'Nữ hoàng cầu mây' Lưu Thị Thanh: 'Nhiều VĐV nữ đồng tính'
16 năm trong nghề, Thanh quen thân với nhiều thế hệ nữ VĐV cầu mây và cũng nắm giữ rất nhiều bí mật trong giới, từ những thù hằn trong nghề đến những chuyện hậu trường ít ai ngờ tới...
>> Những cầu thủ trong mộng của dân gay
>> Nghi án đồng tính của nữ VĐV Việt
Cô gái vàng của thể thao Việt Nam, chủ nhân một gia đình hạnh phúc và là hình mẫu cho giới VĐV đã chia sẻ nhiều sự thật gây sốc về thế giới VĐV nữ.
Đầy rẫy nhỏ nhen, đố kỵ và thù vặt
Rất nhiều năm khoác áo tuyển thủ, chị đã miễn nhiễm với scandal nhưng lại lao đao với một vụ hiểu lầm. Chị có thể nói gì về vụ đó?
- Năm 2005, tôi tham dự chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” và có đề cập một số vấn đề chuyên môn về môn cầu mây. Điều này làm nẩy sinh sự hiểu nhầm giữa BHL và tôi. Chuyện rất nhỏ nhưng tôi phải chịu đựng chuỗi ngày khốn khổ nhất trong 16 năm khoác áo đội tuyển. Là đội trưởng, có thâm niên lâu nhất đội, tôi phải xuống tập với đội trẻ, bị kỷ luật, bị phạt dọn vệ sinh, trừ lương và không được thi đấu. Môi trường nào cũng có cạnh tranh và tôi biết có nhiều người trong đội muốn tôi nghỉ hòng chiếm vị trí của mình. Tôi bị cô lập và không ai chơi với tôi.
Lưu Thị Thanh được xem là VĐV cầu mây xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam |
Khi đó, chị từng nghĩ tới quyết định từ giã cầu mây?
- Vài ba tháng liền tôi bị mất ăn, mất ngủ vì oan ức, thậm chí bác sĩ bảo tôi bị khủng hoảng tinh thần. Bố mất sớm, mẹ ở dưới quê, anh trai học bên Nhật Bản, tôi phải tự mình vượt qua tất cả. Lúc ấy, tôi không nỡ vì chuyện này mà từ bỏ đam mê của cả đời mình. Tôi phải ở lại để chứng tỏ cho mọi người thấy là tôi không sai. Nếu tôi nghỉ thì tôi đã thua những người ganh tị, gièm pha tôi.
Rồi làm sao chị hóa giải được vụ này?
- Ở môi trường thể thao đỉnh cao, chuyện không muốn người này, người kia vào đội là có thật nhưng yêu cầu tối cao vẫn là thành tích. Ở tầm ĐTQG, muốn gạt tôi ra cũng chẳng dễ chút nào vì tôi có đẳng cấp, lại luôn tập luyện để duy trì, nâng cao khả năng. Trong khoảng thời gian hơn 200 ngày đó, tôi luyện tập rất tốt, đá như kỹ xảo. Nói thẳng, trong đội, không ai thay thế được tôi và tôi chỉ chờ thời điểm lấy lại vị trí. Cuối cùng, tất cả hiểu lầm đều sáng tỏ và sau 7 tháng tập với đội trẻ, tôi quay lại đội hình chính đúng 7 ngày trước lễ khai mạc SEA Games 2005.
Chị rút ra kinh nghiệm gì sau đó?
- Đến giờ, tôi vẫn cám ơn những người đố kỵ gây ra sự vụ đó vì nhờ họ mà tôi có bản lĩnh hơn. Tôi đã vượt qua bản thân và thật khó để đánh gục tôi. Tôi muốn nhắn gửi với các VĐV lứa sau rằng nếu thấy ai đó giỏi hơn mình thì cố gắng học hỏi để hơn người ta bằng chính năng lực chuyên môn, sự khổ luyện, chứ đừng bằng âm mưu. Nó chỉ làm mất thời gian của chính các bạn mà thôi.
Thế giới nữ VĐV rất phức tạp và mọi vấn đề thường xuất phát từ chuyện nhỏ nhặt?
- Đúng thế! VĐV nữ cũng nhiều người nhỏ nhen, đố kỵ. Thế nên, việc quản lý nữ VĐV phức tạp hơn nam VĐV nhiều. Nữ VĐV mà giận nhau là chẳng tập luyện cùng được, thù hằn lâu lắm. Nó khác hẳn nam VĐV, dù có đánh nhau buổi sáng, buổi chiều lại tập bình thường, có khi đến trưa đã làm lành rồi.
