Todoroki phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 18 tuổi. |
Todoroki (30 tuổi) được mệnh danh là nữ thần phẫu thuật thẩm mỹ của Nhật Bản. Cô đã chi hơn 13 triệu yen cho các cuộc dao kéo trong một thập kỷ qua.
Todoroki là một trong số ít vlogger không chỉ tập trung vào chủ đề bị cấm kỵ ở quê nhà mà còn thể hiện mặt tối của ngành dịch vụ này.
Từ khi bước sang tuổi 18, cô đã trải qua hàng chục lần chỉnh sửa gương mặt và luôn công khai kết quả.
Mặc dù tuyên bố chưa bao giờ hối hận về hành trình làm đẹp bằng phương pháp xâm lấn, Todoroki không che giấu sự thật về một ca phẫu thuật khiến cô bị tê môi trên.
Nữ vlogger lần đầu quyết định phẫu thuật thẩm mỹ khi còn là học sinh trung học vì bị các bạn cùng trang lứa trêu chọc về ngoại hình. Họ thường xuyên gọi cô là đồ xấu xí và cười nhạo điều đó.
Ban đầu, Todoroki nghĩ rằng đó là do mình nhút nhát và có sở thích otaku (thuật ngữ chỉ những đối tượng có đam mê cuồng nhiệt với anime, manga, trò chơi điện tử hoặc máy tính).
Nhưng sau một chuyến đi thực tế, cô nhận ra rằng bản thân cũng tự coi mình kém sắc hơn so với bạn bè.
“Khi chụp ảnh với họ, tôi sốc khi thấy mình xấu hơn mọi người”, cô kể.
Nữ thần dao kéo của Nhật Bản chi 13,5 triệu yen để thay đổi ngoại hình. Ảnh: Oddity Central. |
Cô gái 30 tuổi nói rằng trong khi hầu hết tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để khiến bản thân trở nên hấp dẫn thì cô làm điều đó để biến bản thân trông bình thường và được làm chính mình.
Cô đã thực hiện mong ước này sau khi thuyết phục cha mẹ ký vào một lá thư đồng ý. Lúc đó, gia đình của Todoroki cũng không thực sự chấp thuận nhưng cuối cùng họ vẫn chiều theo ý con gái.
Ở tuổi 18, Todoroki cắt mắt 2 mí và tiếp tục hàng chục thủ tục khác. Đến nay, cô hoàn toàn lột xác so với dáng vẻ thời nữ sinh.
Hiện cô sở hữu một kênh YouTube có 406.000 người theo dõi và trở thành KOL trong ngành công nghiệp làm đẹp.
Todoroki hay chia sẻ nội dung về phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng xã hội. Ảnh: Instagram NV. |
Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn bị nhiều người phản đối ở xứ sở mặt trời mọc và phải hoạt động trong thầm lặng.
Nhiều bệnh nhân chọn cách giữ kín việc làm của họ để tôn trọng các giá trị truyền thống của đất nước và sợ thái độ tiêu cực của xã hội với chỉnh sửa cơ thể.
Nữ vlogger tin rằng một ngày nào đó phương pháp làm đẹp này sẽ bén rễ ở Nhật Bản, giống như tại Hàn Quốc.
“Đối với tôi, phẫu thuật thẩm mỹ là một ‘phương thuốc’ để chấp nhận bản thân. Tôi tự tin rằng mình đang tiến gần hơn đến mức bình thường. Nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ, tôi đã trải qua những thất bại. Vì thế, tôi nghĩ việc nói chuyện cởi mở về nó rất quan trọng”, Todoroki chia sẻ.
Trên kênh YouTube của mình, Todoroki thường tường thuật về quá trình thực hiện cũng như nỗi đau và thời gian hồi phục mà cô phải chịu đựng để đạt được kết quả ưng ý.
Cô cũng thẳng thắn thừa nhận về mặt tối của “dao kéo” và cố gắng giúp mọi người đưa ra quyết định đúng đắn thay vì mù quáng nghe theo quảng cáo.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.