5 “bông hoa thép” là trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Đội trưởng; Phó đội trưởng - đại úy Phan Thị Ngọc Anh; đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, thượng úy Trần Thị Thủy và thiếu úy Nguyễn Thị Lụa. Tất cả đều có điểm chung: Không ngại độ cao và rất giỏi leo trèo, bơi lội.
Trong cuộc trò chuyện, những nữ chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn thể hiện rõ chất lính: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Chính vì vậy việc ngày leo tường, tối đu dây, sáng chạy bộ đã trở thành phản xạ tự nhiên của những “bông hoa thép”. Khác với những người phụ nữ khác thường có đôi bàn tay mềm mại, bàn tay của những nữ chiến sĩ thuộc lực lượng cứu nạn, cứu hộ chai sần, săn chắc và khi bắt tay vào công việc luôn dứt khoát và chính xác.
Những “bông hồng thép” của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát PCCC TP Hà Nội . |
Lao vào nơi nguy hiểm để cứu người gặp nạn
Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến các nữ cảnh sát thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm nhiệm vụ, hay những lần rèn luyện trên thao trường. Ở độ cao từ tầng 7 của tòa nhà Keangnam, gió giật khiến người đứng ngoài hành lang đứng còn không vững, vậy mà họ vẫn đu dây ở trên độ cao hàng chục mét để thực hiện cứu hộ, cứu nạn.
Một mình thực hiện động tác đã khó, lại phải cứu người, thế nên họ phải mang thêm một trọng lượng nặng bằng hoặc hơn trọng lượng cơ thể. Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn bình tĩnh thực hiện từng động tác nhỏ vẫn chính xác đến tuyệt đối.
Đại úy Lan vốn xuất thân từ lực lượng cảnh sát cơ động tinh nhuệ. Sau khi Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thành lập, chị được điều chuyển về làm nhiệm vụ mới.
Như cái duyên với nghề, đại úy Lan được phân công vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn. “Ban đầu, nhiều người thân, bạn bè lo lắng khuyên nhủ tôi xin chỉ huy chuyển về làm nhiệm vụ tại phòng khác nhưng tôi chỉ cười và bảo: Đã là lính cứu hỏa thì nhiệm vụ nào cũng nặng nề cả. Tôi sẽ cố gắng bằng sức mình có thể để cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ”, chị Lan chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Đại úy Lan tham gia cả vào nhóm cứu nạn, cứu hộ dưới nước. Lan giỏi leo trèo và bơi lội. Ngoài công việc luyện tập thường ngày cho các nhiệm vụ cứu nạn trên cao, ngoài giờ Lan bơi lặn tại hồ Linh Đàm để rèn kỹ năng cứu nạn dưới nước”.
Trung tá Hiền là chỉ huy được đào tạo bài bản, tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học PCCC. Sau khi tốt nghiệp, chị Hiền được phân công về đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Tây (cũ) và khi thành lập Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, chị được bổ nhiệm làm Đội trưởng Tham mưu tổng hợp.
Đại úy Phan Thị Ngọc Anh nhớ lại: “Sợ nhất những ngày đầu làm nhiệm vụ tại buổi diễn tập phương án lớn. Trong tòa nhà cao mấy chục tầng mất điện tối thui, khói mù mịt khiến mắt cay xè nhưng mình vẫn đu dây từ trên cao xuống. Khi đó mình vừa thả dây vừa tự động viên mình. Cứ thế dần dần thành phản xạ tự nhiên, trong các buổi tập tại thao trường, và trong diễn tập phương án đều rất thoải mái mà không hề bị căng thẳng”.
Theo chị Ngọc Anh, chồng đại úy này cũng chỉ biết vợ làm ở lĩnh vực PCCC chứ không biết cụ thể nhiệm vụ bởi chị không kể chi tiết công việc vì sợ người thân hay lo lắng vì thấy suốt ngày leo trèo, đu dây.
Trong số 5 “bông hoa thép”, 3 chị đã có gia đình. Hai người còn lại bảo lập gia đình rồi mang thai, sinh con sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc nên còn đắn đo, tính thời điểm hợp lý sẽ tổ chức. Từ tâm sự này mới thấy chuyện việc lập gia đình cũng được các nữ chiến sĩ ra phương án cụ thể, chính xác như những lần cứu người từ trên cao xuống đất.
5 "bông hoa thép". |
Đôi bàn tay không ít lần tứa máu
Chúng tôi có nhiều năm có cơ hội tiếp xúc, làm việc với lực lượng cảnh sát PCCC TP Hà Nội, và đặc biệt với lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Nếu nói về phương tiện, thao trường thì còn khó khăn muôn phần. Thao trường của những người lính cứu nạn là chính tòa nhà nơi làm việc của đơn vị - căn nhà 5 tầng tại 21 đường Tựu Liệt, Thanh Trì.
Còn nơi luyện tập cứu nạn dưới nước là các hồ nước tự nhiên: Linh Đàm, sông Hồng, hồ Tây…. Và để có những động tác chính xác tuyệt đối, an toàn thì mỗi người phải tự nâng cao trách nhiệm, học hỏi, rèn luyện bởi “sai một ly sẽ đi một dặm”.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Chỉ một mối buộc dây thôi cũng phải học mất hàng tuần. Trong nhiệm vụ thực hiện leo dây, đu dây nếu mình chưa an toàn thì làm sao cứu người được. Vì vậy từ cách móc dây an toàn cho mình phải chuẩn xác, nhanh và tiện lợi nhất. Mỗi động tác hạ độ cao cũng phải bình tĩnh, tự tin và an toàn tuyệt đối”.
Để làm được việc đó, đôi bàn tay của những nữ chiến sĩ đã không ít lần tứa máu trong khi luyện tập. Đôi chân sưng phồng vì chạy, xây xước vì leo trèo đu dây mặc dù tất cả đã mặc đồ bảo hiểm chuyên dụng. Chính vì vậy, từng nội dung, động tác được những người lính rèn luyện thường ngày. Đôi tay họ cứ thế dần chai sần.
“Mùa hè nắng nóng là vất vả nhất, bởi quần áo chuyên dụng dày lại bịt kín từ đầu đến chân, mồ hôi không thấm được và cứ chảy ròng ròng”, Đội trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
Một trong những “bông hồng thép” trên xe thang tại buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại sân vận động Mỹ Đình. |
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: "Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng cứu nạn, cứu hộ là những người thầy của chúng tôi. Anh là chuyên gia cứu nạn, cứu hộ nên kinh nghiệm dày dặn. Từng nút dây, cách tháo nút buộc hoặc cách cuộn dây anh hướng dẫn đều rất bài bản. Ở trên độ cao thì cần phải tập trung vào nhiệm vụ, không nhìn xuống dưới sẽ mất tập trung".
Trong câu chuyện về nghề, chúng tôi đã hỏi các chị trong hàng nghìn công việc, nhiệm vụ tại sao những người phụ nữ chân yếu tay mềm lại chọn làm lính cứu nạn, cứu hộ thì nhận được câu trả lời: “Người lính thì không có công việc nặng hay nhẹ mà chỉ có hoàn thành nhiệm vụ. Và để làm được như thế, người lính chỉ có cách duy nhất là “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.