Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ cơ phó Vietnam Airlines tư vấn nghề… trên trời

Nữ cơ phó trẻ tuổi của Vietnam Airlines Nguyễn Kim Châu cho rằng, nghề điều khiển “chim sắt” trên trời đòi hỏi năng lực và những tố chất đặc biệt từ phía học viên.

Nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu và đồng nghiệp.
Sinh năm 1989, là người nhỏ tuổi nhất Đoàn bay 919 (Vietnam Airlines), nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu đã hoàn thành 1.200 giờ bay an toàn trên chiếc máy bay ATR 72.

Tốt nghiệp phổ thông, Kim Châu quyết định không du học Mỹ khi biết tin Vietnam Airlines tuyển cả nam và nữ phi công. Nghề “điều khiển chim sắt” gắn bó với cô gái xinh đẹp này từ đó.

Theo Kim Châu, nghề phi công đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao, sự nhạy bén và kỉ luật nghiêm. Óc quan sát phải tốt để học hỏi, nắm bắt nhanh vấn đề.

Khả năng tập trung trong cộng việc cũng rất quan trọng. Khó nhất là lúc cất cánh và hạ cánh, phi công phải kết hợp mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, tay cầm, chân đạp. Bạn không thể bước vào buồng lái trong trạng thái mệt mỏi và cái đầu trống rỗng.

- Mức độ yêu cầu của nghề này như thế nào?

- Nguyễn Kim Châu: Bất cứ nghề nào cũng có mức độ yêu cầu về tố chất và năng lực cá nhân của người học. Đối với phi công, yêu cầu này ở mức cao hơn. Ngay cả người có tố chất phù hợp nghề cũng phải cố gắng rất nhiều để vượt qua những bài thi khó trong quá trình đào tạo.

Ví dụ, đề thi đưa ra những tình huống giả định như động cơ hỏng, mất áp suất, hành khách bị chấn thương…, đòi hỏi học viên phải thực hiện nhiều thao tác với độ chính xác cao.

Mình từng chứng kiến trong những chuyến đào tạo ở nước ngoài, quá nửa trong số hơn 20 học viên tham dự bị loại sớm do năng lực không đạt. Khi đó, mình tự nhủ phải cố gắng ôn luyện thật tốt. Mình đã cầm sách bút đi hỏi nhiều người, tham khảo cách xử lý tình huống thực tế. Đó là cả một quá trình hoàn thiện bản thân.

- Theo nghề phi công, các bạn trẻ phải đối mặt những khó khăn, thử thách ra sao?

- Khi bước vào trường học phi công, mình đã xác định con đường phía trước không bằng phẳng. Chính điều đó là một trong những động lực thôi thúc hạ quyết tâm theo nghề này.

Nhớ thời điểm chuyển từ ATR 72 (máy bay chở khách tầm ngắn) sang loại máy bay Airbus 330 lớn hơn, mình phải học suốt 6 tháng.

Đến lúc thi, thấy bạn bè trượt nhiều, lại là người trẻ tuổi nhất, mình cảm thấy rất áp lực. Tuy nhiên, điều đó làm bản thân cố gắng hơn, và cuối cùng cũng vững tay lái với chiếc Airbus.

Đây là công việc gây hao mòn sức lực. Đang ở Nhật, nhiệt độ 4 độ C, về Việt Nam 34 độ C. Những chuyến công tác ở Nga, nhiệt độ xuống âm mười mấy độ C, thay đổi liên tục.

Ngoài thời tiết, múi giờ cũng bị đảo lộn. Phi công trẻ có thể thích nghi nhanh, ngủ được ngay, nhưng người cao tuổi thường mất ngủ.

Nghề này cũng phải thức đêm nhiều. Ví dụ đi Australia, 20h30 cất cánh, 5h sáng hôm sau mới đến nơi. Làm việc thâu đêm trong điều kiện phải tỉnh táo để đảm bảo an toàn cho hàng trăm hành khách.

- Bạn trẻ phải chuẩn bị hành trang gì để đến với nghề phi công, đặc biệt là các bạn nữ?

Phải xác định rõ yêu cầu nghề nghiệp, xem mình có tố chất, năng lực phù hợp, để có sự chuẩn bị về mặt tinh thần, trí tuệ và thể chất. Bạn hãy tự hỏi có thật sự muốn theo đến cùng, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, bế tắc đang chờ đợi phía trước?

Về kiến thức, bạn cần chú trọng đặc biệt khả năng nghe, nói Tiếng Anh.

Quan trọng nhất là thể chất. Hãy ăn uống điều độ, rèn luyện thể lực thật tốt trước khi đăng ký sơ tuyển.

- Với Kim Châu, những được và mất khi chọn nghề?

- Xa gia đình là hy sinh lớn nhất. Có những tháng, mình phải xa gia đình 15 ngày. Tất nhiên, đổi lại, mình tự lập và có nhiều trải nghiệm thú vị.

Là phi công, bạn có cơ hội tiếp xúc nhiều người, đến nhiều quốc gia, biết nhiều nền văn hóa mới thú vị. Mỗi khi hạ cánh ở một vùng đất mới, bạn sẽ có một khoảng thời gian tham quan, giao lưu với người bản địa.

Cảm ơn và chúc Kim Châu thành công.

Bùi Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm