1. Bởi quỹ thời gian quá chật hẹp, nên sau nhiều lần “book” không thành, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi vị doanh nhân này chấp thuận cuộc gặp. Về thời gian, tôi biết đó là khoảng xen giữa hai chuyến đi công tác nước ngoài, còn về không gian thì, thay vì như các CEO khác vẫn tiếp nhà báo ở những văn phòng sang trọng, đặc biệt là với một công ty danh tiếng như SCC, Chủ tịch SCC Đặng Thị Hoàng Phượng, lại bố trí cuộc gặp tại Dự án PhoDong Village (phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM). Đây là dự án do SCC làm chủ đầu tư, và đó là thời điểm Dự án đang mở bán đợt 2.
Sau khi tốt nghiệp khóa đầu Khoa Kinh tế, Đại học Hàng hải Hải Phòng được mở tại TP.HCM cách đây gần 20 năm, Đặng Thị Hoàng Phượng đầu quân cho một doanh nghiệp Đức chuyên làm hàng xuất khẩu tại Khu công nghiệp Sóng Thần, với sự tự tin về chuyên môn đã học và vốn liếng tiếng Anh kha khá. Nhưng, rất nhanh chóng, cô nhân viên trẻ, năng động ấy nhận ra rằng, các ông chủ nước ngoài tỏ ra luôn coi thường người bản địa dù họ giỏi cỡ nào. Ngoài việc tích lũy được những kinh nghiệm hay về ý tưởng kinh doanh, quản lý nhân sự…, thì kỷ niệm đáng nhớ nhất của Phượng là những lần “bật” lại các ông chủ nước ngoài.
Cũng từ đó, chị luôn khao khát sẽ làm chủ doanh nghiệp, để thực hiện những ý tưởng, ước mơ của mình. Nếu chỉ với cảm nhận đầu tiên, quả thật, khó có thể hình dung một nữ doanh nhân thành đạt, có bề dày kinh nghiệm thương trường, quản lý doanh nghiệp và nhiều năm liên tục trong tốp 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam ấy, thời thiếu nữ lại có ước mơ trở thành cô giáo, đi vòng quanh thế giới để khám phá những điều mới lạ.
Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) Đặng Thị Hoàng Phượng. |
Cơ hội ấy đã đến, khi người anh trai là ông Đặng Thành Tâm cần người tin tưởng để hỗ trợ công việc phát triển Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) đang ăn nên, làm ra khi đó. Thu hút đầu tư rất tốt, nhưng ông chủ Tân Tạo luôn than phiền là “làm chủ mà còn khổ hơn cả làm thuê”. Bởi lúc đó công ty không chuyên về thiết kế, thi công công trình, nên việc thi công Khu công nghiệp phải hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Thế là, “cái khó, ló cái khôn”, SCC ra đời và Đặng Thị Hoàng Phượng trở thành “nữ tướng” đầu tiên và đến giờ, SCC vẫn chuyên về đầu tư và thi công công trình.
Vạn sự khởi đầu nan, đương nhiên, nhưng với chị Phượng, khó khăn gấp bội, bởi phải đảm trách chức vụ cao nhất của một doanh nghiệp trong lĩnh vực không có chuyên môn: cử nhân kinh tế bỗng chốc chuyển sang thi công xây dựng.
Bởi thế, chị lao vào học, học về chuyên ngành kinh tế xây dựng, học cách đọc bản vẽ, học quản lý thi công để tìm ra những phương án tối ưu… “Không biết tôi đã ngấm và yêu nghề xây dựng từ lúc nào, mà suốt từ sáng đến tối cứ miệt mài ngoài công trường, tối về lại xem thiết kế, đến khi ngủ vẫn nghĩ về các phương án thi công”, chị Phượng nhớ lại.
Thành công nối tiếp thành công, khi dòng tiền tốt, các dự án tới tấp dồn về. Sau 15 năm nhìn lại, chị Phượng cho rằng, ngành nghề xây dựng chính là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của SCC, từ cái trụ vững chắc ấy mới có thể biến những ước mơ lớn của chị thành hiện thực hôm nay.