Thuốc lá, rượu bia... thôi thì đủ hết
Có nhiều nữ VĐV uống rượu, hút thuốc, thậm chí đánh bạc, chơi lô đề. Dường như chị từng tham gia?
- Đúng. Tôi đã từng hút thuốc, uống rượu nhưng chỉ thử cho biết. Tôi bỏ ngay vì nhận ra tác hại của nó.
Trong thi đấu và tập luyện, tôi không bao giờ cho phép mình về nhì. Người ta rủ hút thuốc, tôi đã hút và sáng tập luyện thấy mệt như chết rồi. Tôi bỏ luôn. Có người rủ uống rượu, tôi cũng uống nhưng cứ làm vài hớp là khắp người nổi dị ứng. Nói thật, muốn uống rượu cũng không được vì cơ thể mình dị ứng với nó. Còn chuyện cờ bạc, lô đề thì giới VĐV cũng có đấy nhưng đội cầu mây của tôi chỉ chơi bài cho vui chứ không sát phạt. Tôi cũng không hào hứng lắm với món này vì tôi kỵ thức khuya. Cứ thức một đêm là hôm sau mệt rũ ra, không tập luyện được.
Lưu Thị Thanh: "Nhiều VĐV nữ là đồng tính" |
Nhiều người nói chị sống rất khôn và tách biệt với phần còn lại?
- Tôi không sống tách biệt với tập thể bởi muốn ăn nhịp trong thi đấu thì ngoài đời phải gần gũi nhau. Nhưng khi họ rủ tôi chơi bời thì tôi từ chối ngay. Thế là tôi bị coi là sống không hòa đồng. Để được tiếng hòa đồng mà ảnh hưởng tới việc tập luyện, thi đấu và thành tích thì anh có đồng ý đánh đổi không? Còn tôi hiểu rất rõ câu “Kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ” nên không đời nào muốn làm cháy rụi tất vì sa chân rồi thì khó rút lắm. Tôi không khôn mà bởi họ quá dại. Để mất thành tích, vị trí, danh tiếng chỉ vì biết hút thuốc, uống rượu thì không đáng đánh đổi.
Nhiều VĐV nữ là đồng tính
Bí mật ghê gớm nhất trong thế giới của VĐV nữ là chuyện đồng tính. Chị có thể nói gì về chuyện này?
- Trong giới VĐV chuyên nghiệp, đồng tính nữ (les) rất nhiều. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và lây lan rất nhanh. Lỡ dính vào mà không tỉnh ngộ sớm thì để lại hậu quả nghiêm trọng cả đời. Nhiều người quan hệ với người ngoài chứ ít khi “cặp” trong đội. Tôi từng thân với một em VĐV chuyên nghiệp cùng quê bị dụ dỗ, sa ngã, rồi bước vào thế giới les và giờ không quay về nổi nữa. Nó không còn cảm giác gì với đàn ông nữa. Giờ nhìn bạn bè chồng con đầy đủ mới thấy xót xa nhưng quá muộn rồi.
Les thâm nhập vào giới thể thao chuyên nghiệp như thế nào?
- Dân les rất khéo léo, tế nhị, chăm sóc cực kỳ chu đáo. Lúc tập luyện, thi đấu mệt mỏi thì đấm bóp, mát xa là nảy sinh tình cảm ngay rồi bắt đầu sa ngã. Một phút sống buông thả là dính ngay và nếu ngập sâu thì chưa biết sẽ đi tới đâu.
Quan điểm của chị về vấn đề les ra sao?
- Tôi không lên án, xã hội cũng cởi mở hơn nhiều rồi. Cuộc sống bây giờ cứ phải sống thật với chính mình. Nếu phụ nữ yêu phụ nữ mà cảm thấy hạnh phúc, tôi ủng hộ bởi nếu yêu phụ nữ mà sống với đàn ông thì chẳng luôn có cảm giác lừa mình, dối người hay sao?
Nếu trong đội có những cặp les, BHL xử lý ra sao?
- Không cấm được nhưng phải nói rõ, tập luyện và thi đấu là chính. Tâm tư của phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến tập luyện và thi đấu nên phải giúp nhau nâng cao mình trong chuyên môn, chứ không phải để phá vỡ chuyện tập luyện. Nếu không đáp ứng được thì phải gạt bỏ thôi. Thật sự, ở rất nhiều bộ môn, BHL buộc phải tách những cặp les ra, phải hy sinh một người để bỏ đi một mầm bệnh.
