Người nữ anh hùng nức danh một thời ấy là bà Hồ Thị Thu Hiền (SN 1947) trú tại đường Hồng Bàng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Khi biết chúng tôi muốn nghe kể lại ký ức hào hùng một thời của mình, bà Hiền thoáng bối rối, kỷ niệm một thời hiện về trước mắt.
Tuổi thơ dữ dội của thôn nữ xứ Nghệ
Bà bắt đầu câu chuyện của cuộc đời mình bằng giọng ấm áp: “Tôi quê gốc ở xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, quê tôi nghèo lắm nên từ lúc 9 tuổi tôi đã phải đi ở. Tôi đi bế con cho nhà người ta, ngày thì trông em, còn buổi tối thì đưa sách, báo và nước cho các đồng chí ở trường Đảng Lê Hồng Phong”.
Bà Hiền tự hào kể về những trận đánh lịch sử và về ba lần bà được truy điệu sống. |
Lớn lên và chứng kiến quê hương bị chiến tranh tàn phá, cô bé Hiền sớm nung nấu ý chí giết giặc trả thù. Năm 18 tuổi, bà tình nguyện làm đơn xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong để phục vụ tại địa phương. 3 năm sau, bà Hiền chính thức tham gia vào đại đội 202 và được cử làm đại đội trưởng của đại đội 202 - N241, P31 Nghệ An.
Nhớ lại ngày nhận công tác đứng đầu đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Bình, bà Hiền xúc động kể: “Đơn vị của tôi khi đó có 150 thanh niên của 11 huyện trong tỉnh, khí thế ngày ra trận ai cũng hứng khởi lắm. Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thuốc men, súng ống cho chiến trường. Trên đường đi, gian nan nhiều lắm, đơn vị tôi chủ yếu là thanh niên đang học trên ghế nhà trường nên sức vóc họ không có”.
Cùng lúc này, địch thực hiện chiến dịch “3 sạch”: Đốt sách, phá sạch, diệt sạch, với quy mô lớn. Đơn vị của bà Hiền phải vận chuyển đồ vừa đi vừa mở con đường mới để đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ, toàn bộ đơn vị nhận được chỉ thị thực hiện “4 không”: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng”. Chưa kể đến những gian nan của những chuyến băng rừng là sên, vắt hay mưa lầy lội. Mọi sinh hoạt của đơn vị đều được thực hiện một cách bí mật dưới hầm sâu.
Những bức ảnh nhuốm màu thời gian giờ đây bà Hiền coi chúng như những kỷ vật quý giá |
Nhớ lại trận đánh đầu tiên của đơn vị, bà trầm ngâm kể: “Hôm đó là vào ngày 16/7/1969, khi anh em trong đơn vị đang gùi hàng thì bị máy bay VL 19 phát hiện và nã đạn. Trong trận này, 4 chiến sĩ trong đơn vị đã hi sinh”. Nhìn đồng đội ngã xuống, bà Hiền lòng quặn thắt, nhưng biết làm sao được khi ai cũng hi vọng sẽ được cống hiến sức mình cho cuộc chiến này.
Nữ đại đội trưởng 3 lần được làm lễ truy điệu sống
Dù chiến tranh qua đi đã lâu nhưng những ký ức ngày nào vẫn tái hiện rõ mồn một trong tâm trí bà Hiền. Trầm ngâm kể về 3 lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống cho mình, bà Hiền chia sẻ: “Sau khi kết thúc chiến dịch ở Quảng Trị, đơn vị chúng tôi được điều ra Đồng Hới mở tuyến đường lên Cổn dài 10km để tạo thêm đường nhánh răng lược cho bộ đội hành quân.
Đây là một trong những nhánh đường quan trọng nên địch ngày đêm bắn phá nhằm ngăn cản lực lượng của ta mở đường. Vì lẽ đó, đoạn đường chưa đến 10 km nhưng máy bay giặc ngày đêm vần vũ thả không ít bom từ trường, bộ đội của ta cũng đã hy sinh trên 10 cây số đường ấy không ít”.
Đầu năm 1970, khi nhận được nhiệm vụ, đơn vị của bà Hiền nhanh chóng có mặt và bắt tay vào làm đường. Do mật độ bom quá nhiều nên đã có chiến sĩ hi sinh khi đang làm đường. Để bớt rủi ro cho đồng đội, phải tiến hành rà bom mìn trước, vậy là, người chỉ huy nữ ấy đã xung phong nhận lấy nhiệm vụ rà bom, đồng đội can ngăn, anh em xin đi thay nhưng bà Hiền cương quyết từ chối.
Bức ảnh kỷ niệm trong những lần vinh dự được đi tham dự đại hội mà bà Hiền trân trọng nhất |
Với bà, đã là một người chỉ huy thì phải gương mẫu để thực hiện tốt khẩu hiệu “sớm một ngày thêm được một chuyến xe qua”. Bằng một cọc tre vót nhọn, người nữ đại đội trưởng băng mình vào trận địa, chấp nhận sự rủi may của số phận. Trước quyết định quyết đoán ấy, toàn bộ đơn vị đã lặng lẽ làm lễ truy điệu sống cho bà.
