Vào tháng 8/2021, một câu chuyện ly kỳ và bất thường đã xảy ra tại khu bảo tồn thiên nhiên Takasakiyama trên đảo Kyushu của Nhật Bản.
Một con khỉ cái có tên Yakei khiến các nhà khoa học bất ngờ khi tự tin tranh giành quyền lực với các con khỉ đực và cuối cùng trở thành con đầu đàn của một quần thể gồm 677 cá thể khỉ macaque ở đây.
Khỉ macaque Nhật Bản, hay còn gọi là khỉ tuyết, là loài động vật thông minh đặc hữu của Nhật Bản. Chúng nổi tiếng với hình ảnh ngâm mình ở những suối nước nóng vào mùa đông. Tại khu bảo tồn Takasakiyama, có hai đàn khỉ đang cùng sinh sống và Yakei là con đầu đàn của một trong hai đàn này.
Yakei - con khỉ macaque cái khiến giới khoa học bất ngờ khi trở thành con đầu đàn của một quần thể gần 700 con khỉ tại khu bảo tồn Takasakiyama. Ảnh: Khu bảo tồn Takasakiyama. |
"Nữ hoàng" đầu tiên sau 70 năm
Chế độ mẫu hệ không phải là chuyện hiếm gặp trong thế giới động vật, khi có nhiều loài như voi, linh cẩu hoặc ong đều sống trong các quần thể do con cái đứng đầu.
Tuy nhiên, việc một con khỉ cái dám đứng ra tranh đấu với các con khỉ đực để trở thành con đầu đàn là chuyện chưa từng được ghi nhận trong lịch sử 70 năm thành lập của khu bảo tồn Takasakiyama.
Ông Yu Kaigaishi, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản, cho biết việc một con khỉ cái dùng vũ lực để cạnh tranh vị trí đầu đàn, như trong trường hợp của Yakei, là "rất hiếm trong xã hội khỉ macaque Nhật Bản, và chỉ có một số ít trường hợp được ghi nhận trong lịch sử ngành linh trưởng học".
Cũng giống như nhiều loại linh trưởng khác, xã hội khỉ macaque Nhật Bản hoạt động dựa trên một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt. Thứ hạng của một cá thể khỉ càng cao thì nó càng có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn thức ăn, bạn tình và các địa điểm nghỉ ngơi.
Khỉ macaque cái kế thừa thứ hạng ngay dưới mẹ của chúng, và hiếm khi rời khỏi đàn mà chúng được sinh ra. Những con đực sẽ rời khỏi đàn khi đến tuổi dậy thì và gia nhập một đàn mới.
Ở đàn mới này, thứ hạng của chúng thường được xác định bằng khoảng thời gian ở trong đàn. Mặc dù vậy, một con khỉ đực có thể "vượt cấp" bằng việc cạnh tranh bằng vũ lực với các con khỉ đực già hơn.
Năm 2021, Yakei bất ngờ tranh đấu với mẹ của mình để chiếm lấy vị trí là con khỉ cái có thứ hạng cao nhất trong đàn.
Tuy nhiên, nó không dừng lại ở đó, theo các nhân viên của khu bảo tồn, Yakei đã đánh nhau với 3 con khỉ đực có thứ hạng cao hơn và cuối cùng thách thức Nanchu, con khỉ đực đầu đàn khi đó đã nắm quyền được 5 năm.
Nanchu lúc đó đã 31 tuổi, độ tuổi có thể coi là "gần đất xa trời" đối với khỉ macaque (trong tự nhiên độ tuổi trung bình của khỉ macaque đực là 28 năm). Chính vì vậy, nó không phải là đối thủ của một Yakei mới 9 tuổi và đang rất sung sức.
"Yakei tấn công rồi đánh bại Nanchu, và trở thành con khỉ có thứ hạng cao nhất trong đàn", ông Kaigaishi chia sẻ.
Để xác nhận giả thiết này, các nhân viên khu bảo tồn đã thực hiện một bài kiểm tra trong đó họ cho đàn khỉ ăn đậu phộng. Khi được cho ăn, cả đàn luôn chờ con đầu đàn ăn trước.
Và đúng như dự đoán, cả đàn khỉ trong đó bao gồm các con khỉ đực trưởng thành đều lùi ra để Yakei ăn trước.
