Nổi tiếng với vai diễn trong các phim Cô gái trên sông, Bí thư tỉnh ủy, Bánh đúc có xương, NSƯT Minh Châu ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi những vai diễn số phận, cá tính. Ngoài đời, bà thừa nhận mình cũng có đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố như trên phim. Sau buổi giao lưu của đoàn nghệ sĩ điện ảnh với khán giả tại TP HCM, NSƯT Minh Châu đã có những chia sẻ thẳng thắn với Zing.vn về thực trạng phim lịch sử Việt Nam.
NSƯT Minh Châu tươi trẻ ở tuổi U60. |
- Trước đây phim chính luận, lịch sử giữ vị trí quan trọng trong điện ảnh nhưng những bộ phim đó hiện tại lại lép vế so với phim thị trường về sự lan tỏa và sức ảnh hưởng. Là diễn viên gắn bó lâu năm với phim lịch sử, phim nhà nước, theo bà, vì sao lại như vậy?
- Theo tôi, các hãng phim tư nhân hiện nay làm rất tốt khâu PR, quảng cáo vì thế khán giả biết đến phim của họ nhiều hơn. Có nhiều phim làm tốt đến mức, phim không hay nhưng người ta vẫn bỏ tiền mua vé vì tò mò, hiếu kỳ. Dù không ít người xem phim xong lại ngán ngẩm: “Phim không hay như quảng cáo”. Còn phim nhà nước, bao năm qua cũng vẫn thế, sản xuất xong, trình chiếu chứ không quan tâm đến PR.
Đó là chưa kể nội dung của các phim về đề tài xã hội sẽ sinh động, hấp dẫn hơn nhiều phim chiến tranh. Nói như thế không có nghĩa rằng phim lịch sử sẽ không bao giờ được hấp dẫn, thu hút. Vấn đề là câu chuyện được kể thế nào, nội dung ra sao. Tôi nghĩ phim lịch sử vẫn có khán giả nếu có nội dung tốt.
- Theo thống kê gần đây, đa số phim điện ảnh do nhà nước sản xuất về đề tài lịch sử đều có doanh thu thảm hại. Có những phim đầu tư tiền chục tỷ đồng nhưng doanh thu thậm chí là 0 đồng hoặc vài trăm triệu đồng. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Tôi nghĩ, khán giả có lý do khi không xem phim lịch sử của Việt Nam. Đã đến lúc các nhà làm phim lịch sử phải nhìn lại mình nghiêm túc và thẳng thắn nhất. Khi sản xuất xong một bộ phim, chúng ta cần phải ngồi xem lại ở vị trí của khán giả, cảm nhận những cái được và chưa được, chứ không nên tự ru ngủ bản thân bằng những triết lý cao siêu kiểu như phim của ta là nghệ thuật, nhân văn, ý nghĩa hay phim nghệ thuật thì phải kén khán giả.
Tôi thấy nhiều nghệ sĩ bây giờ "cuồng" tác phẩm của mình hơi thái quá nên không còn nhìn thấy những hạt sạn nữa. Không đặt tác phẩm của mình hòa nhập vào dòng chảy chung của lịch sử, xã hội thì sẽ bị lạnh nhạt là điều dễ hiểu.
NSƯT Minh Châu tại buổi giao lưu với khán giả. |
- Tham gia nhiều dự án chiến tranh, bà thấy có những bất cập gì trong quá trình làm phim khiến dòng phim này chưa tạo được sức hút với người xem?
- Có rất nhiều thứ làm cản trở sự phát triển của dòng phim này. Trước tiên là khâu duyệt kịch bản. Người trong hội đồng duyệt phim thường làm theo những quy định cứng nhắc, hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. Ví dụ, có chút hở hang, có cảnh nóng hay một chút không đúng như sự thật là cắt ngay.
Đa số bộ phim lịch sử nhà nước làm với mục đích tuyên truyền. Nhưng cách tuyên truyền chưa hiệu quả. Người ta tuyên truyền nên nghĩ phải xây dựng con người thật hoàn hảo mà không nghĩ rằng ai cũng có đúng sai, ngọc còn có vết mà. Nếu ca ngợi một chiều thái quá sẽ làm cho nhân vật không chân thật, không tạo cảm xúc cho người xem.
Lịch sử đã qua bao nhiêu lâu rồi, người xem không cần các nhà làm phim phải làm đúng mọi thứ của ngày xưa, miễn sao anh phải nói được vấn đề, thời cuộc, truyền được thông điệp mà không cần lên gân, giáo điều. Làm phim lịch sử cũng như nấu một món ăn cổ truyền xưa. Chúng ta không thể nấu lại nguyên như thế và có khi người ta lại không thích hương vị cũ, mà muốn pha trộn với nhiều gia vị hiện nay.
- Khán giả cũng rất phàn nàn về kỹ xảo của những bộ phim điện ảnh do nhà nước sản xuất. Phải chăng đây cũng là yếu điểm khiến phim lịch sử bị thờ ơ?
- Không thể so sánh kỹ xảo của điện ảnh Việt Nam với thế giới vì họ đã sử dụng kỹ xảo vô cùng tinh vi, còn chúng ta vẫn dùng máy móc thô sơ, lạc hậu. Đây cũng là bài toán khá đau đầu với người làm điện ảnh khi kinh phí hạn hẹp, máy móc cũ kỹ.
Để có những bộ phim thu hút người xem, nội dung tốt nhưng phải được truyền tải bằng hình ảnh đẹp. Nếu không đổi mới, phim lịch sử, phim nhà nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng sản xuất xong, đem cất kho vì không có khán giả.
- Nếu nhận lời đóng một bộ phim lịch sử, bà sẽ có những tiêu chí gì?
- Bây giờ tôi đóng phim không phải để kiếm sống nên lựa chọn những thứ mình thật sự thích. Tiêu chí của tôi khi nhận phim phải là kịch bản, đạo diễn và cát-xê. Có những đạo diễn mình tin tưởng về tài năng thì có khi không cần đọc kịch bản cũng nhận lời vì với họ, một kịch bản chưa hay lắm, họ cũng biết cách tạo cho hấp dẫn như NSND Bạch Diệp.