Đôi mắt ánh lên vẻ tự hào, bà Hiền tươi cười nói: “Lần đó tôi vẫn sống sót trở về, và nhiệm vụ mở đường của đơn vị tôi đã hoàn thành xuất sắc. Ngày xong tuyến đường cũng là ngày chúng tôi nhận được nhiệm vụ hành quân sang đường 9 Nam Lào để tải thương binh”.
Nhiệm vụ của đại đội 202 lần này cũng không kém phần nguy hiểm khi các chị phải trực tiếp vào chiến trường, giữa hai làn đạn của ta và địch để khiêng vác thương binh ra nơi an toàn mà hầu như không có phương án phòng vệ chủ động nào. Lần đó, bà Hiền cũng 7 đồng chí trong đơn vị đã xin đi. Ngày ra đi, đơn vị lại làm lễ truy điệu sống người thủ trưởng can trường và các thanh niên xung phong cảm tử.
Kết thúc nhiệm vụ, bà Hiền cùng đồng đội vẫn trở về bình an. Nụ cười giãn ra nơi khóe miệng nhuốm màu thời gian, bà Hiền chia sẻ: “Hai năm, hai lần truy điệu mà thần chết vẫn chưa nhận tôi. Khi chiến tranh ngày càng khốc liệt thì những người lính nguyện chết cho đất nước cũng nhiều thêm. Do nhiệm vụ cáng thương binh cần sức khỏe nên tôi chỉ chọn những người có thể lực để đảm bảo an toàn và làm tốt hai mực tiêu là “quyết không để thương binh bị thương lần hai” và “bảo vệ thương binh như chính con người của mình”.
Bà Hiền và một người bạn gặp lại sau ngày hòa bình. |
Khí thế hào hùng của chiến trận Nam Lào ngày đó được thể hiện bằng những câu thơ mà đến nay bà Hiền vẫn nhớ như in. Giờ đây, mỗi khi có khách hay con cháu tập trung đông vào ngày lễ bà Hiền lại đọc lại mấy câu thơ cho con cháu nghe:
Được đi chiến dịch Nam Lào.
Trên đường ra trận vui nào vui hơn.
Chiến dịch Nam Lào thắng lợi, đơn vị 202 lại nhận được nhiệm vụ mới. Năm 1972, đơn vị có nhiệm vụ đi từ Quảng Bình vào Quán Hàu rồi ngược lên Hướng Hóa, Minh Hóa để làm đường chiến lược và lấp hố bom. Tuyến đường ngày đêm bị bắn phá, cũng có những quả bom từ trường chưa phát nổ nó sẽ cản trở những chuyến xe của ta.
Hôm đó, người nữ đại đội trưởng đang mặc những chiếc áo trắng làm hoa tiêu cho xe chở hàng đi qua thì máy bay giặc kéo đến. Cùng lúc đó, bà Hiền phát hiện ra ba quả B52 chưa nổ nằm chắn ngang đường. Nhanh như chớp, bà Hiền đưa những quả bom đó ra khỏi mặt đường cho xe đi qua. Và để đảm bảo những quả bom này không phát nổ, phải dùng những đoạn cây nhỏ, nhẹ nhàng lăn cho những trái B52 rơi vào ta luy âm.
Ba lần cảm tử nhưng không chết, hòa bình lập lại, người nữ anh hùng ngày nào giờ là thương binh 3/4. Năm 1975, bà Hiền xuất ngũ về quê, ngày đó bà mới tròn 28 tuổi, chiến tranh đã không còn, bà được điều về làm bí thư đoàn công ty xây dựng công trình kỹ thuật thành phố. Năm 1976, bà nên duyên với người đồng đội Hoàng Văn Cự. Cuộc sống gia đình mới sau ngày đất nước thống nhất đầy rẫy những khó khăn gian khổ. Ba đứa con lần lượt ra đời, hạnh phúc luôn ngập tràn trong gia đình của hai người lính. Đến năm 1963, vết thương tái phát, bà Hiền ốm nặng nên phải về hưu để an dưỡng.
Cánh tay run run lần giở từng bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, mỗi lần cầm trên tay những tấm ảnh đó, bà Hiền đều tận tường giới thiệu về những con người, những kỷ niệm trong bà. Với những chiến công trong thời chiến cũng như thời bình, bà Hiền nhiều lần vinh dự được cử đi dự đại hội thi đua cấp cơ sở và cả trung ương.
Giờ đây, với bà Hiền, bà vẫn luôn quan tâm những người đồng đội cũ, những cái tên như đồng chí Cao Thị Hải ở Diễn Châu hay Hoàng Thị Thanh Hà ở Hà Huy Tập, TP. Vinh… Cuộc sống của những con người này ra sao, bà Hiền đều quan tâm, mỗi khi giúp được ai cái gì bà đều sẵn lòng không toan tính. Những kỷ niệm thời khói lửa vẫn sống mãi trong lòng người lính, người đội trưởng can trường, gan dạ ngày nào.