Có khoảng gần 1.500 cá thể khỉ macaque Nhật Bản đang sinh sống tại khu bảo tồn Takasakiyama. Ảnh: Kyodo. |
Kể từ đó, Yakei biểu hiện những hành động vốn thường chỉ thấy ở khỉ đực đầu đàn. Đuôi của nó dựng lên mỗi khi di chuyển và nó thậm chí còn trèo lên và dùng cơ thể để rung cây. Nó cũng tỏ ra hiếu chiến hơn với các con khác.
Tham vọng quyền lực và quá trình vươn lên trở thành "bà trùm" của Yakei vào năm ngoái đã khiến cả các nhà khoa học và nhân viên khu bảo tồn ngạc nhiên.
Họ đang theo dõi sát sao những diễn biến trong đàn để xem Yakei có thể giữ ngôi vương được bao lâu.
Quyền lực lung lay vì mối tình tay ba
Và mọi chuyện đã bắt đầu trở nên phức tạp hơn, khi từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm là thời gian khỉ macaque bước vào mùa sinh sản.
Thông thường, một con khỉ đầu đàn có thể giữ ngôi vị trong vòng vài tháng cho đến cả thập kỷ, nhưng các nhân viên khu bảo tồn cho biết mùa sinh sản sẽ có tác động đến cán cân quyền lực trong đàn.
Vào thời điểm này trong năm, vì là loài động vật đa thê, khỉ macaque đực và cái sẽ kết đôi với nhiều đối tượng khác nhau.
Chúng giao phối, kiếm ăn, nghỉ ngơi và đi cùng bạn tình trong khoảng 16 ngày.
Sau giai đoạn này, chúng không còn ràng buộc và những con cái sẽ đi tìm bạn tình mới. Mỗi mùa sinh sản, một con khỉ cái thường giao phối với trung bình 4 con đực.
Bà Katherine Cronin, người chuyên nghiên cứu về hành vi và tập tính xã hội của động vật, cho biết mùa sinh sản thường khiến cho thứ hạng trong một quần thể khỉ macaque gặp nhiều xáo trộn.
"Môi trường trở nên cạnh tranh và căng thẳng hơn", bà Cronin nhận định.
Trong những mùa sinh sản trước ở khu bảo tồn Takasakiyama, Yakei thường cặp đôi với Goro, một con khỉ đực 15 tuổi xếp hạng thứ 6 trong đàn.
Tuy nhiên, kể từ khi Yakei trở thành "bà trùm", Goro không còn hứng thú với con khỉ cái nữa.
Kể từ đó, một con khỉ đực 18 năm tuổi khác có tên Luffy bắt đầu để ý đến Yakei và biểu hiện những hành động tán tỉnh con khỉ cái đầu đàn. Nhưng theo các nhân viên của khu bảo tồn, mối tình này có vẻ là đơn phương, vì Yakei không đáp lại những nỗ lực của Luffy.
Yakei hoàn toàn có thể cặp với cả Goro và Luffy trong mùa sinh sản năm nay, nhưng gần đây các nhân viên khu bảo tồn nhận thấy Yakei từ việc không thích đã bắt đầu trở nên sợ sệt trước Luffy. Luffy được quan sát thấy đã đẩy Yakei ra để chiếm lấy đồ ăn.
Nếu Yakei tiếp tục giữ được quyền lực, các nhà khoa học như ông Kaigaishi sẽ có được cơ hội hiếm hoi để quan sát việc một quần thể khỉ macaque hoạt động như thế nào dưới trướng một con khỉ cái. Ảnh: Khu bảo tồn Takasakiyama. |
Ông Kaigaishi cho biết cần thêm thời gian để xác định liệu Luffy có chính thức cạnh tranh vị trí đầu đàn với Yakei hay không, nhưng những gì diễn ra cho thấy Luffy đang ở cửa trên so với Yakei.
Nếu Yakei tiếp tục giữ được quyền lực, các nhà khoa học như ông Kaigaishi sẽ có được cơ hội hiếm hoi để quan sát việc một quần thể khỉ macaque hoạt động như thế nào dưới trướng một con khỉ cái.
"Xã hội khỉ macaque Nhật Bản rất nhiều kịch tính và khó dự đoán, đó là lý do nhiều người, kể cả những người làm nghiên cứu hoặc không, đều thích quan sát chúng", ông Kaigaishi cho biết.