Bộ trưởng Tài chính Peru, Maria Antonieta Alva, hay được gọi một cách thân mật là Toni. Người phụ nữ trẻ tuổi thường xuyên chụp ảnh selfie cùng các con và những người bán hàng rong hay dúi vào tay bà những chiếc vòng tay để làm quà. Các nghệ sĩ phác họa chân dung của bà và đăng lên mạng xã hội.
Các hãng truyền hình tranh giành phỏng vấn và chạy loạt bài với tiêu đề “Maria Antonieta Alva là ai”. Câu trả lời đó là Bộ trưởng Tài chính 35 tuổi của Peru, người đang điều hành gói phục hồi đầy tham vọng để vực dậy nền kinh tế quốc gia bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, Bloomberg cho biết.
Bà nhận được rất nhiều lời khen về sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động. “Từ góc độ Mỹ Latin, Peru là một nhà lãnh đạo rõ ràng về phản ứng vĩ mô. Bạn có thể tưởng tượng một kết quả rất khác nếu không có Toni ở đó”, Ricardo Hausmann, nhà kinh tế học ở Đại học Havard, thầy của bà Alva, đang lãnh đạo một nhóm chuyên gia tư vấn cho Peru và 10 quốc gia khác, nói.
Bà Alva mới được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính vào tháng 10/2019, nhưng ngày càng được xem là nhân vật trung tâm trong chính quyền của Tổng thống Martin Vizcarra, một phần của thế hệ lãnh đạo trẻ mới nổi và dành nhiều thời gian để giải thích chính sách công cho công chúng đang lo lắng.
“Bà ấy rất giỏi trong giao tiếp và điều đó trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện tại”, Carlos Oliva, người tiền nhiệm của bà Alva nói. Bà Alva là thành viên nữ duy nhất của một nhóm các Bộ trưởng Tài chính trẻ tuổi trong khu vực gồm Martin Guzman, 37 tuổi của Argentia, Juan Ariel Jimenez, 35 tuổi của Cộng hòa Dominica, và Richard Martinez, 39 tuổi của Ecuador.
Ưu tiên phục hồi tăng trưởng
Đây không phải là thời điểm dễ dàng để giám sát chính sách và vẫn cần thời gian để xem giải pháp của Bộ trưởng Alva có hiệu quả hay không. Một số nhà kinh tế dự báo, GDP đất nước sẽ giảm hơn 10% trong năm nay, mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Bộ trưởng Tài chính Alva chụp ảnh cùng Tổng thống Martin Vizcarra trong buổi lễ nhậm chức vào tháng 10/2019. Ảnh: AP. |
Trọng tâm ban đầu trong chính sách của bà Alva là đảo ngược sự sụt giảm trong cơ sở hạ tầng của chính phủ, bằng cách giúp chính quyền khu vực và địa phương chi tiêu nhanh hơn, dẫn đến sự gia tăng kỷ lục trong đầu tư công.
Bộ trưởng Alva muốn giảm thâm hụt y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, đưa Peru trở lại đà tăng trưởng sau một thập kỷ có mức tăng trưởng kinh tế chỉ 2,2% vào năm ngoái.
Đại dịch bùng phát đã tấn công Peru và gây nhiều thiệt hại, dù nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa sớm. Trọng tâm trong các giải pháp là chuyển sang ngăn chặn, bao gồm viện trợ cho các gia đình, doanh nghiệp và chuẩn bị cho việc tái khởi động nền kinh tế vào tháng này.
Người phụ nữ mạnh mẽ
Bà Alva là con gái của ông Jorge Alva, một kỹ sư xây dựng và giám đốc Đại học Nacional de Ingenieria. Bộ trưởng Alva nói rằng bà phải đối mặt với sự nghèo khổ cùng cực ở Peru khi còn nhỏ và khi bà theo chân cha đến thăm các khu vực nghèo khổ, bà đã quyết tâm thay đổi tình trạng này.
Ở một đất nước nổi tiếng với những suy nghĩ máy móc, nơi thành tựu của người phụ nữ thường được nhìn qua lăng kính làm mẹ. Bà Alva thể hiện một vẻ ngoài khác thường với trang phục nghiêm túc, dây chuyền bằng vàng với mặt dây chuyền có hình đất nước Peru.
“Bà ấy mạnh mẽ nhưng không hung dữ. Bà ấy thể hiện điều đó thông qua công việc của mình, đó là một kiểu trao quyền cho phụ nữ”, Patricia Zarate thuộc Viện nghiên cứu Peru nhận xét.
