Theo South China Morning Post, Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn gần đây đã lên án hành vi thách cưới với giá cắt cổ. Ông cảnh báo rằng ở nhiều nơi, các gia đình nông dân đang lao vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành lấy cô dâu. Giới chức Trung Quốc khuyến cáo người dân cần hạn chế tiền ma chay, cưới xin.
Thế nhưng, người dân ở nông thôn và các nhà nhân khẩu học chỉ ra rằng áp lực xã hội và các vấn đề nhân khẩu học là nguyên nhân sâu xa thúc đẩy tình trạng này, cụ thể là sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc.
Theo truyền thống tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, gia đình nhà trai là bên trả tiền cho tổ chức đám cưới, cộng thêm một khoản tiền dành cho gia đình nhà gái. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Con trai lấy vợ, gia đình nghèo đi
Theo truyền thống, gia đình nhà trai ở Trung Quốc sẽ tặng quà cho bố mẹ cô dâu. Nhưng ông Hàn cho biết trong thời gian gần đây, có những gia đình đã phải chi số tiền thách cưới lên tới 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD), trong khi con số trung bình của thập niên 1990 chỉ là 10.000 nhân dân tệ, và trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, số tiền này chỉ vào khoảng 200 nhân dân tệ.
"Đánh giá tại chỗ của chúng tôi ở các ngôi làng thường cho thấy một số gia đình đã trở nên nghèo khó hơn khi con trai họ kết hôn. Đây không phải là điều hiếm gặp", ông Hàn cho biết.
Thứ trưởng cũng cho rằng những món quà cưới đắt đỏ và số tiền phải trả cho lễ lạt là chi phí lớn nhất mà người dân ở khu vực hẻo lánh phải đối mặt, chỉ sau chi phí sinh hoạt.
"Những người nông dân phàn nàn rất nhiều về các vấn đề cưới xin. Nhưng họ cảm thấy thật khó để thay đổi những thứ đang diễn ra vì họ không muốn bị mất mặt", ông Hàn nhận định.
"Công chúng đang hy vọng chính phủ có thể giúp giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả".
Tuy nhiên, theo ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập tại tỉnh Quảng Đông, chi phí cao liên quan đến các cuộc hôn nhân ở làng chủ yếu đến từ tỷ lệ giới tính mất cân bằng ở khu vực này. Di sản của chính sách một con khiến đàn ông ở nông thôn khó tìm được vợ.
"Tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh tại Trung Quốc đạt mức chênh lệch lớn nhất - 120 bé trai/100 bé gái - vào năm 2000. Sự chênh lệch này đã dần giảm xuống từ năm 2010, sau khi chính phủ cho phép các cặp đôi sinh con thứ hai", ông He cho biết.
Một đám cưới truyền thống tại khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Chuyên gia này cho biết chênh lệch giới tính ở khu vực nông thôn tệ hơn thành phố, vì người nông dân thường thích sinh con trai. Con trai có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ già.
"Có ít phụ nữ hơn nghĩa là một cô gái có thể kết hôn, dù điều kiện gia đình như thế nào. Nhưng đối với con trai, nếu điều kiện kinh tế của gia đình không tốt, anh ta có thể sẽ không kết hôn", ông He nói.
Có hai con trai là một cơn ác mộng
Bà Huang Qin, 46 tuổi đến từ tỉnh An Huy và đang làm công việc dọn dẹp ở Thượng Hải, cho biết chi phí trung bình của một đám cưới ở quê nhà vùng Hải Nam của bà cao hơn nhiều so với con số ước tính của cơ quan chức năng, và hiện đã lên tới 300.000 nhân dân tệ (43.000 USD).
Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng một căn nhà cho cặp vợ chồng, mua một chiếc xe hơi, mua trang sức và váy cưới cho cô dâu cùng với một món "quà ra mắt" cho bố mẹ vợ.
"Nó đắt đến nỗi nhiều người phải mượn tiền từ họ hàng, thậm chí là vay tín dụng đen để có đủ tiền. Phụ huynh sẽ làm mọi cách để có được số tiền vì dân làng sẽ đánh giá và họ không thể để bị mất mặt", bà Huang chia sẻ.
Bà Huang có một con gái 25 tuổi đang là thợ làm móng tại Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy. Bà cho biết có hàng chục người đã cố gắng giới thiệu những người đàn ông độc thân từ làng của họ với con gái bà, nhưng tới nay cô gái vẫn chưa ưng ai.
Bà cũng có cậu con trai 16 tuổi đang học tại một trường kỹ thuật ở Thượng Hải. Hai vợ chồng người phụ nữ này đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ bây giờ để sau này con trai mình có một khoản tiền đủ lập gia đình.
"Mọi thứ vẫn ổn vì chúng tôi vẫn đi làm để tiết kiệm tiền cho nó, nhưng đó là vì chúng tôi chỉ có một con trai. Đối với những gia đình có hai con trai, điều này thật sự là một gánh nặng lớn", bà Huang cho biết.
Một đám rước dâu tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong khi các quan chức Trung Quốc đề xuất đặt một mức trần cho số tiền thách cưới và ghi lại điều đó trong quy định của làng, bà Huang bày tỏ hoài nghi về phương án này.
"Thực tế là những món quà cưới được tặng dần dần, chứ không phải tất cả những món quà đều được tặng một lúc. Làm sao mà chính quyền có thể ngăn chặn điều đó chứ?", bà chất vấn.
Hiện tại, có nhiều hơn 34 triệu nam giới so với nữ giới ở Trung Quốc, một con số còn nhiều hơn dân số Malaysia (31,6 triệu người).
Những người đàn ông không lấy được vợ thường được gọi là "quang côn" - có nghĩa là cành cây trơ trụi, không hoa lá, mang hàm ý tượng trưng cho những người đàn ông không thể làm rộng thêm cây gia phả.