Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nụ cười trên cánh đồng khô hạn

Hai tháng trước, đi đâu trên vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang chúng tôi cũng nghe tiếng thở dài bên những đám ruộng đang chết trụi.

Nhưng thật bất ngờ khi thấy bây giờ là những cánh đồng vàng rực bạt ngàn đang mùa thu hoạch với tiếng máy gặt xập xình, tiếng cười nói rộn ràng của nông dân vì trúng mùa, trúng giá.

Ngày 24/3, từ TP Mỹ Tho (trung tâm của tỉnh Tiền Giang) chúng tôi ngược về phía biển. Hai bên quốc lộ 50 từ huyện Chợ Gạo qua huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công rồi cả những tuyến đường ở huyện Gò Công Đông là hình ảnh thu hoạch lúa rất nhộn nhịp.

han han anh 1

Nông dân trên cánh đồng Bình Đông, thị xã Gò Công thu hoạch lúa đông xuân. Vụ này ai cũng trúng mùa, trúng giá.

Niềm vui được mùa

Mới 8h sáng nhưng đám ruộng của ông Nguyễn Minh Mẫn ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công đã thu hoạch xong. Ngồi bên đống lúa chờ thương lái tới cân, ông cười nói liên tục với những người hàng xóm đang chờ máy gặt đập liên hợp cắt.

“Tui thu hoạch được hơn 2 tấn, thương lái trả giá 5.600 đồng/kg. Tưởng lúa chết trắng tay mà giờ có được cả chục triệu đồng trả nợ và lo cho gia đình, tui vui như trúng số vậy” - ông Mẫn lại cười hết cỡ. Vợ ông đứng gần cũng cười theo.

Thấy máy gặt đập chạy vào ruộng, ông Huỳnh Văn Tỉnh bước nhanh đến bờ ruộng để xem. Hết nhìn máy, ông quay lại nhìn mấy người trong xóm đang túm tụm bàn chuyện lúa thóc rồi... cười một mình. “Có lúa bán, có lúa để dành ăn sao không vui!” - ông Tỉnh nói.

Trong buổi sáng, máy gặt thu hoạch xong cả chục đám ruộng. Ông Phạm Văn Cà khoe: “Tui có 1,2 ha lúa. Cũng như bà con ở đây, hồi Tết không có nước bơm lên ruộng tưởng lúa chết sạch rồi, nhưng không ngờ tỉnh đầu tư bơm chuyền cứu được, tui bán được 60 triệu đồng. Tính ra lời cũng phân nửa số đó. Mừng hết biết luôn”.

Một lát sau, cả chục nông dân đến hỏi thăm năng suất, giá lúa và hẹn ngày cắt lúa với chủ máy gặt. Ông Phạm Tấn Tài - Trưởng ấp Hòa Thân, xã Bình Đông - phấn khởi: “Ấp tui có 164 ha lúa đông xuân. Hồi Tết Bính Thân nước khô, lúa bắt đầu vàng quạch, ai cũng nghĩ vụ này bỏ của rồi. Vậy mà cứu được, chỉ có 2 ha bị chết. Ngày nào tui cũng ra đồng, hộ nào thu hoạch là tui tới hỏi thăm để mừng cho họ. Năng suất trung bình ở khu vực này tới 7 tấn/ha, giá cũng cao nên ai cũng có lời kha khá”.

Chúng tôi men theo các tuyến đường tỉnh được thảm nhựa phẳng phiu đi về phía biển thuộc huyện Gò Công Đông. Còn nhớ mùng 1 Tết Bính Thân vừa qua, khi nghe tin nước mặn xâm nhập và khô hạn khốc liệt làm lúa chết trắng đồng, chúng tôi đã phóng xe về đây xem thực hư thế nào.

Hôm đó, hầu hết nhà dân đều đóng cửa im ỉm dù đang là Tết. Trên đồng thì xám xịt. Hàng ngàn nông dân dang nắng canh bơm vét từng giọt nước lên ruộng cứu lúa. Hôm đó, UBND huyện báo cáo đã có 700 ha lúa chết và hàng ngàn ha đang thoi thóp.

Bây giờ trước mắt chúng tôi là hình ảnh hoàn toàn khác. Lúa chín vàng hai bên đường. Xe ba gác, xe tải chở lúa chạy dập dìu. Người dân trải bạt phơi lúa chật kín bên đường. Các nhà máy xay xát “no” hàng, lúa chất như núi, tràn ra lề đường

han han anh 2

Nụ cười hạnh phúc của ông Nguyễn Minh Mẫn ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công sau khi thu hoạch lúa từ đám ruộng tưởng đã chết khô hai tháng trước

Giá trị của nước

Gần 13h, ông Đoàn Văn Quân ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông vẫn miệt mài đảo lúa trên tấm bạt trước sân nhà. “Lúa này phơi để dành ăn. Còn lúa thu hoạch hôm qua tui bán cho thương lái hết rồi. Tính sơ sơ vụ này lời được cỡ 40 triệu đồng”.

Cùng lúc đó, vợ chồng chị Hồ Ngọc Hương ở ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cũng kiên trì đội nắng phơi 20 giạ lúa để dành ăn. Cũng giống như những nông dân mà chúng tôi đã gặp, chị Hương bảo 1,2 tấn lúa mà vợ chồng chị mới bán chẳng khác gì trời cho.