Bà Alva muốn đầu tư nhiều vào giáo dục và y tế vốn bị xem nhẹ ở Peru. Ảnh: RPP. |
Tuy vậy, một số người chế nhạo việc bà được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng tài chính, vì bà là con gái của ai đó, chứ không phải là người có nhiều năm trong lĩnh vực tài chính công.
Bà Alva theo học tại trường đại học ở Peru, sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị công tại Đại học Harvard vào năm 2014. Bà dành phần lớn thời gian để làm việc cho chính phủ trong các kế hoạch chi tiêu công, bao gồm 2 năm giám sát ngân sách quốc gia trị giá 52 tỷ USD.
Chỉ vài tháng sau khi được bổ nhiệm giữ chức vụ bộ trưởng tài chính, các nhà dịch tễ học đã đặt ra cho chính phủ một vấn đề nan giải, phong tỏa xã hội, bao gồm hàng triệu chủ cửa hàng, nghệ nhân và người bán hàng rong khiến họ đối mặt với thiệt hại kinh tế, hoặc hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ vì sự quá tải bệnh nhân.
Sau khi tham khảo ý kiến các nhà kinh tế ở Peru và nước ngoài, Bộ trưởng Alva đã đàm phán với các đồng nghiệp để xây dựng sự đồng thuận cho một loạt các giải pháp, gồm phát tiền mặt, trợ cấp tiền lương và các khoản vay cho doanh nghiệp được chính phủ hỗ trợ, giải pháp chưa từng được thử nghiệm ở Peru.
“Chính sự thúc đẩy của bà trong chính phủ rõ ràng đã dẫn đến các giải pháp và phản ứng như vậy”, Jaime Reusche, nhà phân tích tại Dịch vụ nhà đầu tư Moody nhận xét. Hai tuần trước, Peru đã bán 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế với mức lãi suất thấp kỷ lục, trong một sự thể hiện niềm tin đối với nhà đầu tư.
Một đất nước nhiều nghịch lý
Peru với dân số 32 triệu dân, là đất nước của những nghịch lý. Quốc gia này có các tổ chức kinh tế được quốc tế công nhận và dự trữ ngoại tệ lớn. Nhưng chăm sóc sức khỏe và giáo dục lại ít được quan tâm nhất ở châu Mỹ.
Peru áp dụng lệnh phong tỏa xã hội để phòng Covid-19 từ rất sớm. Ảnh: Getty. |
Khi còn là học sinh, bà Alva đã gặp rắc rối bởi những mâu thuẫn đó, sự bất bình đẳng và nghèo đói đang diễn ra, giáo sư Enrique Vasquez, thầy cũ của bà tại Đại học del Pacifico ở Lima nhận xét. Khi còn là sinh viên, bà là người đồng sáng lập một tổ chức từ thiện để giúp đỡ trẻ em nghèo và thành lập một nhóm tranh luận về chính sách công. Sau khi tốt nghiệp, bà đến làm việc tại Bộ Tài chính.
Bà theo học thạc sĩ tại Đại học Harvard và dành 2 tháng ở Ấn Độ để nghiên cứu cơ hội giáo dục cho các bé gái. Bà trở về Peru và làm việc tại Bộ Giáo dục, trở thành trưởng phòng kế hoạch và ngân sách, trước khi trở lại Bộ Tài chính để giám sát ngân sách với một đội ngũ hơn 150 người.
Tuy vậy, kế hoạch khôi phục nền kinh tế Peru của bà gặp không ít trở ngại. Đối với một số bộ phận dân cư, gói cứu trợ kinh tế đến với họ quá chậm, khiến hàng nghìn người mất việc làm do phong tỏa xã hội không có thu nhập, họ phải rời thủ đô Lima để trở về quê nhà trong tuyệt vọng.
Vào tháng 2, chủ tịch công ty dầu mỏ Peru chỉ trích bà Alva, vì không cho phép gói tài chính trị giá 1,5 tỷ USD cho Petroperu, người này sau đó đã nghỉ việc. Vài ngày sau, một nhóm sinh viên đại học đã treo băng rôn thể hiện sự ủng hộ đối với bà trên 18 cây cầu ở Peru.
Tuần trước, có tin đồn trên mạng xã hội rằng bà từ chức trong bối cảnh có nhiều cáo buộc nói gia đình bà hưởng lợi nhiều nhất từ gói giải cứu nền kinh tế. Bà Alva đã phủ nhận việc từ chức và cho biết tình hình tài chính của bà và gia đình được công khai trực tuyến.
“Tôi từng nói với bà ấy rằng Toni, tôi hy vọng một ngày nào đó, em sẽ trở thành tổng thống của Peru, nhưng em sẽ cần làm một bộ trưởng trước và em ấy chỉ mỉm cười”, giáo sư Vasquez nhớ lại.