Nữ chủ tịch được tín nhiệm cao né câu hỏi cá nhân
Đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất với 87/93 phiếu, nhưng khi hỏi về cảm xúc cá nhân, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chỉ cười trừ và khiêm tốn không đưa ra câu trả lời.
- Bà bình luận thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua?
- Theo tôi các đại biểu HĐND đã rất cẩn trọng, khách quan, công bằng, công tâm trong việc ghi phiếu cho các chức danh. Mỗi cá nhân đều cố gắng, còn đánh giá thế nào là quyền của đại biểu.
- Nhiều ý kiến cho rằng lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên dừng lại ở hai mức thay vì ba mức như hiện nay. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh trả lời báo chí chiều 4/7. |
- Chúng ta cần phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều người đang nhầm lẫn giữa hai việc này. Với việc lấy phiếu tín nhiệm, theo tôi nên thực hiện ở ba mức như hiện nay. Còn bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên là hai mức.
- Cảm nhận của bà thế nào khi có số phiếu tín nhiệm cao nhất?
- Thôi. Tôi không trả lời câu hỏi về cá nhân (cười).
- Bà có đưa ra bình luận gì khi một số trưởng ngành ở những lĩnh vực “nóng”, hay va chạm với người dân có số phiếu tín nhiệm thấp?
- Câu này tôi thấy khó. Trong quá trình chuẩn bị, thường trực HĐND TP cũng đã cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp cho ĐB không chỉ báo cáo thực hiện nghị quyết được giao, mà còn là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố trong thời gian qua.
Qua kết quả chúng ta có cảm giác ở lĩnh vực điều hành trực tiếp của UBND thì số phiếu không được cao như khu vực HĐND. Tôi nghĩ cái đó cũng chỉ phản ánh một phần chứ không phải tất cả. Vì các đại biểu trong UBND cũng đã cố gắng, còn kết quả đạt được đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
- Sau lần lấy phiếu đầu tiên này, Hà Nội rút ra được bài học kinh nghiệm gì cho những lần tiếp theo, thưa bà?
- Tôi thấy có 3 kinh nghiệm bước đầu có thể rút ra. Thứ 1, phải quán triệt sâu sắc đầy đủ mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm. Thứ 2, bản thân mỗi cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm cần phải báo cáo một cách đầy đủ, nghiêm túc, trung thực về việc thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, và cần bám sát vào 2 nội dung theo hướng dẫn của trung ương. Điểm thứ 3, để làm tốt việc này rất cần sự vào cuộc khách quan, công tâm, công bằng, trách nhiệm thận trọng của các ĐB.
- Vậy Hà Nội có đề xuất kiến nghị gì với trung ương sau lần lấy phiếu này?
- Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong nội dung báo cáo của các chức danh lấy phiếu, làm sao để hướng dẫn của trung ương với báo cáo của đại biểu có sự thống nhất với nhau.
Bên cạnh đó qua lần thảo luận tại tổ trước khi thực hiện lấy phiếu, có hai dòng ý kiến kiến khác nhau về người được lấy phiếu. Thứ nhất cho rằng cần phải mở rộng hơn người lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài các chức danh do HĐND bầu cũng phải lấy phiếu chức danh giám đốc các sở và thủ trưởng các ngành của UBND TP.
Nhưng cũng có loại ý kiến lại cho rằng cần thu hẹp đối tượng và không nhất thiết phải lấy phiếu các chức danh trưởng ban của HĐND.
Ngoài ra chúng tôi cũng kiến nghị lần này tất cả các địa phương đều thực hiện lấy phiếu nên cần có một đánh giá, tổng kết việc này. Xem cái gì tốt, cái gì hay, cái gì cần hạn chế, điều chỉnh để làm tốt hơn trong các lần tiếp theo.
Nguyễn Dũng
Theo Infonet