Chị cười thật tươi: “Hai tháng trước không có ai ở đây dám nghĩ sẽ cứu được lúa, vì hồi lúa đang làm đòng thì ruộng khô nứt nẻ, kênh chẳng có nước. Vậy mà sau đó UBND tỉnh cho bơm nước từ TP Mỹ Tho đưa về cứu lúa. Nếu không có nước thì bây giờ đói rồi”.

Anh Nguyễn Văn Long ở ấp Sơn Quy A, xã Tân Trung, thị xã Gò Công bảo 1,2 ha hành lá của anh chưa đến ngày thu hoạch mà thương lái đã tới trả tiền trước rồi. Giá tạm tính là 10.000 đồng/kg. Anh cười: “Nhờ kênh có nước nên tui mới trồng được mà kiếm thêm ít tiền. Nếu tỉnh không bơm nước về thì giờ ở đây là đồng khô cỏ cháy chứ đâu có lúa thóc, rau màu xanh mướt thế này”.

Ông Mai Văn Mèo ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công nói: “Suốt hai tháng trời ai cũng thức đêm canh bơm vét từng mét khối nước lên ruộng cứu lúa, để rồi hôm nay ai cũng được tận hưởng niềm vui trúng mùa”.

Giữa cao điểm của trận thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong 100 năm qua, có lẽ với người dân vùng ven biển Tiền Giang chẳng có niềm vui, niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi có gạo ăn, có tiền rủng rỉnh trong túi và có nước ngọt sử dụng hằng ngày.

Theo ông Hà Tôn Hiến - Trưởng Phòng kinh tế thị xã Gò Công, nhờ có nước mà nông dân ở đây duy trì được khoảng 400 ha hoa màu cung cấp cho thị trường và giúp rất nhiều nông dân có thu nhập. Toàn thị xã có 5.100 ha lúa đông xuân tưởng đã chết trụi hồi Tết Bính Thân do thiếu nước và xâm nhập mặn, nhưng giờ đã cứu được hơn 5.050 ha, chỉ có 36 ha bị chết và một ít bị giảm năng suất.

Cứu lúa như cứu hỏa

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, cho biết đến ngày 25/3 tỉnh đã chắc chắn cứu được khoảng 27.000 ha lúa đông xuân trong tổng số 30.000 ha gieo sạ trong vùng ngọt hóa Gò Công.

“Nếu không có giải pháp hay và quyết liệt với tinh thần cứu lúa như cứu hỏa thì toàn bộ diện tích lúa này đã thành rơm hồi tháng 2/2016 rồi” - ông Pháp quả quyết.

Theo ông Pháp, ngay từ trước Tết Bính Thân 2016, UBND tỉnh đã đưa ra quyết định táo bạo là bơm nước tối đa từ sông Tiền vào bên trong cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo đưa về vùng ngọt hóa Gò Công cách đó 50-60 km.

Tỉnh chỉ đạo các huyện thuê hàng nghìn máy bơm công suất lớn đặt tại hơn 400 điểm, bơm nước từ kênh chính (từ cống Xuân Hòa đưa về) vào kênh nội đồng suốt 24/24 giờ để có nước cho dân bơm lên ruộng. Nơi nào để máy nghỉ thì lãnh đạo nơi đó bị kiểm điểm.

Khô hạn ngày càng khốc liệt, nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, UBND tỉnh tham khảo ý kiến chuyên gia nông nghiệp và quyết định bơm luôn nước mặn dưới 1,5g/lít vào vùng ngọt hóa, vì trên lý thuyết nước mặn 2g/lít mới làm lúa không phát triển được.

Đến cuối tháng 2/2016 phải bơm nước mặn 1,8g/lít cứu hàng ngàn ha lúa xuống giống trễ chưa trổ. Đến nay tất cả đám ruộng còn lại chưa thu hoạch trong vùng ngọt hóa Gò Công đều đã đủ nước tưới.

Không lo thiếu gạo xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất hè thu và mùa năm 2016 ở các tỉnh Nam bộ diễn ra tại Tiền Giang sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các tỉnh phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến hạn mặn, để kịp thời vận hành cống đập nhằm tháo và lấy nước ngọt đáp ứng nước ngọt cho lúa đông xuân, không gieo sạ khi chưa súc xả mặn hoặc lượng mưa chưa đủ cung ứng nước cho cây lúa.

“Các địa phương cũng cần cơ cấu lại giống lúa, vụ mùa, cây trồng phù hợp trong tình hình mới, rà soát các dự án thủy lợi đã được đầu tư hoặc đầu tư dở dang để tận dụng và phát huy tốt nhất công năng của các dự án này” - ông Doanh nói.

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, hơn 180.000 ha lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long đã bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn, khoảng 500.000 ha lúa hè thu không xuống giống đúng thời điểm như dự kiến và vụ thu đông (vụ 3) sẽ có thêm 350.000 ha gặp khó khăn do thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên năm nay toàn vùng sẽ xuống giống hơn 4,6 triệu ha (đông xuân, hè thu, thu đông và vụ mùa), tăng gần 12.000 ha so với năm trước, với sản lượng dự báo tăng hơn 100.000 tấn nên hoạt động xuất khẩu gạo sẽ không bị ảnh hưởng.

                                                                                                THANH TÚ

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160326/nu-cuoi-tren-canh-dong-kho-han/1074013.html

Theo Vân Trường/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm