phủ một đảng.
Bà Magdalena Andersson trong cuộc họp báo sau khi trở thành nữ thủ tướng Thụy Điển đầu tiên ngày 24/11. Ảnh: AFP. |
Trước bà Andersson, Thụy Điển có 33 thủ tướng là nam giới. Bà có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Kinh tế Stockholm và bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1996 với tư cách là cố vấn cho Thủ tướng Goran Persson lúc bấy giờ.
Theo sơ yếu lý lịch đăng trên trang web của chính phủ Thụy Điển, bà Andersson từng là Phó tổng giám đốc Cơ quan Thuế Thụy Điển, trước khi trở thành người phát ngôn chính sách kinh tế của đảng Dân chủ Xã hội vào năm 2012.
Từ năm 2014, bà giữ chức Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển. Đây là một điều khá hiếm hoi bởi các bộ trưởng nữ thường phụ trách các vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em, xã hội, việc làm hay những vấn đề của phụ nữ.
Bà cũng là người phụ nữ thứ hai đứng đầu đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối trung tả.
CNN nhận định dù ai là người dẫn dắt Thụy Điển cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Bạo lực băng đảng và các vụ xả súng đã tàn phá cuộc sống ở vùng ngoại ô của thủ đô Stockholm và các thành phố lớn khác.
Không chỉ vậy, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống phúc lợi công của Thụy Điển, khi tỷ lệ của nước này cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu. Chính phủ cũng cần tăng tốc để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh nếu muốn đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Chỉ có số ít lãnh đạo là nữ giới
Bà Andersson có một khoảng thời gian ngắn ngủi gia nhập hàng ngũ của khoảng 20 nữ nguyên thủ quốc gia và chính phủ đương nhiệm, theo UN Women - Cơ quan của Liên Hợp Quốc tập trung vào lĩnh vực bình đẳng giới. Khoảng một nửa phụ nữ trong số này đứng đầu các nước châu Âu, Washington Post đưa tin.
Thụy Điển là nước Bắc Âu cuối cùng - Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland - bầu nữ giới vào chức vụ cao nhất lãnh đạo đất nước. Các quốc gia tại bán đảo Scandinavia nổi tiếng với một số chính sách về giới tiến bộ nhất trên thế giới.
Vào tháng 9 vừa qua, Tunisia đã bổ nhiệm Najla Bouden Romdhane làm nữ thủ tướng đầu tiên tại quốc gia này. Bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo quốc gia đa số là người Ả Rập.
Tuy nhiên, nhiều người có phản ứng trái chiều bởi sự thăng tiến của bà Romdhane xảy ra sau khi Tổng thống Tunisia Kais Saied bãi nhiệm chính phủ cũ và đình chỉ quốc hội vào tháng 7.
Bà Bouden Romdhane trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Tunisia và nữ thủ tướng đầu tiên của thế giới Ả Rập. Ảnh: AP. |
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, người giữ chức vụ này trong 16 năm, được coi là nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, trước khi bà quyết định không tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 9 vừa qua.
Hôm 24/11 (giờ địa phương), ba đảng - đảng Dân chủ Xã hội (SDP), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, New York Times đưa tin.
Ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng SDP, sẽ trở thành tân thủ tướng của nước Đức, kết thúc kỷ nguyên cầm quyền của bà Angela Merkel. Ông Scholz dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng 12.
Bất chấp sự nghiệp chính trị lâu dài có ảnh hưởng lớn của bà Merkel, những nhà lãnh đạo là nữ giới trên thế giới vẫn rất hiếm.
Theo UN Women, chỉ có 21% bộ trưởng nữ trong các bộ máy chính phủ của những quốc gia trên thế giới. Theo cơ quan của Liên Hợp Quốc, với tốc độ hiện tại, bình đẳng giới thể hiện qua vị trí bộ trưởng trong chính phủ sẽ không thể đạt được trước năm 2077.
Các cấp chính quyền khu vực và địa phương cũng chứng kiến sự chênh lệch giới tính tương tự. Tuy nhiên, tính trung bình, có một số quốc gia có nhiều phụ nữ tham gia vào chính trường hơn những nước khác.
Trên toàn cầu, chỉ 25% đại biểu quốc hội là phụ nữ - tăng 14% so với năm 1995. Nữ giới chiếm 35% trong các cơ quan thảo luận cấp địa phương, theo UN Women.