Nữ quân nhân Mỹ được đánh trận như nam
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây có thông báo bãi bỏ quy định cấm nữ quân nhân trực tiếp chiến đấu và sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2016.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có sự bình quyền này, các nữ quân nhân Mỹ phải kiện tụng khá gian khổ.
Đối phương không phân biệt giới tính
Vào cuối năm 2012, một nhóm quân nhân nữ Mỹ đệ đơn lên tòa án kiện Bộ Quốc phòng Mỹ với cáo buộc cơ quan này phân biệt giới tính nữ trong quân đội và tước đi một số quyền của họ.
“Đối phương không phân biệt giới tính” - Jennifer Hunt, 28 tuổi, trung sĩ dự bị quân đội Mỹ khẳng định như vậy. Cùng với những quân nhân nữ dự bị khác, Jennifer Hunt kiện Lầu Năm Góc vì cho rằng, cơ quan này vi phạm hiến pháp, hạn chế quyền tham gia chiến đấu tại chiến trường của các quân nhân nữ.
Bốn người khởi kiện ngoài Jennifer Hunt còn có đại úy Zoe Bedell, 27 tuổi; trung úy Colleen Farrell, 26 tuổi và thiếu tá Jennings Hegar, 36 tuổi. Thiếu tá Hegar vừa kết thúc nhiệm vụ trong quân đội thường trực, ba người còn lại hiện đang thuộc lực lượng dự bị.
Thiếu tá Jennings Hegar (phải) tại Afghanistan - Ảnh: statesman.com |
Luật sư Ariela Migdal (bìa trái) và bốn quân nhân nữ kiện Lầu Năm Góc tại tòa án California - Ảnh: statesman.com |
Cả bốn người phụ nữ nêu trên, khẳng định họ từng tham gia tác chiến tại chiến trường Afghanistan và Iraq, nhưng sau đó lại bị đối xử thiếu công bằng. Quyền lợi của họ trước tòa án liên bang do tổ chức nhân quyền “Liên minh đấu tranh cho quyền tự do công dân Mỹ” (ACLU) bảo vệ.
Hiện tại tổng số quân của quân đội Mỹ là 1,4 triệu người. Trong số này, quân nhân nữ chiếm gần 14%, tương đương với 200.000 người. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong vòng 11 năm qua, có khoảng 280.000 phụ nữ tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Trong đó có 144 người đã chết và 860 người là thương binh. Trong khi đó theo tính toán của ACLU, có 85% quân nhân nữ nhập ngũ sau sự kiện 11.9 phục vụ tại Afghanistan và Iraq. Trong đó một nửa trong số họ trực tiếp tham gia vào các chiến dịch quân sự.
Theo các quy định đề ra vào năm 1994 của Lầu Năm Góc, phụ nữ bị cấm phục vụ trong các đội quân ở cấp độ thấp như tiểu đội, đại đội, tiểu đoàn, có nhiệm vụ hàng đầu là trực tiếp giao tranh trên mặt đất. Nói cách khác, tại chiến trường, các nữ quân nhân chỉ được phép có mặt trong các đạo quân lớn, ở bộ chỉ huy cấp cao. Họ bị cấm hoàn toàn việc cùng tham gia chiến đấu với bộ binh.
“Chỉ vì các quy định nêu trên mà các quân nhân nữ bị hàng loạt các hạn chế khi theo binh nghiệp và họ không có điều kiện, cơ hội thực thi hàng nghìn nghĩa vụ khác” - luật sư Ariela Migdal thuộc ACLU, người bảo vệ quyền lợi của bốn quân nhân nữ nêu trên tại tòa án liên bang ở California nói.
Không có ranh giới nơi trận tuyến
Theo một số nhà làm luật, việc hạn chế quyền của quân nhân nữ với mục đích giảm nhẹ sự nguy hiểm cho họ trước đây có vẻ hợp lý, nhưng giờ đây lại trở nên lỗi thời. Những quy định đó không còn phù hợp trong điều kiện quân đội Mỹ tham chiến ở nước ngoài như đại úy thủy quân lục chiến Zoe Bedell nói: “Không có ranh giới nơi trận tuyến và không có vùng an toàn cho riêng ai”.