Sau bao nhiêu năm và nhiều biến cố, giới les có tâm sự gì với chị không?
- Nhiều chuyện vui nhưng cũng lắm chuyện buồn. Tôi mới gặp lại một đồng đội cũ, chị ấy cũng chẳng che giấu nữa và hạnh phúc với cuộc sống. Thành đạt, giàu có, công việc thú vị, xe cộ sang trọng, nổi tiếng lại rất đào hoa, nhiều phụ nữ yêu, lại rất… đàn ông. Chỉ tiếc là không ổn định ở chuyện gia đình thôi.
Còn người khổ sở thì nhiều lắm. Không công việc ổn định, thu nhập bấp bênh mà dân les xuống mã nhanh lắm, lại luôn bị điều tiếng. Nhiều người đang yêu thì rồi đột ngột chia tay bởi những lời đồn đại, lấy chồng rồi lại ly dị. Nói chung, cuộc sống của họ đầy ắp lo lắng, không có giây phút thoải mái. Đa phần là sống cô độc và trả giá cho sai lầm của mình.
Tôi từng bị lôi kéo, dụ dỗ
Thông minh, lại nổi tiếng, chị cũng phải là đối tượng quyến rũ của les chứ?
- Có chứ, nhiều là đằng khác. Nhưng tôi hiểu tác hại và mình cũng chẳng thích như thế. Tôi chơi đàng hoàng, vui vẻ với chị em nhưng có giới hạn. Nếu đoảng một chút, không để ý mà bước nhầm một bước thì có lẽ giờ tôi cũng khác rồi. Lúc nào, mình cũng phải tỉnh táo bởi nếu bất cẩn thì sa chân ngay.
Chị làm thế nào để tỉnh táo trong suốt 12 năm trời?
- Điều cơ bản mà tôi không sa ngã vào giới les là bởi tôi là đàn bà và muốn nương tựa vào bờ vai của người đàn ông chứ không phải bờ vai của một người cùng giới. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi hoóc môn, mạnh mẽ, tính tình lại phóng khoáng, ăn nói bỗ bã như đàn ông nhưng trong tôi vẫn là một người đàn bà bình thường.
Người yêu và bây giờ là chồng của chị có bao giờ nghi ngờ hoặc hỏi han về vấn đề này không?
- Sao mà tránh được. Anh ấy quen tôi lúc vẫn còn tập luyện, thi đấu. Khi tôi về, vẫn mặc quần đùi, áo cộc như đàn ông. Nhiều lúc bọn tôi cũng tâm sự chuyện này, chuyện kia. Nhưng mình phải cho người ta thấy mình là phụ nữ bằng cách sống, sinh hoạt đời thường. Nấu ăn chẳng hạn, đó cũng là cách thể hiện nữ tính, làm chồng yên tâm. Không ít lần, chồng tôi cũng hỏi mình có nhiễm không? Tôi trả lời nếu nhiễm rồi thì tôi không ngồi ở đây với anh nữa mà có thể đi theo chị nào đó rồi.
Nhiều người mơ cuộc sống của tôi
Giờ đã không còn ở đội tuyển nữa nhưng cứ nói đến cầu mây Việt Nam là mọi người lại nhắc đến chị?
- Dễ hiểu thôi, vì tôi là người duy nhất của lứa đầu tiên cầu mây nữ Việt Nam từ năm 1997 còn sót lại đến bây giờ. Tầm ảnh hưởng của tôi lớn, được trải nghiệm nhiều, sống với nền cầu mây nước mình lâu nhất, chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, cả thành công lẫn thất bại. NHM biết tôi có thể vì vị trí đội trưởng hoặc được lên TV nhiều.
Liệu có phải vì tài năng xuất chúng hay bởi tình trạng tre già mà măng chưa mọc?
- Tôi nghĩ là cả hai. Thật sự, trong cầu mây nữ Việt Nam, tôi là một VĐV xuất sắc nhất, cả về kỹ thuật lẫn ý chí và nghị lực. Tre già mà măng không chịu mọc cũng là lý do bởi công tác đào tạo, chất lượng VĐV không tốt. Thế nên, người ta cứ nhắc đến một nhân vật, một hình bóng đại diện cho môn thể thao ấy.