Từ một khu công nghiệp ban đầu, đến nay, SCC đã làm chủ đầu tư, thi công hạ tầng hàng chục khu công nghiệp lớn trong cả nước, như Tân Phú Trung (TP.HCM), Tân Đức (Long An), Nhơn Trạch (Đồng Nai), Thanh Vinh (Đà Nẵng)… Nếu năm 2009, diện tích đất trong các khu công nghiệp của SCC là hơn 347.000 m2, thì đến năm 2014, là hơn 519.000 m2; diện tích nhà xưởng cho thuê thời điểm năm 2009 là hơn 23.000 m2, thì đến nay, là hơn 176.000 m2; tổng tài sản và doanh thu năm 2009 là hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 297 tỷ đồng, thì con số tương ứng của năm 2011 là hơn 2.000 tỷ đồng và hơn 390 tỷ đồng. Tính đến hết quý II/2014, tổng tài sản của SCC đã vượt 2.800 tỷ đồng, với tổng doanh thu gần 200 tỷ đồng.
Không nói nhiều về các con số, những thành công trong kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, có hai điều tâm đắc ở Đặng Thị Hoàng Phượng.
Thứ nhất, thực hiện lời dặn dò của người cha “làm kinh tế, thì phải làm tốt, nỗ lực để thành công, nhưng phải trả lương đầy đủ cho những người lao động, những người giúp mình”. Trong thực tế, suốt những năm lãnh đạo SCC và trực tiếp điều hành nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác, như Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Sài Gòn Tel…, chị đã ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của người cha. Đặng Thị Hoàng Phượng từng tuyên bố: “Trong suốt 10 năm qua, tôi chưa trả lương cho nhân viên trễ một ngày”.
Thứ hai, xây dựng được đội ngũ cộng sự có chuyên môn giỏi, chung chí hướng và làm việc hết mình, tâm huyết với những ý tưởng, dự án mà mình đưa ra. Đến nay, khi Dự án PhoDong Village vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, để có được những thành công bước đầu, thì cũng là lúc bà chủ SCC xây dựng và hoàn thiện được bộ khung cộng sự như mong muốn.
2. Với ước mơ cho mọi người cuộc sống “bình yên giữa thiên nhiên”, Đặng Thị Hoàng Phượng manh nha ý tưởng thực hiện một dự án khu đô thị lớn, gắn với thiên nhiên giữa lòng Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt và chật chội từ cách đây hơn chục năm, khi có dịp thăm mô hình này tại Mỹ và một số nước khác.
Khi đó, TP.HCM đã công bố quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2 và sau đó tổ chức thi ý tưởng thiết kế quốc tế, với mong muốn nơi đây trở thành trung tâm tài chính - thương mại tầm cỡ khu vực, được xây dựng hiện đại, nhưng gắn bó, hài hòa với thiên nhiên… Như “cá gặp nước”, Đặng Thị Hoàng Phượng hăm hở nắm bắt cơ hội để thực hiện Dự án Khu đô thị PhoDong Village. Dự án có quy mô ban đầu hàng trăm ha, được thiết kế với ý tưởng các khu biệt thự, nhà trên đất nền, khu chung cư, thương mại… Toàn bộ dự án nằm trong một cảnh quan thiên nhiên xanh, hài hòa và mật độ xây dựng mang tính đột phá, chỉ chiếm 24,9% toàn bộ diện tích.
Tuy nhiên, ngay từ lúc triển khai các bước đầu tiên, chị Phượng đã gặp nhiều khó khăn. Ngay cả nhiều người thân trong gia đình cũng cho rằng, “đó là một quyết định khùng”. Dự án thì được làm ở một nơi còn hoang vắng, hầu như chưa có hạ tầng, việc đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích lớn như vậy, thì lấy đâu ra tiền.
Đúng là khi đó, triển khai PhoDong Village có nhiều rủi ro, nhất là về chính sách, do các dự án khu đô thị nhận được sự hỗ trợ ít hơn dự án khu công nghiệp, tiềm lực về tài chính của SCC thực sự chưa mạnh.