Vào năm 2009, đại úy Zoe Bedell làm nhiệm vụ tại Afghanistan, trong một đơn vị bao gồm 46 quân nhân nữ, đồn trú cùng với một bộ phận lính bộ binh nam. Những quân nhân nữ thuộc cấp của Bedell làm nhiệm vụ tuần tra xung quanh khu vực đồn trú. Họ được trang bị và mang vũ khí giống như các nam quân nhân và từng bị phiến quân Taliban tấn công dữ dội. Tuy thế, Bedell phàn nàn rằng, đơn vị của mình không được thừa nhận là trực chiến, tham gia chiến đấu mà chỉ là bộ phận làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Những quân nhân nữ nguyên đơn khẳng định, các quan chức quân sự luôn dựa vào các quy định cứng nhắc nhằm hạ thấp vai trò của phụ nữ trong các chiến dịch quân sự. Ví dụ, quân nhân nữ có thể biên chế vào các đơn vị chiến đấu nhưng với tư cách tạm thời. Còn các đơn vị nữ mang tiếng làm nhiệm vụ hỗ trợ thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị điều động, rút khỏi khu vực chiến sự. Kết quả là đơn vị toàn quân nhân nữ đó không được công nhận là đơn vị chiến đấu.
Trung sĩ Jennifer Hunt vào năm 2007 được điều động đến Iraq, cô phục vụ trong một đơn vị kỹ sư và chuyên dò tháo gỡ mìn. Sau đó nữ trung sĩ này bị thương ở mặt, tay và bị bỏng ở lưng. Thiếu tá Jennings Hegar thuộc lực lượng không quân, năm 2009 được điều động đến chiến trường Afghanistan. Cô lái máy bay trực thăng và bị thương khi phiến quân Taliban tấn công. Dù bị thương, nhưng Hegar vẫn đáp trực thăng an toàn và nổ súng tấn công quân Taliban, tạo điều kiện di chuyển tốt những quân nhân bị thương.
Cả hai nữ quân nhân vừa nêu đều được tặng thưởng Huân chương Purple Heart và các phần thưởng khác, nhưng về hình thức lại không được thừa nhận đã trực tiếp tham chiến.
Bộ Quốc phòng Mỹ có phản ứng đối với đơn kiện của các quân nhân nữ nêu trên. Đại diện bộ này là bà Eileen Lainez lưu ý rằng, một số rào cản đã được tháo gỡ. Vào tháng 2.2012, một số quy định của năm 1994 đã được sửa đổi, nhờ thế mà quân nhân nữ được mở rộng đối với 14.000 quyền trong lực lượng vũ trang. Trong đó có thể kể đến việc phụ nữ chính thức được cho phép phục vụ trong đội quân đồn trú với các lính chiến, cũng như được biên chế vào các đơn vị cấp tiểu đoàn.
Bà Eileen Lainez nói: “Mục đích của chúng tôi là làm sao các nhiệm vụ đề ra được hoàn thành tốt hơn và chuyên nghiệp hơn mà không phụ thuộc vào giới tính của quân nhân”. Theo lời bà Lainez, Bộ Quốc phòng Mỹ đã và đang làm tất cả những điều có thể để chính sách nhân sự trong các lực lượng vũ trang đáp ứng những nguyên tắc bình đẳng giới.
Trong khi đó theo ACLU, các nữ quân nhân hiện vẫn còn bị cản trở, không cho phép thực thi 238.000 quyền trong quân đội. Họ vẫn không được phép chiến đấu cùng lực lượng bộ binh. Họ vẫn chưa được học tại một số cơ sở đào tạo như các nam quân nhân và có ít cơ hội được hưởng quyền lợi hơn so với cánh đàn ông. Nếu thiếu kinh nghiệm chiến đấu, phụ nữ còn khó thăng tiến hơn trong binh nghiệp.
Những người chống lại luận thuyết “bình đẳng giới trong chiến đấu” tỏ ý nghi ngờ rằng, về thể lực phụ nữ có thể chiến đấu ngang ngửa với đàn ông. Tuy nhiên, tòa án liên bang tại California không phải là nơi duy nhất các quân nhân nữ đòi bình đẳng giới trong quân đội.
Tại Washington, từng có hai quân nhân nữ thuộc lực lượng dự bị cũng kiện để hủy bỏ các điều luật hạn chế quyền của họ trong quân đội. Các quân nhân nữ thông qua tòa án, đã và đang đòi được quyền bình đẳng với nam giới trong quân đội.
Theo Tin nóng