Điều quan trọng mà thể thao đem lại cho chị là gì?
- Toàn cái tốt chứ chẳng có cái xấu nào. Tôi yêu thể thao, hy sinh cho thể thao nhưng tôi cũng được nhiều thứ từ tiền bạc, uy tín và danh tiếng nữa. Tôi vô địch quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới, giành được nhiều phần thưởng, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, được phân đất phân nhà. Cũng nhờ thể thao mà tôi giúp anh trai ăn học thành tài, tạo dựng được vị trí trong xã hội. Nói chung, tôi được tất cả nhờ thể thao. Đến giờ tôi vẫn sống trong thể thao. (Lưu Thị Thanh đang là VĐV của Thanh Hóa, đồng thời là HLV thể dục dụng cụ tại một CLB thể thao - PV)
Triết lý cuộc sống mà chị rút ra từ thể thao là gì?
- Thể thao cho tôi nghị lực, giúp tôi thành công hơn, sống hạnh phúc hơn. Thể thao dạy tôi phải nỗ lực và kiên trì. Tôi từng nghĩ mình chẳng bao giờ chạy liên tục được 90 phút nhưng rồi cố gắng, tôi đã hoàn thành 110 phút. Khó khăn giống như bát muối, mình phải biết cần bao nhiêu nước hòa tan nó để uống được. Một bát muối cho vào 1 xô nước uống 5 ngày không hết thì 10 ngày. Nhưng nếu bát muối ấy mà chỉ cho vào 1 cốc nước thì đến 100 ngày cũng không uống hết nổi. Gặp khó khăn mà cứ chịu áp lực, rồi mệt mỏi, chán nản, không kiên trì và thiếu lạc quan thì hỏng hết, hỏng từ khi mình chưa bắt tay vào công việc.
Điều gì ngoài chuyên môn khiến chị tự hào về mình so với các VĐV thể thao chuyên nghiệp?
- Tôi là người ham học hỏi để mở rộng sự hiểu biết cũng như mối quan hệ xã hội. Sau nhiều năm tích lũy, kiến thức thêm dày, mối quan hệ thêm sâu rộng và tôi tự tin hơn nhờ nền tảng ấy. Trời phú cho tôi khả năng ứng phó nhanh và hoạt khẩu, đó là lợi thế khi hòa nhập với cuộc sống không thể thao.
Còn một gia đình lý tưởng nữa chứ?
- Đúng! Giờ tôi có một gia đình hạnh phúc, đầy đủ, một người chồng yêu vợ con, thành đạt trong công việc, một cậu con trai kháu khỉnh và công việc tốt. Với tôi, thế là cuộc sống lý tưởng. Cuộc đời nữ VĐV có bao nhiêu ngã rẽ, bao nhiêu cám dỗ nhưng chỉ có một con đường hạnh phúc viên mãn thì tôi lại có được. Nhiều người nói với tôi rằng họ mong muốn có một cuộc sống như tôi và điều đó làm tôi tự hào hơn, hạnh phúc hơn.
Ý kiến chuyên gia: Bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Hiền: Chăm sóc cho VĐV nữ là vấn đề cần quan tâm của cả thế giới. Trong đó, điều kiện chăm sóc đóng vai trò quyết định bởi trong quá trình tập luyện đỉnh cao, rất nhiều phát sinh bất thường có thể xảy ra. Ở những nền thể thao không có điều kiện chăm sóc tốt, các VĐV nữ của họ trông cứ như đàn ông, người khô đét. Trước đây, chúng ta tưởng điều đó là tốt nhưng không phải, đó là biểu hiện của sự bất thường. Ở Việt Nam, chúng ta chưa bàn bạc nhiều và chưa có thống kê chính xác tới vấn đề quan hệ đồng tính trong thể thao. Nhưng tất nhiên là có và nó là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu đến từ các CLB vì ở đó, sự quan tâm, chăm sóc toàn diện từ thể chất, tâm lý thường không được đảm bảo. Các VĐV nữ chỉ được chăm sóc tốt hơn khi lên tập trung tại ĐTQG. Thực tế cho thấy nhiều VĐV trong số này tuy cường độ tập luyện rất nặng, đạt thành tích cao mà trông vẫn rất nữ tính. Là bác sĩ thể thao, chúng tôi cũng có theo dõi và thường trao đổi với nhau một cách chặt chẽ để chăm sóc tốt nhất cho các VĐV. |
Theo Bóng đá & cuộc sống