Tuy nhiên, nếu PhoDong Village mở bán đúng kế hoạch ban đầu (giữa năm 2011) thì có lẽ đã thắng to. Nhưng, như chị Phượng tâm sự, chị tin vào luật nhân quả và đôi khi, sự việc xảy ra cứ như ông trời “trêu ngươi”, thử thách lòng người vậy. Thời điểm mà SCC dự kiến mở bán đúng vào lúc thay đổi một loạt chính sách liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng… thế là buộc phải dừng lại. Và, trớ trêu thay, từ thời điểm này, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc không phanh…, Đặng Thị Hoàng Phượng đứng trước một lựa chọn, mà theo chị, là khó khăn nhất trong cuộc đời cho đến bây giờ, đó là tiếp tục hay dừng lại, không triển khai PhoDong Village nữa
Thực tế, cũng có một số nhà đầu tư đã đánh tiếng, bàn việc chuyển nhượng dự án. “Nhiều lúc đã nhìn thấy sự thất bại cận kề, và nếu chuyển nhượng thì có thể nhẹ nhàng rút”, chị Phượng nhớ lại.
Nhưng, doanh nghiệp hay dự án không chỉ có giá trị vật chất, là đứa con của mình, mà còn là món nợ đối với cuộc đời, với những người đã theo mình suốt những năm qua. Với suy nghĩ đó và nhất là với niềm tin sắt đá về việc Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng, khu Đông của TP.HCM nhất định sẽ phát triển theo đúng quy hoạch đã đề ra, chị Phượng đã quyết định đi tiếp và có những sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Đặng Thị Hoàng Phượng đã quyết định phải tái cấu trúc doanh nghiệp, buộc phải “cắt tay, cắt chân” những doanh nghiệp thành viên, lĩnh vực không cốt lõi để dồn toàn lực cho PhoDong Village… Nắm bắt những điều kiện thuận lợi của thị trường và nhất là việc hạ tầng khu vực quận 2, rồi cả khu Đông đang phát triển mạnh, chị Phượng và tập thể SCC đã thực hiện “chiến dịch 52 ngày đêm”, để đưa các sản phẩm của Dự án ra thị trường vào cuối tháng tháng 9/2014. Ngay sau đợt mở bán đầu tiên, PhoDong Village đã thu được thành công, với hơn 86% số sản phẩm đã được mua. Cuối tháng 11/2014, SCC có thêm cơ sở tự tin để mở bán đợt 2 Dự án PhoDong Village…
3. Khi được hỏi, triết lý trong kinh doanh của SCC có phải chính là slogan “phát triển bền vững cùng cộng đồng”? Với một nụ cười khá thoải mái, người nữ doanh nhân nói: “Nói vậy thì to tát quá, tôi chỉ thấy rằng, điều này phù hợp với những trải nghiệm, những gì mà tôi đã rút ra từ kinh doanh, từ cuộc sống”.
Theo chị Phượng, có hai yếu tố tạo thành công cho SCC. Một là yếu tố con người và đây là yếu tố tối quan trọng. Sau 15 năm, SCC đã xây dựng được đội ngũ cộng sự giỏi chuyên môn và tâm huyết với công việc. Thứ hai, là sự linh hoạt, không bảo thủ. SCC hiện nay chỉ giữ lại hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là đầu tư, xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị. Trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới, với hai lĩnh vực này, SCC vẫn làm không hết việc.
Dự án PhoDong Village mới ở giai đoạn đầu tiên, vẫn còn rất nhiều hạng mục sẽ được triển khai trong thời gian tới. Nhưng, ngay từ bây giờ, khi các căn hộ đang được khẩn trương xây dựng để kịp đón những khách hàng đầu tiên vào tháng 8/2015 tại dự án đã hoàn thiện, là PhoDong Club với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng cùng nhiều tiện ích dành cho các cư dân và các công viên, tuyến đường đang được khẩn trương hoàn thành… Chủ đầu tư đã và đang làm các công việc để PhoDong Village trở thành một khu đô thị “Bình yên giữa thiên nhiên”.
Khi chia tay tôi, chị - người nữ doanh nhân thành đạt đã nói mà như thể tự nói với mình: “Giá trị cuộc sống cuối cùng vẫn là sự bình yên”. Sau những thăng trầm, bươn chải, người ta mới thực sự nhận ra một sự việc tưởng như rất đơn giản: cuộc sống là sự bình yên. Nữ tướng Đặng Thị Hoàng Phượng chỉ nhận là “nốt trầm” trong bản giao hưởng được phối lên bởi những doanh nhân Việt.